Ngư dân vẫn rầu vì chủ nậu

Vượt qua bao vất vả, hiểm nguy của sóng gió đại dương để khai thác tôm cá đầy khoang, mong ước bán sản phẩm được giá cao. Vậy nhưng, khi về bờ, nỗi lo của ngư dân lâu nay vẫn là việc bị các chủ nậu ép giá, đòi thu tàu...
Ngư dân vẫn rầu vì chủ nậu

Vượt qua bao vất vả, hiểm nguy của sóng gió đại dương để khai thác tôm cá đầy khoang, mong ước bán sản phẩm được giá cao. Vậy nhưng, khi về bờ, nỗi lo của ngư dân lâu nay vẫn là việc bị các chủ nậu ép giá, đòi thu tàu...

O bế và o ép

Đã 5 tháng qua, tàu cá công suất 450 CV của ông Lê Tân (56 tuổi) ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) phải nằm bờ dù tàu mới được đóng hơn 2 năm và chỉ ra khơi hơn chục chuyến. Ông Tân kể bằng giọng ái ngại: “Khi đóng mới tàu cá, tôi vay của chủ nậu tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) 800 triệu đồng, vay của hàng xóm thêm 600 triệu đồng nữa đóng con tàu mới trị giá 1,4 tỷ đồng. Ra khơi mấy chuyến đầu hòa vốn nên không có tiền trả nợ. Hoàn cảnh càng bi đát hơn khi đầu tháng 1-2015, đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, lấy hết tài sản, ngư lưới cụ, thiết bị… thế là ra về tay trắng và nằm bờ đến nay”. Trong khi đó, chủ nợ thấy tàu đánh bắt không hiệu quả, lại neo bờ lâu nên đã đến đánh tiếng sẽ thu hồi lại.

Dù đánh bắt hiệu quả nhưng giá bán sản phẩm của ngư dân do các đầu nậu quy định.

“Khi mình đóng mới tàu, họ đến o bế hứa hẹn cho vay rồi khấu trừ dần vào sản phẩm, không quy định thời gian trả. Vậy nhưng, khi cầm tiền của chủ nậu rồi mới thấy như con dao hai lưỡi, mà ngư dân là người cầm lưỡi nên rút tay ra cũng đã... đứt tay rồi”- ông Tân ví von.

Cần lắm, hợp tác xã hậu cần nghề cá

Đi biển, phụ thuộc vào luồng cá, thời tiết; vào đất liền lại bị các “đầu nậu” khống chế đủ thứ nên nhiều phiên biển, ngư dân chỉ đủ trả tiền phí tổn bỏ ra. Từ năm 2007 đến nay, huyện Lý Sơn có 32 tàu bị chìm, 38 tàu hư hỏng do ảnh hưởng của bão, 3 tàu bị tàu lạ đâm chìm, 82 tàu bị nước ngoài bắt. Riêng năm 2014 đến nay, đã có 22 tàu cá của Lý Sơn đi khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung Quốc ngăn cản, đập phá tài sản, không cho ngư dân hành nghề, tổng thiệt hại về tài sản lên đến hơn 3,1 tỷ đồng. Xác định kinh kế biển là mũi nhọn. Thế nhưng, đến nay, huyện Lý Sơn mới chỉ tập trung vào khai thác, đánh bắt chứ chưa phát triển được dịch vụ hậu cần nghề cá. “Vì chưa có dịch vụ hậu cần nghề cá nên khi đánh bắt xong, ngư dân không chỉ tốn thêm chi phí nhiên liệu để vào đất liền bán hải sản, mà còn chịu thiệt thòi vì bị ép giá. Việc tìm đến các “đầu nậu” để xoay xở đủ chi phí vươn khơi và vay vốn ở các chủ nậu để đóng mới tàu… là nguyên nhân chính khiến ngư dân trên địa bàn huyện phải phụ thuộc và thường xuyên bị ép giá khi bán hải sản”- bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết.

Để chủ động tháo gỡ những khó khăn của ngư dân, bất cập trong vay vốn, thu mua sản phẩm, đảm bảo giá cả cho hải sản đánh bắt được, năm 2014, HTX Dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản Lý Sơn - Hoàng Sa đã chính thức được thành lập và có kế hoạch xây dựng khu chế xuất, đóng tàu vỏ thép, cung ứng xăng dầu, mua sản phẩm của ngư dân cao gấp rưỡi giá thị trường ngay trên biển để ngư dân bám biển Hoàng Sa-Trường Sa nhiều hơn... Tuy nhiên, đến nay HTX vẫn chưa thể đi vào hoạt động do địa phương chưa tìm được mặt bằng phù hợp. Trong khi đó, ngư dân đang mong mỏi từng ngày được tiếp nhiên liệu trên biển để khai thác dài ngày hơn, được bán hải sản không bị ép giá”.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục