Ngoại giao doanh nghiệp

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan từ lâu luôn gặp sóng gió. Trong sáu thập kỷ qua, với ba cuộc chiến tranh và một vụ căng thẳng hạt nhân, các nhà ngoại giao đã có nhiều cố gắng nhưng khó có thể cải thiện quan hệ. Giờ đây, doanh nghiệp tư nhân được xem là đang tạo ra bước khai phá. Thương mại đã trở thành lĩnh vực hứa hẹn nhất trong quan hệ hai nước.

Sự kiện tấn công khủng bố Mumbai năm 2008 làm 164 người chết khiến quan hệ Ấn Độ-Pakistan càng khó khăn hơn. 8 tháng sau sự kiện này, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ trở thành quan chức đầu tiên của Ấn Độ thăm Pakistan.

Theo chuyên gia kinh tế Ấn Độ Rajiv Kumar, tầng lớp trung lưu của Ấn Độ và Pakistan đang mong muốn hai nước giảm hận thù, tăng hợp tác để làm ăn. Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, Pakistan lập tức sửa đổi luật cho phép nhập khẩu nhiều hơn sản phẩm của Ấn Độ.

Các nhà lãnh đạo Ấn Độ ngày càng chú trọng hơn đến vị thế toàn cầu của Ấn Độ, trong đó mong muốn Ấn Độ là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Tuy nhiên, ngành ngoại giao Ấn Độ quá thiếu nhân sự để thực hiện các chiến lược toàn cầu một cách toàn diện. Là một quốc gia có 1,2 tỷ người nhưng Ấn Độ chỉ có khoảng 800 nhà ngoại giao trong khi Mỹ có số dân chỉ bằng 1/4 dân số Ấn Độ lại có một quân đoàn ngoại giao hơn 11.000 người. Ngay cả Singapore nhỏ bé cũng vượt qua Ấn Độ, với 847 văn phòng dịch vụ nước ngoài.

Chính vì vậy, theo báo Christian Science Monitor, Ấn Độ đang khuyến khích doanh nghiệp tư nhân cùng chung sức với ngành ngoại giao, xem đó là đại diện của Ấn Độ ở nước ngoài. Hai cơ quan doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ hiện nay là CII (Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ) và FCCI (Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ) đã có văn phòng trên khắp thế giới và là nhà tài trợ chính thức đối thoại ngoại giao giữa Ấn Độ và các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Mỹ.

Năm 2010, ông Kumar với tư cách cố vấn kinh tế của Ấn Độ đã cùng với FCCI tới các nước Bangladesh, Sri Lanka và Nepal để thiết lập một thị trường liên thông Nam Á. Ông cho rằng kinh tế và thương mại là động lực chính thúc đẩy quan hệ quốc tế nhưng điều này chỉ mới diễn ra ở khu vực Nam Á. Ở những khu vực khác, các doanh nghiệp Ấn Độ từ lâu đã thực hiện cơ chế này. Năm 2001, CII từng phối hợp với Viện Aspen của Mỹ tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Ấn - Mỹ tại thành phố Udaipur. Đây được xem là bước đột phá vì quan hệ Mỹ - Ấn vẫn chất chứa nhiều mối nghi kỵ trong suốt 50 năm trước đó.

Trong thời gian từ năm 2001 tới nay, CII đã tài trợ thêm 14 cuộc gặp trao đổi giữa Mỹ và Ấn Độ. Giờ đây, quan hệ hai bên đang ở mức độ đối tác chiến lược, trong đó có mối quan hệ hợp tác về quốc phòng chưa từng tồn tại trước đó. Cũng chính các doanh nghiệp tư nhân Ấn Độ có mối quan hệ làm ăn tại Mỹ đã vận động hành lang năm 2008 khi Quốc hội Mỹ đe dọa phủ quyết Hiệp định hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn.

Hiệp định này sau đó đã được hai nước thông qua. Nhà báo Ấn Độ Ashok Malik cho rằng các nhà ngoại giao Ấn Độ giờ đây cũng được đào tạo kỹ năng phát triển kinh doanh, xem đó là một phần quan trọng trong công việc của họ. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục