Ngoảnh lại mây trắng trường xưa

Mỗi lần tôi kể chuyện thầy giáo ngày xưa dạy tôi môn Văn, không mấy người tin, nhưng sự thật ấy đã tồn tại, đã góp phần giúp tôi theo nghề cầm bút. Bước vào năm đầu trung học, tôi được học môn Văn với thầy Nguyễn Đình Chúc. Tôi tin rằng, nhiều thế hệ học sinh Trường Lương Văn Chánh - Phú Yên không thể nào quên được người thầy đặc biệt này.

Thầy Chúc dạy Văn không theo một giáo trình nào cả. Ông giảng Truyện Kiều bằng cách riêng của ông, ông giảng thơ Xuân Diệu hay thơ Chế Lan Viên cũng bằng cách riêng của ông. Và bao giờ sau bài giảng, ông cũng thòng theo một ý khiêm nhường: “Đó là cách hiểu tác phẩm của thầy, còn các trò cũng có quyền tìm một cách hiểu tác phẩm của các trò!”. Có thể nói, giờ Văn của thầy Nguyễn Đình Chúc rất dễ chịu và rất thú vị!

Khi chúng tôi được gọi vào đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh để dự thi quốc gia, thì thầy Nguyễn Đình Chúc cũng là người đứng lớp chính. Ông đã nói với chúng tôi một điều mà thời gian gần đây, lúc vấn đề dạy Văn, học Văn bị dư luận lên án, thì tôi càng thấm thía: “Những đồng nghiệp của thầy vẫn chấm Văn theo một mô thức đọc - hiểu cố định. Thầy không tin rằng có thể giúp các trò dành giải thưởng nào đó ở cuộc thi học sinh giỏi toàn quốc, nhưng thầy mong các trò có cái nhìn riêng của mình đối với từng tác phẩm bây giờ, cũng như từng con người, từng sự việc sau này. Các nhà văn, nhà thơ đã dùng sự sáng tạo của họ để tạo nên tác phẩm, thì người đọc cũng phải dùng sự sáng tạo của mình để tiếp cận tác phẩm!”

Và ông giảng câu thơ “Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi” với gợi mở rằng: “Có con sông thật trước mặt kỹ nữ, nhưng cũng có con sông khác, con sông của sự đồng cảm. Có thể nước mắt kỹ nữ trào ra mà thành dòng sông nhạt nhòa trước mặt đấy!”. Chính nhờ thầy Nguyễn Đình Chúc mà tôi nhận ra một khái niệm: văn chương không chỉ dùng đôi mắt, mà còn phải dùng trái tim để hiểu!

Cùng với việc giảng dạy trên lớp, thầy còn khuyến khích chúng tôi cầm bút. Học trò nào có bài in báo tỉnh thì được 9 điểm, còn học trò nào có bài in báo trung ương thì được 10 điểm. Nhờ thái độ thiện chí ấy, mà lớp chúng tôi có nhiều người trở thành những cây bút nhí ngay từ ngày ấy. Tôi nhớ năm lớp 11, tôi có một bài thơ in trên tờ Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam, thầy hộc tốc giữa trưa nắng chạy đi tìm tôi để reo lên: “Tờ báo này do nhà thơ Huy Cận làm tổng biên tập đấy. Thơ trò được in nghĩa là trò có năng lực làm thơ thật rồi!”. Đến nay tôi vẫn giữ tờ báo ấy, và giữ hình ảnh người thầy mồ hôi nhễ nhại trong cái oi nồng gay gắt miền Trung hân hoan vì thành quả nho nhỏ của học trò.

Bây giờ tôi được người ta biết đến như một nhà thơ, ngoài nỗ lực cá nhân, thì rõ ràng nhờ công ơn khai mở của thầy Nguyễn Đình Chúc, người thầy giáo già tận tụy ở cố hương!

LÊ THIẾU NHƠN

Tin cùng chuyên mục