Cùng với việc giá dịch vụ y tế sắp được điều chỉnh tăng thêm, không ít loại thuốc chữa bệnh và vaccine dịch vụ cũng đang rục rịch đua nhau tăng giá. Mặc dù giá thuốc hay vaccine dịch vụ không tăng giá ồ ạt, đột biến nhưng thực tế từ đầu năm tới nay, không ít loại thuốc đã tăng giá.
Nhiều loại thuốc rục rịch tăng giá
Theo Bộ Y tế, chỉ riêng trong tháng 8 vừa qua, giá một số thuốc nhập khẩu như: Scilin M30 (điều trị tiểu đường), Imacep 100mg (kháng sinh), Dicloberl 50mg (kháng viêm, giảm đau), Exomuc 200mg (long đờm)... có mức tăng từ 5% đến 9%. Cùng với đó, một số loại vaccine nhập khẩu tiêm chủng dịch vụ như: vaccine “5 trong 1” Pentaxim của Pháp hay vaccine “6 trong 1” Infanrix Hexe của Bỉ và một số loại vaccine khác của ngoại cũng đang tăng giá thêm từ vài chục cho tới vài trăm ngàn đồng/liều.
Đáng chú ý hơn, nếu như lâu nay thuốc tăng giá chủ yếu là các loại thuốc nhập khẩu, đặc trị chuyên khoa thì gần đây, nhiều thuốc được sản xuất trong nước cũng tăng giá mạnh và có phần áp đảo thuốc ngoại. Theo bảng giá thuốc kê khai do Cục Quản lý dược, Bộ Y tế công bố, trong số các mặt hàng dược phẩm tăng giá hiện có khoảng 51 lượt thuốc nhập khẩu tăng giá, trong khi đó thuốc sản xuất trong nước là 606 lượt chiếm khoảng 2,5% trong tổng số 25.000 mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường. Còn qua thống kê của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho thấy, trong năm 2014, Việt Nam có tới 656 mặt hàng thuốc tăng giá, trong đó có 84 loại thuốc nhập khẩu và 572 thuốc sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc nội tăng giá lại là các loại thuốc đơn thuần như cảm cúm, hạ sốt và một số loại thuốc có nguồn gốc từ dược liệu.
Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường dược phẩm biến động tăng giá, trong đó nguyên nhân chính được hầu hết các doanh nghiệp đưa ra là việc tăng giá thuốc hay vaccine là do biến động của tỷ giá ngoại tệ, cũng như giá nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù tỷ giá ngoại tệ có biến động nhưng giá nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào lại có chiều hướng giảm, nhất là giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian qua. Vì thế việc nhiều loại thuốc, vaccine dịch vụ tăng giá cũng đồng nghĩa với việc người dân sẽ thêm gánh nặng khi đau ốm, đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp sẽ rất khó khăn, vất vả.
Theo ước tính của Bộ Y tế, hiện tiền thuốc bình quân đầu người dân Việt Nam phải chi phí là hơn 20 USD/người/năm. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia y tế và kinh tế cho rằng, con số này sẽ không dừng lại ở đó trước tình hình giá thuốc tiếp tục leo thang, nhất là khi ngành dược của Việt Nam đang lệ thuộc đến 90% nguyên liệu nhập khẩu và hơn 50% giá trị thuốc thành phẩm ngoại nhập. Trong khi đó, việc quản lý giá thuốc, kê khai giá thuốc và quy trình đấu thầu thuốc còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ.
Tất cả những yếu tố này cộng lại sẽ khiến giá thuốc dù là ngoại hay nội sẽ còn tiếp tục “nhảy múa” trong thời gian tới và hậu quả rốt cuộc đều đổ hết lên đầu người bệnh. Trong khi đó, lợi nhuận thu được từ việc tăng giá dược phẩm vẫn tiếp tục chảy vào túi của không ít... “cá nhân” có vị trí và doanh nghiệp.
MINH KHANG