Nghiên cứu chuyển nạp gen ở đậu tương cho năng suất cao

Đề tài “Nghiên cứu chuyển nạp gen ở đậu tương và tạo dòng đậu tương biến đổi gen kháng sâu” do TS Trần Thị Cúc Hòa, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long làm chủ nhiệm đang được triển khai mang lại triển vọng cho cây đậu tương của nước ta. Bằng phương pháp tạo vết thương tại mặt trong của nốt lá mầm với dung dịch có chứa vi khuẩn được nuôi cấy ở nhiệt độ 21oC giúp kích thích sự xâm nhập của vi khuẩn (một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong chuyển nạp gen vào cây đậu tương) đã cho tỷ lệ nạp chuyển gen đạt chất lượng cao. Kết quả, qua xác định các giống đậu tương có tiềm năng trong chuyển nạp gen (gồm 5 giống đậu tương đang trồng ở Việt Nam và 3 giống nhập nội) đã cho hiệu quả là tạo ra dòng đậu tương biến đổi gen kháng sâu và cho năng suất cao.

K.T.

Soạn thảo xong quy chế về cây trồng biến đổi gen

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết bộ quy chế khảo nghiệm và đánh giá về cây trồng biến đổi gen đã được soạn thảo xong, chỉ chờ sự phê duyệt của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chính thức ban hành. Theo đó, người trồng, kinh doanh cây biến đổi gen sẽ có cơ sở để áp dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, phục vụ đời sống và phát triển kinh tế đất nước.

Theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2006-2010, Việt Nam cần chọn tạo được một số dòng cây biến đổi gen trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên đồng ruộng; năm 2011 đưa một số giống cây biến đổi gen như bông, ngô, đậu tương vào sản xuất đại trà. Hiện nay, trên thế giới có 23 quốc gia chấp nhận việc trồng cây biến đổi gen. Sau 11 năm triển khai, từ 1 triệu ha ban đầu, tới năm 2007, tổng diện tích cây trồng biến đổi gen trên toàn thế giới là 114,3 triệu ha.

T.X.

Quỹ Phát triển KH-CN Quốc gia hỗ trợ DN đổi mới công nghệ

Tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cho biết các doanh nghiệp xin hỗ trợ đổi mới công nghệ theo Nghị định số 119/1999/NĐ-CP thay vì ký hợp đồng trực tiếp với Bộ KH-CN như trước đây, sẽ ký hợp đồng và chịu sự quản lý, giám sát của Quỹ Phát triển KH-CN Quốc gia. Hiện nay Quỹ đã soạn thảo và xin ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý về Dự thảo Quy định tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên. Dự thảo đã nêu rõ các yêu cầu về chất lượng nghiên cứu khoa học theo hướng tiếp cận chuẩn mực quốc tế và đề xuất mức trả công lao động khoa học theo trách nhiệm, trình độ/năng lực chuyên môn trên cơ sở khoán kinh phí và sản phẩm thay vì trả công lao động theo chuyên đề như trước. Với tinh thần đó, Quỹ đang đề nghị Bộ KH-CN cũng như các bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận cho Quỹ được triển khai thí điểm, sau một thời gian thực hiện sẽ rút kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để có thể áp dụng rộng…

N.V.

Thảo luận về tiềm năng điện hạt nhân ở Việt Nam


Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Hội Người Việt Nam tại Pháp vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Sản xuất điện và tiềm năng điện hạt nhân ở Việt Nam”.  Tham gia hội thảo có đông đảo các chuyên gia điện hạt nhân của Pháp và Việt Nam, các nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam đang học tập tại Pháp. Theo các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng điện bình quân mỗi năm khoảng 13% như hiện nay, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt nhiều điện cho sản xuất và đời sống. Với việc giá dầu mỏ tăng, các nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm, khả năng xây dựng các nhà máy thủy điện có hạn, các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu đó.

X.A.

Tin cùng chuyên mục