Ngọn lửa vẫn âm ỉ

Xuất phát từ Anh và một số nước châu Âu khác để phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng vào năm 2010 cũng như được phong trào nổi dậy “Mùa xuân Ảrập” truyền cảm hứng, phong trào biểu tình Chiếm lấy phố Wall (OWS) ra đời tại Mỹ vào ngày 17-9-2011. Đỉnh điểm của phong trào là vào tháng 10-2011 với hàng loạt các cuộc biểu tình diễn ra ở khu hạ Manhattan, New York, trong đó trung tâm là công viên Zuccotti. Từ đó cho tới nay, chính quyền New York đã bắt giữ tổng cộng gần 1.000 người. Hiện OWS có thu hẹp quy mô so với trước nhưng vẫn như ngọn lửa âm ỉ, có thể bùng lên trở lại, nhất là trong dịp Ngày Quốc tế lao động 1-5 tới.

Khẩu hiệu của OWS “Chúng ta là 99%” nói lên rằng giới nhà giàu Mỹ chỉ chiếm 1% nhưng kiểm soát hầu hết tài sản của nước Mỹ. Theo số liệu của Văn phòng Ngân sách Hạ viện Mỹ, trong thời gian từ năm 1979 - 2007, thu nhập của 1% số người giàu nhất nước Mỹ tăng trung bình 275%. Cụ thể, thu nhập trước thuế của 90% số người nghèo của Mỹ giảm 900 USD trong khi thu nhập của 1% nhóm giàu nhất tăng 700.000 USD. Năm 2007, 1% số người giàu nhất nước Mỹ kiểm soát 34,6% tổng tài sản của nước này, 19% người giàu kế tiếp kiểm soát 50,5% tài sản nước Mỹ. Tính chung, 20% số người Mỹ kiểm soát 85% tài sản của nước này trong khi 80% dân số còn lại chỉ kiểm soát 15% tài sản nước Mỹ. Sự bất công về phân phối thu nhập thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, do đó mục tiêu của OWS là nhắm vào các ông chủ trong lĩnh vực này. Những người biểu tình thuộc OWS tố cáo những ông chủ này đã đục khoét tài sản quốc gia, đẩy nước Mỹ vào cơn suy thoái kinh tế.

Vụ bắt giữ 73 người thuộc phong trào OWS tại khu hạ Mahattan vào đêm 17-3 được xem là một trong những vụ bắt giữ lớn nhất kể từ khi OWS ra đời. Vì vậy, ngoài mục tiêu kêu gọi phân chia thu nhập công bằng hơn, OWS giờ đây thêm nhiệm vụ là lên án cảnh sát New York. Hơn 100 nhà hoạt động của OWS đã tự trói tay và dùng băng keo bịt miệng để biểu thị sự phản đối với hành động trấn áp của cảnh sát, đồng thời yêu cầu cảnh sát trưởng New York Raymond Kelly từ chức.

Theo nhiều nhà phân tích, OWS đang thiếu người lãnh đạo đủ uy tín và thiếu kinh phí để có thể duy trì lâu dài các cuộc biểu tình cũng như tăng sức ép lớn hơn với giới tài phiệt của Mỹ. Ngoài ra OWS cũng mất phương hướng, yêu cầu cụ thể cũng như mất động lực. Theo New York Post, nếu như ngày 17-9-2011, thời đỉnh cao của OWS, những người biểu tình huy động được 500.000 USD thì trong tuần qua, OWS chỉ huy động được 1.556 USD trong khi họ phải bỏ ra 14.942 USD chi tiêu vào thực phẩm, thuốc men, phương tiện đi lại cho người biểu tình.

Mặc dù vậy, những người tổ chức OWS vẫn tỏ ra lạc quan về những kế hoạch sắp tới. Ngoài cuộc biểu tình vào ngày 17-3, đánh dấu 6 tháng ra đời của OWS, sắp tới OWS sẽ tổ chức cuộc biểu tình vào ngày 24-3 để phản đối ngành công nghiệp khai thác nhiên liệu hóa thạch; ngày 25-4, phản đối tình trạng nợ nần của sinh viên hiện lên đến 1.000 tỷ USD. Số lượng sinh viên Mỹ vay tiền để học tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Cùng với việc siết chặt tín dụng, tình trạng nợ khó trả của sinh viên sẽ là áp lực cho kinh tế Mỹ khi họ bắt đầu vào đời.

San lấp “vực thẳm” cách biệt giàu nghèo của nước Mỹ có thể là chuyện viễn tưởng. Vì vậy, mục tiêu của một phong trào tự phát như OWS hướng đến xem ra còn quá xa vời. Nhưng ít ra, OWS cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những người có trách nhiệm của Chính phủ Mỹ để họ hành xử có trách nhiệm hơn với đa số người dân.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục