Đài RFI ngày 29-5 dẫn nguồn từ tờ The Straits Times tại Singapore đăng lời tiết lộ của ngư dân đảo Hải Nam Trung Quốc cho biết họ được hưởng nhiều ưu đãi và hỗ trợ để hiện diện ở biển Đông.
Ra khơi là có tiền
Tờ The Straits Times của Singapore lên tiếng báo động về căng thẳng tại biển Đông, bài viết thực hiện phỏng vấn đối với nhiều ngư dân Hải Nam. Một ngư dân (giấu tên) cho biết: “Chính phủ trả cho chúng tôi 180.000 nhân dân tệ để đi ra Trường Sa, không cần làm gì cả, chỉ ở đó 2 tuần là được”. Mặt khác, do tình trạng hải sản càng ngày càng khan hiếm và để đáp ứng nhu cầu thị trường khổng lồ, ngư dân Trung Quốc buộc phải phiêu lưu xa hơn và họ cũng thừa nhận đã xâm nhập trái phép ngư trường của các quốc gia láng giềng.
Ngư dân Trung Quốc được tài trợ thay thuyền gỗ bằng thuyền vỏ thép đánh cá trên biển Đông
Theo phân tích của một chuyên gia nghiên cứu quốc tế mà The Straits Times chỉ nêu họ là ông Trương thì những ngư dân vốn ít học này đang bị chi phối bởi thông tin một chiều cùng các trợ giúp tài chính cho nghề đánh cá nên họ dễ dàng trở thành các công cụ cho chính quyền trong mưu đồ thôn tính các đảo đang tranh chấp ở biển Đông. Ngoài ra, ngư dân cũng sợ tính mạng bị đe dọa. Nhật báo Singapore trích lời một ngư dân Trung Quốc 28 tuổi tâm sự: “Tôi thất học nên phải đánh cá kiếm sống, nhưng tôi không muốn con tôi theo nghiệp này”.
Mối nguy rình rập
Ngư dân đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống ở biển Đông đang phải đối mặt mối đe dọa từ tàu Trung Quốc đi theo bảo vệ tàu cá nước này tại các khu vực Bắc Kinh chiếm đóng trái phép. The Straits Times dẫn lời ông Jamali Basri, Chủ tịch Hiệp hội ngư dân ở thành phố cảng Miri, bang Sarawak - Malaysia, cho biết gần 1.000 ngư dân của bang này hàng ngày phải sống trong sợ hãi vì mối đe dọa từ tàu hải cảnh Trung Quốc. Trong khi Hải quân Malaysia ít có biện pháp bảo vệ ngư dân tại các ngư trường truyền thống, ông Basri nói rằng tất cả mọi người đang lo sợ bị tàu Trung Quốc tấn công khi trước đó, tàu hải cảnh Trung Quốc từng hung hãn đâm thẳng vào tàu cá Philippines và Việt Nam hoặc bắn vòi rồng với mục đích xua đuổi.
Ngư dân Trung Quốc Li Zhongming, 38 tuổi, đến từ đảo Hải Nam, cho biết: “Việc đánh bắt cá ngày càng khó khăn. Bây giờ chúng tôi phải đi tới các vùng biển xa hơn”. Chính vì nguyên nhân này mà tàu cá Trung Quốc thường săn bắt trộm tại một số khu vực tranh chấp ở biển Đông. Ông Eugenio Bito-onon, thị trưởng một thị trấn Philippines, cho biết có thể bắt gặp hơn 300 tàu cá ở phía Nam Scarborough vào bất cứ ngày nào trong năm. Tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough là điểm nóng trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc, nhất là kể từ tháng 3 năm nay khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát tới, một động thái được giới chuyên gia cho rằng để chuẩn bị cải tạo, bồi đắp bãi cạn này thành đảo nổi nhân tạo như điều mà Bắc Kinh đã cố tình làm với một số bãi đá, rặng san hô ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc ước tính giá trị thương mại nghề cá năm 2015 lên đến 130 tỷ USD. Trong đó, theo một nghiên cứu của Đại học British Columbia của Canada, biển Đông cung cấp khoảng 10 triệu tấn cá vào năm ngoái, tức chiếm 12% tổng sản lượng đánh bắt trên toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn vì chưa tính số lượng cá bị đánh bắt trái phép. Số liệu từ Cục thủy sản Phillippines cho thấy hồi năm 1970, ngư dân bắt cá trung bình có trọng lượng 20kg/con nhưng giờ đây chỉ còn cá nhỏ, trung bình 4,76 kg/con.
VIỆT ANH (tổng hợp)