Nếu như ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu ngay thì ngộ độc hóa chất, phụ gia được biết đến là những bệnh mãn tính, ung thư diễn tiến thầm lặng. Với công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng, hóa chất, phụ gia đang được buôn bán, sử dụng tràn lan và bừa bãi.
Dễ như mua... hóa chất
Nằm trên đường Trang Tử, phường 14, quận 5, TPHCM, cửa hàng hóa chất Đăng Hưng trưng biển hiệu to tướng: “Chuyên kinh doanh hương liệu, bột màu, hóa chất các loại”. Cô nhân viên cửa hàng niềm nở: “Chú mua loại nào? Hóa chất công nghiệp hay thực phẩm đều có cả”. Tôi nói muốn tìm mua phụ gia nấu bún bò, cô nhân viên cho biết hương bò thì đầy, mua bao nhiêu cũng có, chỉ cần một muỗng cà phê là một nồi nước lèo thơm phức mùi bò...
Qua tìm hiểu được biết trước đó cửa hàng hóa chất Đăng Hưng đã bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM đình chỉ kinh doanh phụ gia thực phẩm từ ngày 16-12 do không đảm bảo thủ tục hồ sơ pháp lý theo quy định, phụ gia thực phẩm bày bán cùng với hóa chất công nghiệp...
Vừa dừng chân trước sạp hàng ngay góc đường Vạn Tượng của chợ Kim Biên (quận 5), chúng tôi hoa cả mắt bởi vô vàn lọ, bình, bịch ni lông đựng đầy các loại hóa chất nào hàn the, formon, chất tẩy trắng, phẩm màu, chất tạo bọt cà phê… Một cô bán hàng chào mời: “Mấy anh mua phụ gia gì, chỗ em đây có đủ”. Chúng tôi nói muốn tìm một số phụ gia làm giòn, dai cho thịt gà, dê và các loại lòng động vật, cô bán hàng đưa ra một can nhựa trắng 5 lít. Mở nắp ra và ngửi, một mùi hăng hắc xộc lên tới cổ họng khiến buồn nôn.
Qua chợ Bình Tây (quận 6), nhiều sạp hàng bán gia vị thực phẩm cũng rất niềm nở khi chúng tôi hỏi mua bột màu gia vị nấu bò kho, phở, cà ri, lẩu...và cho biết muốn mua bao nhiêu cũng có. Tại sạp C.T, cô bán hàng đưa ra 2 bịch to đùng đầy các loại gia vị được cho vào các túi ni lông khoảng 15-20gram buộc bằng dây thun. Trong đó có 1 loại gia vị nấu súp của cơ sở K.N với thành phần được ghi trên nhãn là đại hồi, thảo quả, bột đinh hương, tiểu hồi, ngò hột, cam thảo, trần bì và quế.
Một loại khác là vị nấu súp phở của hãng N.A. cũng với các thành phần tương tự nói trên. Tuy nhiên, khi mở bịch gia vị ra xem, chúng tôi có cảm giác như có mùi ẩm mốc lâu ngày và trông rất mất vệ sinh... Thấy chúng tôi ngần ngừ, cô bán hàng cười giả lả: “Bây giờ muốn nấu hàng ăn đắt khách, món ngon, ai mà chẳng dùng hóa chất, phụ gia, anh ơi”.
Khó kiểm soát
Ngoài những sự cố thực phẩm độc hại vừa được dư luận lên án như chất tạo đục DEHP trong rau câu, nước ngọt, bột sắt nhuộm gà vàng rộm..., thời gian gần đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM liên tục phát hiện các loại thực phẩm chứa các loại hóa chất độc hại ngoài danh mục cho phép.
Qua giám sát từ đầu năm 2011 đến nay, ông Phạm Kim Bình, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, trong số 299 mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm hàn the thì 42 mẫu (chiếm 14,5%) không đạt tiêu chuẩn vệ sinh; 33,3% số mẫu bột ớt, hạt dưa chưa được kiểm nghiệm chứa Rhodamine B vượt chuẩn cho phép; 20% tổng số mẫu nước tương, tương ớt vẫn chứa hóa chất 3-MCPD vượt chuẩn...
Điểm qua kết quả kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm của Sở Y tế TPHCM từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sửng sốt vì tỷ lệ không đạt hóa lý, vi sinh khá cao, có loại 50% số mẫu không đạt. “Vẫn còn nhiều thực phẩm bẩn và quá bẩn”, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu trong buổi làm việc với UBND TPHCM ngày 17-12 vừa qua.
Tuy nhiên, công tác kiểm soát buôn bán, sử dụng hóa chất, phụ gia còn nhiều lỗ hổng và bất cập. Ông Thái Thanh Hải, Trưởng phòng Kinh tế quận 5, TPHCM, địa bàn tập trung nhiều cơ sở kinh doanh hóa chất, phụ gia, với hơn 103 cơ sở, cho biết kiểm tra 37 cơ sở kinh doanh hóa chất thì hết 8 cơ sở vi phạm. “Hóa chất công nghiệp lẫn lộn phụ gia thực phẩm, nhiều hộ chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, 100% hộ kinh doanh không bảo quản hóa chất đúng nhiệt độ”, ông Hải cho biết.
TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) nói 90% hóa chất, phụ gia nhập khẩu nhưng sợ nhất là pha trộn lẫn nhau và cho vào thực phẩm. “Hầu như những người kinh doanh hóa chất, phụ gia không có kiến thức về những sản phẩm này”, ông Khẩn nói.
Làm việc với UBND quận 5, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng nhãn mác, bao bì các loại hóa chất, phụ gia chưa được phân biệt, ghi chú rõ ràng. Một số cơ sở còn vi phạm nhưng nhìn chung mức xử phạt còn quá nhẹ tay. “Phải kiên quyết xử phạt và đóng cửa cửa hàng hóa chất, phụ gia vi phạm”, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý hóa chất, phụ gia trên quầy sạp chỉ là… chuyện đã rồi. Cái quan trọng là kiểm soát ngay từ khâu đầu vào, khâu nhập khẩu. Do đó cần có vai trò hợp tác của Hải quan, Quản lý thị trường…
TƯỜNG LÂM