Hôm nay 15-3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt đầu chuyến công du đến 3 nước Đông Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Giới quan sát đặc biệt quan tâm chuyến thăm đầu tiên đến châu Á của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh an ninh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.
Hợp tác song phương và vấn đề Triều Tiên
Tờ Diplomat dẫn lời quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cho biết, tại chặng dừng chân đầu tiên - Nhật Bản, ông Tillerson sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp bên phía Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Shinzo Abe. Tại đây, ông Tillerson sẽ tái khẳng định những điểm then chốt trong việc củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản đã được ông Trump và ông Abe đưa ra trong cuộc gặp tại Washington và Florida.
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 6-3 vừa qua
Tại chặng dừng chân thứ hai - Hàn Quốc, một đồng minh thân cận khác của Mỹ tại châu Á, vào ngày 17-3, Ngoại trưởng Mỹ sẽ hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se và hội kiến quyền Tổng thống nước này Hwang Kyo-ahn. Bên cạnh các vấn đề về phát triển song phương, một nội dung vô cùng quan trọng khác sẽ được hai bên tập trung thảo luận là bước tiến trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên. Washington rất quan ngại trước những động thái gần đây của Bình Nhưỡng. Đến thời điểm này của năm 2017, Triều Tiên đã phóng thử 5 quả tên lửa và từng tuyên bố rằng có thể lần đầu tiên sẽ thử tên lửa xuyên lục địa có tầm bắn vươn tới lãnh thổ của Mỹ trong năm nay. Mới đây, Mỹ đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, một động thái mà Mỹ tuyên bố là để đối phó với các mối đe dọa đến từ Triều Tiên và Iran.
Tại điểm đến cuối cùng - Trung Quốc ngày 18-3, Ngoại trưởng Mỹ có một nghị trình dày đặc: gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường. Theo bà Susan Thornton, ông Tillerson sẽ cho thấy thành ý của Mỹ trong việc hợp tác tối đa với các đối tác quan trọng như Trung Quốc. Chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ sẽ là cơ hội làm “sáng tỏ các sáng kiến hợp tác quan trọng” giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đang bị đóng băng kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, trong đó có các cuộc đàm phán hướng tới một hiệp định đầu tư song phương giữa hai nước.
Nhiều vấn đề phải giải quyết
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết, chuyến công du tới châu Á lần này của Ngoại trưởng Rex Tillerson là cơ hội để Mỹ củng cố, liên kết với các đồng minh và đối tác không chỉ trong khuôn khổ hợp tác song phương. Chuyến thăm phát đi tín hiệu, Washington mong muốn thiết lập các đường dây truyền thông tốt đẹp một cách nhanh chóng nhất.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, đây là chuyến công du không hề dễ dàng của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên. Ông Hideaki Kaneda, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nhật Bản, cho rằng, Washington luôn hướng tới việc hợp tác cùng 3 quốc gia Đông Bắc Á để đối phó với Triều Tiên nhưng mối quan hệ rối rắm giữa các quốc gia này khiến Mỹ gặp khó. Tokyo muốn Washington chủ động hơn nữa trong vấn đề Triều Tiên, gây sức ép mạnh hơn nữa lên Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, quan hệ giữa 2 đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tồn tại những mâu thuẫn chưa thể giải quyết từ thời Thế chiến thứ 2.
Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia có mối quan hệ hữu hảo với Triều Tiên và được xem là yếu tố có thể tác động mạnh đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, thì đang căng thẳng với Mỹ về THAAD. Trung Quốc cho rằng, hệ thống này đe dọa trực tiếp đến an ninh của Bắc Kinh. Ngoài ra, việc Trung Quốc kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân và các vụ thử tên lửa, đổi lại Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận chung không được Mỹ chấp nhận.
ĐỖ CAO (tổng hợp)