Cúm gia cầm tái phát

Lỗ hổng từ những vựa trứng cấp 1

Lỗ hổng từ những vựa trứng cấp 1

Dịch cúm gia cầm xuất hiện từ cuối năm 2003 đến nay làm cho người chăn nuôi cả nước thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Nhưng mỗi đợt dịch cúm gia cầm xảy ra cũng là dịp để các bộ, ngành và địa phương nhìn lại những thiếu sót cần khắc phục trong việc chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm.

Qua dịch cúm gia cầm, TPHCM đã biết tìm cách tái cấu trúc lại chăn nuôi (tập trung, xa khu dân cư, có tiêm phòng), tổ chức vận chuyển (sử dụng xe chuyên dùng, theo những tuyến đường quy định), giết mổ tập trung (chỉ còn 3 điểm), kinh doanh phải có bao bì, nhãn mác, tủ bảo quản…

Đó là những bài học mà Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận và được nhân rộng cả nước. Tuy nhiên, khi ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, sự chủ quan của chính quyền một số địa phương tại TPHCM khiến cho việc nuôi nhỏ lẻ vẫn tái diễn…

Riêng trong bài này, chúng tôi muốn đề cập đến một lỗ hổng cần sớm được khắc phục: các vựa trứng gia cầm cấp 1 hiện nay.

Lỗ hổng từ những vựa trứng cấp 1 ảnh 1
Trứng gia cầm sau khi qua các khâu xử lý được đóng gói tại Công ty TNHH Ba Huân. Ảnh: Đ.P.

Cuộc họp mới đây giữa Chi cục Thú y với Chi cục Quản lý thị trường, Sở Thương mại cho thấy một thực tế đáng lo: trong số 72 vựa trứng cấp 1 hiện nay ở TPHCM có đến 69 cơ sở nằm ngay trong khu dân cư, với mặt bằng quá nhỏ hẹp, không phù hợp quy định của ngành thú y và y tế đặt ra.

Việc vận chuyển trứng gia cầm vào và ra không có 2 con đường riêng biệt. Không ít vựa trứng cấp 1 vừa là điểm kinh doanh vừa là nơi ăn ở, nên không đảm bảo về mặt dịch tễ. Khi vận chuyển trứng từ các tỉnh về TP, rơm rạ được dùng làm chất đệm giữa các sọt trứng.

Thế nhưng, sau khi trứng được đưa xuống, phần rơm rạ này bị vất bừa bãi, trứng hư thối, bể vỡ… bị bỏ lung tung. Đó là chưa kể đến ý thức kém của một số chủ vựa cấp 1, không chấp hành đúng những quy định của ngành thú y: không lau sạch trứng, dù trứng đã được đóng hộp, dán nhãn, nhưng vỏ trứng vẫn bám đầy bùn khô và ố vàng.

Ngay cả việc khử trùng, có nơi làm lấy lệ, không đảm bảo đúng quy định. Thậm chí Chi cục Thú y đã từng phát hiện có chủ vựa cấp 1 khi xe trứng vừa đến đã chuyển ngay cho chủ vựa cấp 2 (sang tay ba), chưa qua xử lý khâu nào.

Chúng ta không xem thường việc kiểm soát và quản lý trứng gia cầm từ các địa phương, nhưng cũng không đảm bảo 100% trứng gia cầm từ các nơi đưa về đều an toàn. Việc vựa trứng vẫn nằm trong khu dân cư là một nguy cơ cho sức khỏe người dân.

Vì vậy, để được công nhận là vựa trứng cấp 1, các cơ sở này phải đạt được những yêu cầu cần thiết, bắt buộc. Chi cục Thú y TP đề nghị chuyển 12 vựa trứng cấp 1 xuống vựa cấp 2 do nằm trong khu dân cư, diện tích mặt bằng quá hẹp, không thể bố trí được quy trình xử lý đúng chuẩn; trong quá trình kinh doanh không thực hiện đúng các quy định vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; vi phạm hành chính nhiều lần.

Đến cuối năm 2007, cần di dời hết các vựa trứng cấp 1 còn lại trong khu vực đông dân cư ra ngoài, đồng thời có chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho bà con kinh doanh. Trong tình huống dịch cúm gia cầm bùng phát trên diện rộng, việc vận chuyển trứng gia cầm từ các tỉnh về TPHCM cần phải được tập trung xử lý (khử trùng) tại các điểm xa khu dân cư (ngoại thành), trước khi được vận chuyển vào nội thành.

Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được khi TP vừa có 2 cơ sở xử lý trứng gia cầm đưa vào hoạt động là Vĩnh Thành Đạt ở quận 12 và Công ty TNHH Ba Huân ở huyện Bình Chánh, với quy trình xử lý trứng theo dây chuyền và công nghệ hiện đại nhất hiện nay, vừa nhập từ Hà Lan về, với công suất lên đến 65.000 trứng/giờ.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục