Ngư dân Trung Quốc tận diệt trai tượng khổng lồ ở biển Đông

Trong bài viết có tiêu đề Đổ xô đánh bắt “ngà voi” của biển Đông, nhật báo Le Monde số ra mới đây cho biết, với sự khuyến khích ngang ngược, trái phép của chính quyền, trong một thời gian dài, ngư dân Trung Quốc đã tận diệt loài trai tượng khổng lồ ở biển Đông, khiến hệ sinh thái và đặc biệt là rạn san hô ở khu vực này bị tàn phá nặng nề.Tàn phá quy mô lớn
Ngư dân Trung Quốc tận diệt trai tượng khổng lồ ở biển Đông

Trong bài viết có tiêu đề Đổ xô đánh bắt “ngà voi” của biển Đông, nhật báo Le Monde số ra mới đây cho biết, với sự khuyến khích ngang ngược, trái phép của chính quyền, trong một thời gian dài, ngư dân Trung Quốc đã tận diệt loài trai tượng khổng lồ ở biển Đông, khiến hệ sinh thái và đặc biệt là rạn san hô ở khu vực này bị tàn phá nặng nề.

Tàn phá quy mô lớn

Theo Le Monde, ở Trung Quốc, thịt trai tượng được coi là đặc sản quý, còn vỏ trai tượng rất được ưa chuộng vì nó vừa giống ngà voi, vừa giống đá cẩm thạch, với nhiều màu sắc, người Trung Quốc gọi đó là “ngà voi biển”. Hiện nay, tại Trung Quốc có tới vài trăm website bán đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật hay vật dụng làm từ vỏ trai tượng.

Ông John McManus, chuyên gia sinh vật biển thuộc Đại học Miami, cho biết, quy mô tàn phá hệ sinh thái biển Đông đã vượt quá những gì ông đã từng chứng kiến trong suốt hơn 40 năm nghiên cứu. Hoạt động đánh bắt, tận diệt trai tượng khổng lồ đã diễn ra trên toàn quần đảo Trường Sa.

Vỏ các loài trai tượng đang được bốc dỡ tại cảng Hải Nam, Trung Quốc

Ông McManus cho biết, ngư dân Trung Quốc đã thả chân vịt cỡ lớn xuống rạn san hô rồi cho tàu đi vòng xung quanh. Các chân vịt này nghiền nát rạn san hô để ngư dân bắt các con trai tượng đang vùi mình trong cát phía dưới. Việc săn bắt trai tượng không phải là một hoạt động mới của ngư dân Trung Quốc mà đã tồn tại từ nhiều năm, nhưng chỉ chính thức bùng nổ vào năm 2012, khi Bắc Kinh tăng cường hoạt động trên quần đảo Trường Sa. Vào thời điểm đó, ngư dân Trung Quốc đã được cho phép, thậm chí là được chính quyền khuyến khích tăng cường đánh bắt trai tượng. Nhiều ngư dân cho biết đã kiếm được cả một gia tài nhờ đánh bắt trai tượng.

Thách thức cần giải quyết

Từ ngày 28 đến 29-12, Hội thảo quốc tế “Hòa bình ở châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 - Chiến lược quốc phòng và an ninh khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương” do Trung tâm quản trị và chính sách công Đức - Đông Nam Á (CPG) thuộc Đại học Thammasat (Thái Lan) tổ chức đã thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác, ứng phó với các mối đe dọa phi truyền thống, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, phát triển chung của khu vực và thế giới.

Nhà nghiên cứu Henning Glaser, Giám đốc Trung tâm CPG, đánh giá, vấn đề biển Đông là thách thức lớn nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực. Thách thức này cần bị đẩy lùi bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở lợi ích của tất cả các nước và cơ sở luật pháp quốc tế. GS-TS Klaus Larres, thuộc Viện Nghiên cứu cấp cao (IAS) Princeton (Mỹ), bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc từ chối tuân thủ phán quyết của tòa, tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự hóa ở biển Đông. Trung tướng Ashok Hukku, nguyên Chủ tịch Ủy ban Cố vấn tình báo quân đội thuộc Chính phủ Ấn Độ, khẳng định giá trị về mặt chiến lược và kinh tế của biển Đông, vấn đề tự do hàng hải, hàng không và thương mại.

Bài phát biểu của TS Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Viện Luật, Đại học Luật Hà Nội được các học giả và những người tham gia hội thảo đánh giá cao khi nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề hòa bình, ổn định khu vực nói chung và vấn đề biển Đông nói riêng. TS Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền phán quyết đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình và yêu cầu các nước khác tôn trọng vùng đặc quyền này theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Lập trường của Việt Nam đối với những tranh chấp ở biển Đông là các bên liên quan nên giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, đồng thời các bên liên quan phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động đơn phương và quân sự hóa để giải quyết những tranh chấp này.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục