Tiến tới Asian Cup 2007

Ngược dòng lịch sử

Nhân dịp lần đầu tiên Việt Nam vinh dự đăng cai vòng chung kết (VCK) giải bóng đá châu Á (Asian Cup) - 2007 (cùng với Indonesia, Malaysia và Thái Lan), chúng tôi mời bạn đọc cùng ngược dòng thời gian để tìm hiểu sự hình thành và phát triển của giải đấu danh tiếng nhất của lục địa da vàng.
 
Cho đến giờ bóng đá châu Á vẫn chưa thể sánh bằng châu Âu và châu Phi về trình độ, song chúng ta cũng có thể tự hào là đã tổ chức vòng chung kết bóng đá cấp châu lục sớm hơn châu Âu lẫn lục địa đen nhiều năm. Mọi chuyện bắt đầu bằng cuộc họp của 12 thành viên sáng lập Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) ở Philippines vào năm 1954 với mong muốn thúc đẩy nền bóng đá châu lục ngày càng phát triển. Và thế là 2 năm sau đó (1956), Asian Cup chính thức ra đời... 

  • Lần 1 và 2 (năm 1956 và 1960): THẮNG LỢI TUYỆT ĐỐI CỦA HÀN QUỐC 
Ngược dòng lịch sử ảnh 1
Đương kim vô địch Asian Cup: Đội tuyển Nhật Bản.

Ở giải lần 1 tại Hong Kong, Hàn Quốc và Việt Nam phải trải qua vòng đấu loại trong khi Israel hưởng lợi do Afghanistan và Pakistan đồng loạt rút lui. Trong đó, Hàn Quốc phải vượt qua 2 cửa ải Philippines và Đài Loan mới giành được quyền vào chơi ở VCK. Với 2 trận thắng (trong đó có chiến thắng 2-1 trước đối thủ trực tiếp Israel 2-1) và 1 hòa, đội tuyển Hàn Quốc đi vào lịch sử với tư cách là đội vô địch Asian Cup lần đầu tiên.
 
Bốn năm sau (1960), Hàn Quốc còn thi đấu ấn tượng hơn nữa khi VCK được tổ chức ngay tại quê nhà Seoul khi giành thắng lợi tuyệt đối 3 trận thắng để bảo vệ thành công ngôi bá chủ châu Á.
 
Bóng đá Việt Nam 2 lần liên tiếp có mặt ở Asian Cup, nhưng thành tích rất khiêm tốn khi chỉ có 1 trận hòa và 5 trận thua.  

  • Lần 3 - 1964: ISRAEL ĐÒI NỢ

 Chủ nhà Israel tận dụng ưu thế sân nhà để lần đầu lên ngôi vô địch sau 2 lần "ngậm đắng nuốt cay" trước người Hàn Quốc - đội có thành tích tệ hại khi rớt xuống vị trí thứ 3 (sau khi thua đội lần đầu dự giải là Ấn Độ 0-2). Với Israel, họ xứng đáng với ngôi vương sau khi lần lượt vượt qua Hong Kong 1-0; Ấn Độ 2-0 và nhất là trước kình địch Hàn Quốc 2-1.  

  • Lần 4 - 1968: IRAN LÊN NGÔI BÁ CHỦ 

VCK năm 1968 đánh dấu một bước ngoặt của Asian Cup khi có sự tham gia của các đội bóng đến từ các nước Hồi giáo qua sự kiện Iran giành quyền đăng cai giải lần 4-1968, năm mà họ lần đầu đoạt cúp sau 4 trận thắng vang dội trước Đài Loan (4-0); Hong Kong (2-0); Myanmar (3-1) và ĐKVĐ Israel 2-1.
 
Myanmar sau khi trở thành đội mạnh nhất Đông Nam Á thời bấy giờ đã gây tiếng vang lớn ở đấu trường Asian Cup với ngôi vị á quân, đẩy Israel xuống hạng 3 khi giành 5 điểm và chỉ chịu thua đội vô địch Iran. Đây cũng là kỳ tham gia Asian Cup cuối cùng của Israel vì họ bị các nước Hồi giáo tẩy chay do ảnh hưởng về mặt chính trị. Họ phải "ở đậu" tại khu vực châu Đại dương và sau đó gia nhập UEFA cho đến ngày nay... 

  • Lần 5 - 1972: IRAN BẢO VỆ THÀNH CÔNG CHỨC VÔ ĐỊCH 

Iran sau khi đè bẹp người láng giềng Iraq 3-0 và Thái Lan 3-2 ở vòng bảng đã tiếp tục vượt qua Campuchia 2-1 ở bán kết để vào tranh chức vô địch với Hàn Quốc - đội phải "trầy trật" trên đường đi đến trận chiến cuối cùng. Không vất vả sao được khi Hàn Quốc chỉ xếp trên Campuchia và Kuwait chỉ số phụ ở vòng bảng và vượt qua Thái Lan bằng loạt đá luân lưu ở bán kết. Và không có gì ngạc nhiên khi họ không thể vượt qua Iran ở trận chung kết ngày 19-5-1972.  

  • Lần 6 - 1976: IRAN LẬP HAT-TRICK NGAY TẠI QUÊ NHÀ 

Iran – đội giờ chót được chọn thay Lebanon vì nước này bị nội chiến chính thức vượt qua Hàn Quốc về số lần vô địch Asian Cup khi lần thứ 3 liên tiếp đăng quang. Đáng nói hơn, họ lên ngôi cao nhất bằng chiến tích "độc nhất vô nhị" khi giành cả 4 trận thắng và không để lọt lưới bàn nào. Cụ thể, họ thắng Yemen 8-0 và Iraq 2-0 (vòng bảng); sau đó hạ Trung Quốc 2-0 ở bán kết và kế đến Kuwait trở thành nạn nhân của đội chủ nhà ở trận chung kết (1-0). 

  • Lần 7 - 1980: ĐẾN LƯỢT KUWAIT 

Vòng bán kết giải lần này chứng kiến cuộc đối đầu thú vị giữa 2 đội bóng đến từ bán đảo Triều Tiên với kết quả cuối cùng nghiêng về đội giàu thành tích hơn là Hàn Quốc (2-1). Còn Kuwait đã đòi nợ sòng phẳng với Iran khi vượt qua đội này cũng bằng tỷ số 2-1 ở bán kết. Trận chung kết trong mơ diễn ra vào ngày 30-9-1980 giữa Kuwait và Hàn Quốc kết thúc với thắng lợi đậm đà 3-0 nghiêng về đội chủ nhà, qua đó khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của Kuwait ở lần thứ 3 tham gia VCK. 

  • Lần 8 - 1984: SAUDI ARABIA LÊN TIẾNG 
Ngược dòng lịch sử ảnh 2
Dù không đặt nặng mục tiêu cụ thể, nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn quyết tâm để lại dấu ấn ở kỳ Asian Cup lần này.Quang Thắng

Lần đầu đến với VCK Asian Cup nhưng đội bóng đến từ quốc gia giàu dầu mỏ Saudi Arabia đã gây bất ngờ cho các đội mạnh như: Hàn Quốc, Kuwait hay Iran. Điều đáng nói là họ chỉ có kết quả khiêm tốn ở vòng bảng với 2 thắng (cùng tỷ số tối thiểu trước Syria và Kuwait) và 2 hòa (đều 1-1 với Hàn Quốc và Qatar). Sau đó, họ đã may mắn vượt qua Iran bằng loạt thi sút 11m ở bán kết. Nhưng vào chung kết, họ đã thi đấu xuất thần và hạ gục Trung Quốc 2-0, để lần đầu nếm được mùi vị của chức vô địch. 

  • Lần 9 - 1988: LẠI LÀ SAUDI ARABIA  

Cũng giống như lần trước, Saudi Arabia trải qua vòng bảng khá nhọc nhằn với 2 trận thắng cùng 2 lần bị Kuwait và Bahrain cầm hòa. Sau đó, ở bán kết họ chỉ vượt qua Iran (lại là Iran) bằng tỷ số sít sao 1-0. Đối thủ Hàn Quốc của họ lại có thành tích rất tốt khi thắng cả 5 trận trên đường vào tranh chung kết. Ngoài ra, đội bóng xứ kim chi còn muốn rửa hận sau 2 lần gục ngã trước các "đồng hương" Tây Á của Saudi Arabia ở các năm 1972 và 1980.
 
Thế nhưng, Saudi Arabia đã bản lĩnh hơn trong suốt 120’ và sau đó vượt qua Hàn Quốc ở cuộc chiến cân não trên chấm 11m để lần thứ 2 "ẵm" cúp về nhà. 

  • Lần 10 - 1992: NHẬT BẢN LÊN NGÔI 

Im hơi lặng tiếng suốt thời gian dài, nhưng người Nhật đã thành công ngay lần đầu đăng cai Asian cup nhờ chính sách "Brazil hóa" của mình. Tuy nhiên, họ vượt qua vòng bảng một cách "thót tim" khi chỉ hòa 2 trận đầu (với Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Hàn Quốc) và 1 trận thắng muộn màng 1-0 trước Iran.
 
Saudi Arabia thì vẫn vậy! Họ vẫn từ tốn từ, thậm chí chật vật ở vòng ngoài vì chỉ hòa Trung Quốc và Qatar cùng tỷ số 1-1. Chỉ đến khi hạ đậm Thái Lan 4-0 họ mới đoạt vé vào bán kết.
 
Lần lượt đánh bại UAE và Trung Quốc, Saudi Arabia và Nhật lần đầu gặp nhau ở trận đấu đỉnh cao của bóng đá châu Á. Và với lợi thế sân nhà, đội bóng xứ hoa anh đào lần đầu ghi tên mình vào bảng vàng Asian Cup sau chiến thắng 1-0 và biến Saudi Arabia thành cựu vô địch. 

  • Lần 11 - 1996: KHỐI Ả RẬP 

Noi gương Hàn Quốc, Israel, Iran, Kuwait và mới nhất là Nhật Bản, UAE đăng ký làm chủ nhà VCK giải năm 1996 - lần đầu có sự góp mặt của Uzbekistan và Indonesia với ước muốn trở thành nhà vô địch châu Á. Và họ suýt làm được điều đó khi lọt vào chung kết với một đội bóng thuộc khối Ả rập khác là Saudi Arabia. Thế nhưng, trước các fan nhà, họ đã không làm được gì hơn khi thất bại ở loạt đấu súng 11m đầy may rủi. Còn Saudi Arabia, với chức vô địch lần này, họ đã cân bằng số lần đăng quang với Iran với 3 chiến quả chỉ trong... 4 lần tranh tài!

  •  Lần 12 - 2000: CÚP QUAY VỀ NHẬT 

Sau khi thất bại nặng nề ở World Cup 1998, người Nhật đã lấy lại danh tiếng ở đấu trường vừa sức Asian Cup. Họ đã thi đấu rất ấn tượng khi đè bẹp Saudi Arabia 4-1; Uzbekistan 8-1, rồi 4-1 trước Iran ở tứ kết, để đặt một chỗ ở bán kết - nơi các anh hào châu lục khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và nhất là ĐKVĐ Saudi Arabia đang chờ sẵn!
 
Cùng vượt qua Trung Quốc và Hàn Quốc với tỷ số sít sao, Nhật và Saudi Arabia tái ngộ nhau ở trận tranh "đai vô địch" lần thứ 2 trong 3 kỳ Asian gần nhất. Vẫn với cùng tỷ số 1-0, Nhật đã khiến các chàng trai Ả rập ôm hận lần nữa. 

  • Lần 13 - 2004: NHẬT LÊN NGÔI LẦN THỨ 3 

VCK lần này chứng kiến một bất ngờ thú vị mang tên Bahrain - đội đã khiến ĐKVĐ Nhật Bản tung hết sức lực đến thời gian hiệp phụ ở bán kết mới vượt qua đội này bằng tỷ số 4-3.
 
Tận dụng lợi thế sân nhà, Trung Quốc lần thứ 2 tiến vào trận chung kết ở Asian Cup sau khi vượt qua một chặng đường khá nhẹ nhàng. Thế nhưng, do phải mất khá nhiều sức ở bán kết với Iran (thắng 4-3 bằng luân lưu) nên họ đã thảm bại nặng nề trước các chàng trai xứ phù tang ở trận chiến cuối cùng. Nhật dù vắng nhiều hảo thủ như Nakata, Inamoto, Ono, nhưng họ vẫn chứng tỏ mình là đại gia của lục địa vàng ở thời điểm này. 

TRUNG TÍN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục