- Ông Riedl trước khi về Áo đã trả lời báo chí với cái tính cách rất lạ của một người Việt Nam hơn là một người đàn ông châu Âu. Bài trả lời của ông làm nhiều người ngộ ra nhiều thứ…
- Ông Phó Chủ tịch tài chính của VFF Lê Hùng Dũng khi nói về nghi án bán độ của đội U-23 Việt Nam và chuyện đòi tiền thưởng của cầu thủ cũng đã làm cho nhiều người ngộ ra…
Từ chuyện của ông Riedl…
Ông Riedl không có thói quen lên án người này, dìm người nọ, đặc biệt là những cộng sự của mình, đó là bản tính của ông, của một người đàn ông châu Âu từng lăn lộn với nghiệp sân cỏ trong cương vị cầu thủ lẫn HLV. Tối 13-12, trên VTV, ông vẫn còn giữ được cái chất ấy khi rất thận trọng trong từng lời nhận xét về những con người nằm trong nghi án bán độ.

HLV Alfred Riedl. Ảnh: Hoàng Vy
Thế mà sáng 14-12, khi trả lời báo chí, ông Riedl lại nói rất nhiều và rất sâu về các đồng sự của mình. Thậm chí ông còn nói cả cái việc nghi ngờ Quốc Vượng (!?) nằm trong cái dây bốn cầu thủ bị triệu tập rồi lan sang đến chuyện nghi ngờ mình bị các cộng sự phá (!?).
Hôm qua, ông đã về Áo nghỉ phép một tháng, nhưng đến bây giờ tôi vẫn không tin được là một người rất thận trọng và rất đàn ông như ông lại thốt lên những điều ấy.
Nếu quả thực là ông bị chống và bị phá từ cầu thủ lên đến các trợ lý và cả quan chức VFF đi theo thì đúng là quá tệ. Nếu đó là sự thật thì hoàn toàn có thể nhìn ra được ông khó tồn tại ở Việt Nam và làm tiếp cái phần việc của mình trong một hoàn cảnh mà xung quanh ông toàn là “vi trùng”.
Điều mà nhiều người ngộ ra là tại sao trước khi lên đường về nước ông mới nói và lại nói toàn những chuyện từng được xem là chuyện tối kỵ của ông khi phải nói và phải nhận xét về ban huấn luyện đã từng làm việc với ông suốt thời gian dài ngót 4 tháng trải qua hai chiếc cúp vô địch LG và Agribank cùng một chuyến tập huấn.
Có thể là ông ức quá nên bây giờ mới nói dù đó không phải là tính cách của ông. Cũng có thể là do ông sống tại Việt Nam quá lâu rồi nên bị “Việt hóa”. Thậm chí là cũng có thể ông bị “buộc” hoặc bị “đặt” phải nói theo định hướng của người khác trái với ý đã diễn đạt của ông.
Dẫu sao thì ông cũng đã về rồi và sẽ có một tháng để tiêu hóa, để không bị quấy rầy trong khi bóng đá Việt Nam vẫn phải đi giải quyết phần tồn đọng của mình, trong đó có cả mổ xẻ lẫn xâu xé nhau.
Chuyện ông Riedl trả lời truyền hình khác với trả lời báo chí liệu có còn là chuyện quan điểm của ông Riedl?
… Đến chuyện của ông Phó Chủ tịch
Ông Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã không đủ kiên nhẫn để ở lại xem trận chung kết Việt Nam – Thái Lan vì ông biết chắc là sẽ thua. Ông nói rằng ông bỏ luôn kế hoạch thuê chuyên cơ chở cổ động viên Việt Nam sang Bacolod vì không muốn mọi người xem cái mà ông dự báo trước là trò hề.
Nói chuyện ông Dũng bất mãn và dự báo đội tuyển thua trận chung kết khác với chuyện những bài báo đến sáng 4-12 còn nhận định bóng bẩy khả năng và cơ hội lịch sử của bóng đá Việt Nam và cả những nhận xét tinh thần các tuyển thủ đang lên rất cao…
Ông Dũng đã đi trước báo chí một bước và một cái nhìn nhưng bỏ về vì bất mãn, vì biết chắc đội tuyển thua và không muốn xem trò hề ấy thì cũng khác gì với các trợ lý bị lên án là biết nội bộ xào xáo mà không báo để ông Riedl điều chỉnh?
Trong thất bại của đội tuyển ở trận chung kết và trong cuộc mổ xẻ về nghi án bán độ của cầu thủ có rất nhiều người đã không làm hết trách nhiệm của mình trong điều kiện có thể. Nếu đã nói rằng các trợ lý không quán xuyến hết và để cầu thủ hư hỏng thì những người làm cha, làm mẹ biết con cái mình hư hay nói nặng hơn là con cái mình nghiện mà cứ bỏ mặc cho nó hư và hút hít là không sòng phẳng.
Cái cách nói của những quan chức có trách nhiệm trong Liên đoàn (chê trách nhau, đổ lỗi cho nhau và quy trách nhiệm cho nhau) cũng đã cho thấy họ không đoàn kết và không thuận với nhau như cái tiêu chí lúc vào Đại hội khóa 5.
Cái tập thể ấy có khác gì với cái tập thể của 11 con người ra sân nếu không muốn nói là lớn hơn và có một tầm quan trọng hơn?
Sau một thất bại người ta mới ngộ ra nhiều thứ. Ngộ từ những cuộc mổ xẻ và ngộ cả những cuộc xâu xé giữa con người với con người mà cho đến ngày rời Bacolod về Việt Nam, họ vẫn còn là bạn, là đồng đội và là đồng nghiệp của nhau.
NGUYỄN NGUYÊN