Trong đó, có không ít trường hợp bị ngộ độc rất nặng, nguy hiểm tới tính mạng khiến việc điều trị rất khó khăn và tốn kém, thậm chí nếu được cứu sống, nhiều người cũng trở thành tàn phế. Đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc rượu đang có chiều hướng gia tăng.
“Ma men” nguy kịch
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai những ngày này luôn chật kín bệnh nhân nhập viện cấp cứu và điều trị. Nằm hôn mê trên giường bệnh là một thanh niên 34 tuổi ở Hà Nội, được người thân đưa vào cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức vì uống quá nhiều rượu trong một bữa nhậu mừng năm mới 2018.
Mặc dù đã trải qua gần một tuần được các y, bác sĩ tập trung điều trị, nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê, suy hô hấp vì viêm phổi và phải thở máy liên tục nên tiên lượng tính mạng rất khó lường. Người nhà của bệnh nhân cho biết, trước khi được đưa tới cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, nam thanh niên này đã uống liên tục hơn 1,5 lít rượu trắng cùng bạn bè để chào năm mới.
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu trong tình trạng nguy kịch
Các bác sĩ của Trung tâm Chống độc cho biết, gần đây trung tâm liên tục tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp bị ngộ độc rượu trong tình trạng rất nguy kịch, khiến việc điều trị vô cùng căng thẳng và khó khăn.
Thậm chí, trong số những ca ngộ độc rượu không chỉ có đấng mày râu mà còn có cả phái đẹp. Mới đây, trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân là chị V.T.H. (24 tuổi, ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).
Trước khi nhập viện, chị H. đã uống rất nhiều rượu trong một buổi liên hoan cuối năm, tới mức say xỉn. Sau đó một ngày, từ trạng thái say xỉn đã chuyển sang hôn mê, nói sảng và khi được đưa vào cấp cứu, nữ bệnh nhân này đã trong tình trạng... “ngàn cân treo sợi tóc”.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, cho biết vào thời điểm trước và sau dịp lễ, tết, cuối năm thường là giai đoạn số ca ngộ độc rượu tăng cao (30% - 40%) so với ngày thường.
Điều đáng chú ý, bệnh nhân bị ngộ độc rượu chủ yếu trong độ tuổi lao động 20 - 50, với nhiều ca mà tình trạng ngộ độc ở mức cấp tính cao dẫn tới hôn mê, toan chuyển hóa, nhiễm độc máu.
Nguyên nhân ngộ độc là do uống quá nhiều rượu, uống rượu có pha cồn công nghiệp (methanol), rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác, trôi nổi trên thị trường, hoặc uống rượu ngâm các loại cỏ, cây có chứa độc tố tự nhiên.
Hiểm họa khôn lường
Tuy nhiên, nguyên nhân gây ngộ độc rượu vẫn chủ yếu là do rượu có hàm lượng methanol rất cao. Đáng lo hơn, mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về nguy cơ ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp, nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng gia tăng phức tạp.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, methanol khi vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tán chậm, sau 1 - 2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Lúc đó, bệnh nhân có dấu hiệu mù mắt, sau đó dẫn đến trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong.
Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol trong máu lên đến 687mg/dl, trong khi chỉ ở mức 20mg/dl là người bệnh đã có nguy cơ bị tổn thương thần kinh. Những ca ngộ độc có hàm lượng methanol quá cao như vậy rất khó có thể thoát chết. Trong trường hợp cứu sống được thì người bệnh cũng bị những di chứng nghiêm trọng ở não, dẫn tới mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đáng lưu ý, việc lạm dụng rượu bia không chỉ khiến nhiều người có nguy cơ bị ngộ độc mà còn dẫn tới nhiều mối nguy hại khác cho bản thân và cộng đồng. Theo các bác sĩ cho biết, rượu bia chính là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và tai nạn.
Trong đó, những ảnh hưởng về sức khỏe do uống nhiều rượu có thể khiến teo não, mắc các bệnh về tim mạch, gan mật..., rất dễ tử vong nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Cùng với đó, không ít trường hợp lạm dụng rượu dẫn tới rối loạn tinh thần, thay đổi lệch lạc trong nhân cách, hành vi, lời nói, cử chỉ, thậm chí bị hoang tưởng, có hành động nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Để ngăn chặn được những mối hiểm họa do rượu bia gây ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không lạm dụng rượu bia, không uống rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác, trôi nổi trên thị trường. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý cồn công nghiệp, nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc methanol do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp đáng báo động như hiện nay.
Trong trường hợp bị ngộ độc rượu, cần đảm bảo thông thoáng đường hô hấp, bằng cách cho bệnh nhân nằm cao đầu và nằm nghiêng sang một bên. Tốt nhất là nằm nghiêng sang bên phải. Đây là tư thế nghiêng an toàn, có tác dụng dẫn lưu đờm ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân bị nôn.
Nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng, hoặc thức ăn chứa tinh bột (như ngô, khoai, sắn), hoặc sữa, đường... nhằm tránh hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân không tỉnh, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Để bảo đảm an toàn khi sử dụng rượu bia, Bộ Y tế khuyến cáo, đối với nam giới uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày, với nữ giới uống dưới 1 đơn vị cồn/ngày, không uống quá 5 ngày trong một tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5% độ cồn); 1 ly bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 ly rượu mạnh 30ml (40%).