Tình hình chính trị Thái Lan lại căng thẳng sau nhiều năm tạm lắng, kể từ sau cuộc đảo chính vào tháng 9-2006 và cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội chính phủ. Thay vì lực lượng áo vàng ủng hộ Hoàng gia hay áo đỏ ủng hộ lực lượng của cựu Thủ tướng Thaksin như trong các cuộc biểu tình trước đây, giờ đây vẫn là lực lượng của những người trung thành với Hoàng gia nhưng với cái tên mới toanh: Quân đội nhân dân (PA). Vấn đề là vì sao cuộc biểu tình đầu tiên do PA tổ chức vào ngày 4-8 nhưng Chính phủ Thái Lan trước đó vài ngày lại ban hành điều luật an ninh đặc biệt (ISA) theo đó cấm tụ tập đông người, cho phép cảnh sát quyền lực lớn hơn và ban hành lệnh giới nghiêm.
Có lẽ Chính phủ Thái Lan không đánh giá thấp một lực lượng “ruột cũ, vỏ mới” như vậy vì họ không muốn rơi vào tình trạng chủ quan dẫn đến khả năng tái diễn cuộc đảo chính như năm 2006. Thật vậy, theo báo Bangkok Post, bất chấp luật an ninh đặc biệt, trong cuộc biểu tình ngày 4-8 tại công viên Lumpini ở Bangkok, PA đã dựng một sân khấu lớn và giăng các khẩu hiệu. Những diễn giả lần lượt lên sân khấu hô khẩu hiệu chống chính phủ. Các thủ lĩnh của PA công khai đề ra mục tiêu hạ bệ Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong vòng 7 ngày. Những người biểu tình còn dựng nhiều trạm bán áo trắng, mặt nạ trắng cùng biểu ngữ chống chính phủ. Mục tiêu chính của những người biểu tình đã rõ và đỉnh điểm cuộc biểu tình sẽ là ngày 7-8 khi Quốc hội Thái Lan do đảng cầm quyền Puea Thai (Vì nước Thái) dự kiến xem xét thông qua dự luật ân xá cho nhiều thủ lĩnh lực lượng áo đỏ, kể cả cựu Thủ tướng Thaksin.
Trong thành phần của lực lượng lãnh đạo cuộc biểu tình hơn 2.000 người ngày 4-8 có nhiều cựu sĩ quan quân đội và cảnh sát và cả cựu chính khách như tướng Bannawit Kengrian, cựu phó chủ tịch thượng viện Pichet Pattanachoat. Những người biểu tình tuyên bố phản đối mạnh mẽ cái gọi là “chế độ cai trị của Thaksin” nhằm ám chỉ đến cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Ngay trong ngày 4-8, ông Thaksin đã có phản ứng khi viết trên Facebook chế giễu cuộc biểu tình, xem các thủ lĩnh PA là những thường dân không có một thành tích nào đáng kể. Người phát ngôn đảng Puea Thai Prompong Nopparit chỉ rõ ông Suthep Thaugsuban, nguyên Phó Thủ tướng thuộc đảng Dân chủ, đã công khai phát biểu sẽ đứng đầu lực lượng lật đổ chính phủ và cho rằng đảng của ông không thể giành chiến thắng trong bầu cử nên tìm cách lật đổ chính phủ một cách bất hợp pháp.
Ngay trong ngày biểu tình đầu tiên của lực lượng áo trắng, đã có tin đồn về một cuộc đảo chính khiến cho quân đội Thái Lan đã phải lên tiếng bác bỏ. Đại tá Winthai Suwaree, phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan, phát biểu trên tờ Nation rằng tin đồn đảo chính chỉ là trí tưởng tượng của vài người muốn gây hoang mang dư luận.
Chính trường Thái Lan sắp tới sẽ chuyển biến như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cách điều hành của chính phủ. Ngoài ra, lực lượng đối lập có thể tập hợp được sức mạnh hay không phụ thuộc vào sự ủng hộ của Hoàng gia và quân đội. Một lợi thế không nhỏ của Chính phủ Thái Lan hiện nay là Thủ tướng Yingluck đang kiêm nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng. Điều chắc chắn là Thái Lan cho tới nay vẫn chưa thể có hòa hợp chính trị kể từ cuộc đảo chính tháng 9-2006. Ngọn lửa bất đồng giữa lực lượng ủng hộ và chống ông Thaksin vẫn đang âm ỉ cháy như chực chờ sẽ bùng lên bất cứ khi nào có điều kiện.
THỤY VŨ