Ngoại giao mềm

Giữa tuần này, đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama có chuyến thăm Trung Quốc 6 ngày. Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện là đại diện chính thức cho nước chủ nhà châu Á tiếp đón bà Michelle. Theo lịch trình, bà Michelle sẽ tập trung vào các kế hoạch trao đổi, hợp tác về giáo dục và văn hóa hai quốc gia.

Từ khi ông Obama nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên năm 2009, chính quyền Washington đã xác định thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh trên mọi lĩnh vực. Chuyến đi lần này của bà Michelle được đánh giá là chuyến đi “ngoại giao mềm”, giúp làm dịu đi phần nào hình ảnh nước Mỹ đang quá căng thẳng với hàng loạt vấn đề chính trị, kinh tế trong và ngoài nước.

Trong suốt hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Obama liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách hướng Đông mà châu Á-Thái Bình Dương là đối tác chiến lược của Mỹ. Trung Quốc, tuy có những mâu thuẫn với Mỹ về kinh tế, chính trị nhưng chính quyền Washington vẫn muốn hai quốc gia có sự thấu hiểu cần thiết.

Chuyến thăm của bà Michelle diễn ra đúng vào dịp Mỹ - Trung Quốc kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Không có lựa chọn nào tối ưu hơn bà Michelle trong vai trò “đại sứ” gắn kết. Sẽ không có căng thẳng về chính trị hay những kế hoạch phát triển kinh tế vĩ mô nào mà thay vào đó sẽ là thiện chí tạo nên sự đồng cảm và gắn kết cho thế hệ tương lai của hai quốc gia.

Đi cùng với bà Michelle lần này còn có hai con gái Malia (15 tuổi) và Sasha (12 tuổi), đại diện của thế hệ trẻ của nước Mỹ. Đây được đánh giá là những nhân tố sẽ đóng góp tích cực cho quá trình thắt chặt quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc thời gian tới.

Trong chuyến đi này, đệ nhất phu nhân Mỹ sẽ tiếp cận giáo dục ở khía cạnh sức mạnh của kỹ thuật và câu chuyện của chính bà. Gia đình bà Michelle Obama xuất thân từ nguồn gốc khá khiêm tốn. Bố mẹ bà không có điều kiện theo học đại học nhưng luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện để bà Michelle và em trai của bà có được môi trường học tập tốt nhất trong khả năng của gia đình.

Những cơ hội mà bà Michelle có được hôm nay đến từ nền tảng giáo dục do chính bà theo đuổi. Mẹ của bà Michelle Obama là Marian Robinson cũng có mặt trong chuyến công du của bà. Đây là câu chuyện truyền cảm hứng có giá trị mà bà Michelle lấy làm hành trang cho chuyến thăm Trung Quốc lần này.

Ngoài đi thăm Vạn Lý Trường Thành, thành phố Tây An, Thành Đô cùng nhiều địa danh, thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc, bà Michelle sẽ có bài phát biểu tại Trung tâm Stanford của Trường Đại học Bắc Kinh. Nhiều nhà phân tích cho rằng chuyến thăm ngoại giao ở cấp “đệ nhất phu nhân” lần này như một sự kiện tiếp nối cuộc gặp không chính thức giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng cao cấp Sunnylands, California năm ngoái.

Đây cũng là chuyến đi bù lại sự thiếu vắng điểm dừng Trung Quốc trong lịch trình công du 4 quốc gia châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines) của ông Obama vào tháng 4 tới.

Trong bối cảnh Mỹ - Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua khẳng định vị thế kinh tế, chính trị toàn cầu, cuộc gặp của hai đệ nhất phu nhân nổi tiếng trở thành sự kiện ngoại giao vô cùng đặc biệt. Nó góp phần tạo ra không khí ngoại giao mới, mềm dẻo để tạo ra hàng loạt bắt tay có lợi cho cả đôi bên trong nhiều lĩnh vực.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục