Sáng 18-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Theo nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), thực trạng lãng phí ở nước ta hiện nay không kém gì tham nhũng, nhưng dường như quyết tâm chưa cao nên vẫn dẫn đến lãng phí tràn lan. Chính vì vậy có thể tính toán đổi tên dự luật thành Luật Phòng, chống lãng phí cùng các chế tài mạnh mẽ để ngăn ngừa tình trạng này.
Lãng phí nguy hiểm như tham nhũng
Theo ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị), tiết kiệm có được nhờ nhận thức, sự vận động, khuyến khích, không phải do pháp luật bắt buộc. Nếu như không tiết kiệm nhưng chưa lãng phí thì Nhà nước cũng không can thiệp. Còn với tình hình lãng phí hiện nay, để tập trung quyết tâm cao cho việc hệ trọng là phòng, chống lãng phí thì cần đổi tên thành Luật Phòng, chống lãng phí, như đã thể hiện quyết tâm cao khi cho ra đời Luật Phòng, chống tham nhũng. Cũng theo ĐB, để tăng hiệu quả và tính khả thi của luật thì chỉ nên tập trung vào những quy định nhằm phòng, chống lãng phí trong việc quản lý sử dụng ngân sách vốn, tài sản nhà nước, nguồn tài nguyên cũng như lao động khu vực nhà nước thay vì mở rộng đối tượng. Cũng để ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với hành vi gây lãng phí, dự luật cần quy định các loại hành vi vi phạm và chế tài hay hậu quả pháp lý mà cơ quan tổ chức, cá nhân gây lãng phí phải gánh chịu, không nên ghi chung chung là xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) chia sẻ, hiện nay, tình trạng lãng phí ở nước ta không kém gì tham nhũng nhưng dường như quyết tâm chính trị, trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu, cũng như cán bộ công chức và những chế tài lại chưa được quan tâm đúng mức.
Bức xúc trước thực trạng hiện nay, bên cạnh những lãng phí như lãng phí nhân lực, tổ chức lễ hội, khởi công… một số ĐB cho rằng cần bổ sung quy định về trách nhiệm của việc tham mưu, ban hành chính sách gây lãng phí. ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) cho rằng, cần bổ sung quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo trong tham mưu đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, định mức gây lãng phí. Cùng với đó là định lượng mức độ vi phạm và tùy vào hành vi thì sẽ phải bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Xử lý nghiêm các hành vi lãng phí
Đồng tình với ý kiến lãng phí hiện nay đã trở thành vấn nạn, là bạn đồng hành với tiêu cực tham nhũng, gây nhức nhối trong đời sống xã hội, ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cho rằng, để ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí thì dự luật cần sớm bổ sung những hành vi vi phạm pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào Bộ luật Hình sự cũng như Chính phủ sớm ban hành nghị định để hướng dẫn thi hành. Chính phủ cũng cần tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt với những giải pháp hữu hiệu. “Chống lãng phí của ta trong dự luật này nêu phần lớn là khuyến khích động viên và cổ vũ còn chưa xử phạt ai, chưa bắt ai, chưa truy tố ai lãng phí bao giờ mà chỉ có nhắc nhở nên tôi nghĩ chưa được” - ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) trình bày quan điểm.
Ngoài ra, theo nhiều ĐB, báo chí có vai trò quan trọng trong đấu tranh chống lãng phí, nhiều vụ lãng phí tiêu cực do báo chí nêu ra. Tuy nhiên, luật hiện hành cũng không có những quy định về vai trò, trách nhiệm của báo chí. Đồng tình quan điểm này, theo ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam), việc giám sát của các cơ quan báo chí hiệu quả khá tốt. “Báo chí đăng một số ảnh, bài viết về xe công đi lễ hội. Sau đó, xe công đi lễ hội giảm cơ bản. Báo chí phản ánh tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm; sau đó các cơ quan chức năng vào cuộc, người tiêu dùng được cảnh tỉnh cũng làm giảm đáng kể tình trạng này. Rất nhiều lĩnh vực các cơ quan quản lý không phát hiện được nhưng cơ quan báo chí lại phát hiện được”. Do vậy, theo nhiều ĐB, cần bổ sung thêm một mục trong đó quy định các cơ quan báo chí có quyền và trách nhiệm giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cần có danh hiệu đối với các nghệ nhân, nhà khoa học
Chiều 18-6, Quốc hội thảo luận về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Dự thảo quy định thời điểm xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động), “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Giải thưởng Nhà nước” 5 năm một lần như hiện nay, để thống nhất với việc xét “Giải thưởng Hồ Chí Minh” 5 năm xét tặng một lần, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) cho rằng, nếu 5 năm mới xét tặng các danh hiệu, giải thưởng một lần sẽ khiến thi đua, khen thưởng không kịp thời, vì vậy nên cân nhắc thời hạn này. Đây cũng là băn khoăn của nhiều ĐBQH khác khi cho rằng, nếu làm như vậy sẽ gây thiệt thòi cho những người có thành tích nhưng phải chuyển công tác hoặc đến thời hạn về hưu.
Cùng với đó, nhiều ĐBQH đề xuất cần có các danh hiệu thi đua khác để động viên kịp thời các tầng lớp nhân dân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển chung. ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) đề nghị cần có quy định khen thưởng đối với cá nhân, tập thể ngoài khu vực nhà nước. Tương tự, ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) đề nghị cần tôn vinh kịp thời các nghệ nhân, vì hiện nay chưa có nghệ nhân nào được tôn vinh, xét tặng các danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân. Đó là những người đã dành cả đời tâm huyết để truyền lại những gì tinh túy của văn hóa dân tộc, trong khi đó đa số các nghệ nhân đều đã cao tuổi, nếu không có hình thức khen thưởng kịp thời cho họ thì sẽ quá muộn. ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) cũng đề nghị bổ sung danh hiệu “Nhà khoa học nhân dân” và “Nhà khoa học ưu tú” để tôn vinh, động viên, khích lệ những cá nhân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu, tạo công bằng cho giới khoa học-trí thức. Các cá nhân trong lĩnh vực này cần được tôn vinh xứng đáng bằng danh hiệu vinh dự nhà nước.
* Cũng trong chiều 18-6, với tỷ lệ gần 88%, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ (KH-CN) sửa đổi. Ngày 18-5 hàng năm là Ngày KH-CN Việt Nam.
| |
HÀ MY - PHAN THẢO