Ngọn lửa trên cù lao

Trường ca là một thể loại khó trong sáng tác thơ, càng khó hơn khi trong thời đại ngày nay, người đọc và cả người sáng tác đều coi trọng các dạng viết nhanh đọc nhanh, trường ca lại càng hiếm hoi. Chính vì thế, việc NXB Hội Nhà văn cho ra mắt trường ca Ngọn lửa trên cù lao của tác giả GS-TS Nguyễn Chí Bền là một điều bất ngờ.

Trường ca là một thể loại khó trong sáng tác thơ, càng khó hơn khi trong thời đại ngày nay, người đọc và cả người sáng tác đều coi trọng các dạng viết nhanh đọc nhanh, trường ca lại càng hiếm hoi. Chính vì thế, việc NXB Hội Nhà văn cho ra mắt trường ca Ngọn lửa trên cù lao của tác giả GS-TS Nguyễn Chí Bền là một điều bất ngờ.

Tác giả Nguyễn Chí Bền không phải là một tên tuổi lớn trong làng thơ văn nhưng ông lại là một người rất nổi tiếng trong giới nghiên cứu văn hóa, hiện ông đang là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Ngoài ra ông còn được biết đến như một nhà quản lý văn hóa khi từng đảm nhiệm cương vị là Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Nội dung chính của tác phẩm được tác giả ghi rất rõ ràng ngay lời đề từ của tác phẩm: “Kính dâng linh hồn những người đã ra đi, tri ân những người còn sống anh dũng làm nên cuộc Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre”. Đây không phải là một câu khách sáo về nội dung tác phẩm nếu người đọc chú ý đến bối cảnh sáng tác của nó. Trường ca Ngọn lửa trên cù lao có một thời gian sáng tác khá dài, theo như tác giả thì những dòng đầu tiên của tập trường ca này ông viết từ năm 1985 khi làm giáo viên tại tỉnh Bến Tre và hoàn tất bản thảo vào cuối năm 2014, trọn vẹn gần 30 năm. Như vậy, ông viết trường ca này khi lần đầu đặt chân đến mảnh đất Bến Tre, tiếp xúc trực tiếp với những những chứng nhân của Đồng khởi năm xưa. Có lẽ khi đó, cảm xúc về một giai đoạn lịch sử hào hùng đã thôi thúc tác giả cầm bút.

Tác phẩm chia làm 5 phần với 3 chương chính gồm các chương Mảnh ruộng không bình yên; Người đất cù lao; Đồng khởi. Ngoài ra còn có một chương mở đầu nhan đề Không phải huyền thoại và một chương vĩ thanh Ngọn lửa của những người áo vải.

Với kết cấu như trên, có thể thấy tác phẩm trường ca đi theo hướng kể truyện, tự sự, từ tổng quát lịch sử, con người vùng đất Bến Tre từ thuở mới khai hoang, đấu tranh với thiên nhiên, rồi đến giặc ngoại xâm, những áp bức bất công… Ở chương đầu Mảnh ruộng không bình yên với những vần thơ nặng nề, ám ảnh của sự đè nén, bạo lực. Chương hai những vần thơ chuyển qua sự giằng xé, vẫy vùng nhưng cũng hàm chứa cả sự tuyệt vọng. Ở chương ba, lời thơ thay đổi hẳn, trở nên cuồng nhiệt, mạnh mẽ và cuồn cuộn như những cơn sóng Đồng khởi năm xưa.

Có một điểm khá đặc biệt là bên cạnh việc chuyển tải một câu chuyện lịch sử, tác giả cũng không quên những con người cụ thể mà những hy sinh cả về tinh thần lẫn thể xác như: “Dòng sông rộng dòng sông xa cách/Chị chờ anh không chỉ hai năm/Chị chờ anh suốt một thời con gái…”. Hay như: “Có nỗi đau nào hơn thế/Anh em mà chẳng nhìn được mặt nhau/Bất giác cả hai đứng lên đốt nhang trên bàn thờ/Lau bụi trên tấm kiếng có hình cha, hình mẹ…”.

Tuy Ngọn lửa trên cù lao chưa phải là một đột phá trong sáng tác nghệ thuật nhưng tác phẩm đã góp phần đưa người đọc đến với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc dưới một góc nhìn đầy tính nghệ thuật và nhân văn.

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục