Hãng AFP ngày 25-1 đưa tin, chỉ một ngày sau tuyên bố của Thủ tướng David Cameron muốn trưng cầu dân ý về quy chế thành viên EU của Anh vào cuối năm 2017, tờ Times công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy có đến 40% người Anh lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU), trong khi chỉ 37% muốn ở lại và 23% còn lại cho biết chưa thể quyết định.
Ra đi vì quyền lợi
Kết quả này cho thấy ngày càng có nhiều người Anh muốn quốc gia này rời EU càng sớm càng tốt. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng phát biểu của Thủ tướng Anh chính là tín hiệu cảnh báo của người đứng đầu Chính phủ Anh về việc xem xét khả năng rút khỏi liên minh gồm 27 thành viên. Tuyên bố trên của Thủ tướng Cameron là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần qua, chính quyền Anh tỏ ý xem xét lại việc tiếp tục làm thành viên EU.
Cũng theo hãng tin AFP, việc chính quyền Thủ tướng Cameron liên tiếp lên tiếng đề cập tới tư cách thành viên EU diễn ra trong bối cảnh liên minh này vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ cho thấy vấn đề nội bộ đáng quan ngại của liên minh kinh tế - chính trị này. Khoảng cách giữa Anh và EU tiếp tục nới rộng khi xảy ra những bất đồng trong cách thức xử lý cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Khi Anh muốn cắt giảm mạnh ngân sách liên minh trong bối cảnh khủng hoảng, nhiều thành viên khác lại không đồng tình. Đây là một trong những nguyên nhân khiến không ít thành viên trong đảng Bảo thủ cầm quyền cho rằng Anh nên rút khỏi EU nếu các quốc gia khác không chấp nhận nới lỏng quy chế thành viên theo hướng tăng thêm quyền tự chủ, giảm bớt sự ràng buộc.
Xét ở một số góc độ, rời khỏi EU có thể giúp Anh nhanh chóng đạt được một số lợi ích như tiết kiệm ngay khoảng 8 tỷ EUR/năm do không phải đóng góp ngân sách liên minh; thoát khỏi chính sách nông nghiệp chung khiến giá thực phẩm của nước này có thể rẻ hơn, đồng thời Anh sẽ không phải lo lắng về thuế giao dịch tài chính và dần dần thoát khỏi các quy định tài chính châu Âu...
Những hệ lụy
Theo hãng tin Reuters, các nhà lãnh đạo EU đều tỏ ra rất bất bình trước những “lời bóng gió” của Thủ tướng Anh Cameron. Lãnh đạo Pháp và Đức cho rằng, Anh không thể chọn ra những nguyên tắc của riêng mình trong khối liên minh gồm 27 quốc gia. Chủ tịch hội đồng EU Herman Van Rompuy cảnh báo, quyết định rời EU của Anh có thể đẩy liên minh gồm 27 thành viên đi đến chỗ sụp đổ. Mỹ cũng phải lên tiếng cảnh báo việc Anh cân nhắc thay đổi cơ cấu quan hệ với EU có thể gây tổn hại tới quan hệ giữa London và Washington.
Ngoài những lợi ích đã thấy, Anh cũng sẽ phải chịu thua thiệt không ít. Mối quan hệ giao dịch thương mại với thị trường chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước Anh sẽ trở nên xấu đi. Các hãng sản xuất ô tô xem Anh như là cơ sở hoạt động ở châu Âu sẽ èo uột, kéo theo sự rời bỏ của các bộ phận lớn ngành công nghiệp, dịch vụ và tài chính. Ngoài ra, Anh sẽ phải đàm phán lại hàng chục thỏa thuận thương mại song phương ở một vị trí yếu thế hơn nhiều so với khi còn là thành viên EU. Vai trò và vị trí của Anh cũng sẽ giảm đáng kể trên trường quốc tế.
Trước sức ép từ EU, Thủ tướng Cameron buộc phải dịu giọng. Ngày 25-1, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Davos, ông Cameron khẳng định Anh không quay lại với EU. Nước Anh chỉ muốn đảm bảo lợi ích tại liên minh này và đưa ra những đề xuất giúp EU trở nên linh hoạt hơn và cạnh tranh hơn. Ông Cameron đã hội đàm với lãnh đạo các quốc gia Đức, Ireland, Italia và Hà Lan tại diễn đàn để giành được sự ủng hộ của họ cho các kế hoạch của mình.
THANH HẰNG (tổng hợp)