Theo ghi nhận, khuôn viên bến cá Tân Phụng rộng hàng ngàn mét vuông với nhiều hạng mục, như nhà bảo vệ, hệ thống cấp thoát nước, điện, các trạm xử lý nước thải, khu nhà điều hành, nhà phân loại sản phẩm, tời lên cá, đường giao thông nội bộ… Tuy nhiên, sau nhiều năm bị bỏ hoang hóa đã hư hại gần hết. Một số vị trí hệ thống đường điện, ống dẫn nước, tường vách xuống cấp, gỉ sét; tuyến đường bê tông từ bến cá đi vòng xuống bãi biển đã bị sóng đánh gãy 1 đoạn, nhiều vị trí khác xói lở…
Theo phản ánh của người dân, sở dĩ bến cá Tân Phụng bị bỏ hoang là do đầu tư không phù hợp với điều kiện đánh bắt, sinh hoạt nghề cá ở làng biển Tân Phụng. Khu vực xây dựng bến cá nằm quá cao, bờ biển lại đang bị bồi lấp nên không có cửa nước sâu để tàu thuyền cập bến. Vào mùa mưa lũ, tàu thuyền, ngư dân không thể lên bến cá để sinh hoạt, buôn bán do vị trí này gió lớn, sóng biển mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Trong khi bến cá đầu tư hàng chục tỷ đồng xây xong bỏ hoang thì ngư dân Tân Phụng lại sinh hoạt nghề cá tự phát tràn lan ra bãi biển, khiến cho 1 góc bờ biển dài bị “đầu độc” bởi rác thải. “Đầu tư bến cá chỉ lãng phí tiền nhà nước, giờ ngư dân không sử dụng được, thiệt thòi cho dân nhưng đơn vị quản lý cũng không thu được phí dịch vụ, thuế… nên đằng nào cũng lãng phí. Công trình cứ dần hư hại xuống cấp ai nấy đều xót xa”, bà Ng.Th.L. (44 tuổi, người làng biển Tân Phụng) bức xúc.
Công trình bến cá Tân Phụng được đầu tư theo nguồn vốn thuộc dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững do Ngân hàng Thế giới tài trợ và Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư. Dự án được giao cho Ban Quản lý cảng cá Bình Định quản lý, khai thác.
Ông Trần Xuân Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, cho biết, bất cập của dự án là xây dựng, thiết kế, đầu tư một số hạng mục chưa phù hợp. Ngoài ra, việc chủ đầu tư mở tuyến đường bê tông từ bến cá xuống bờ biển mà không có cầu cảng, kè bảo vệ khiến cho 1 đoạn kè chưa kịp sử dụng đã bị sóng đánh gãy.
Còn ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, khi dự án đưa vào khai thác, nhiều người dân không chịu vào bến sinh hoạt. Tới đây, đơn vị sẽ bàn giao công trình về cho chính quyền địa phương quản lý, từ đó địa phương sẽ có giải pháp vận động người dân vào hoạt động, tránh lãng phí.