Những người biểu tình muốn lật đổ Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 20-2 bắt đầu trút sự giận dữ vào các doanh nghiệp liên quan đến gia đình của bà, đồng nghĩa với việc đánh trực tiếp vào tài sản của gia đình Shinawatra.
Đánh vào tài chính
Theo Reuters, người biểu tình đã tập hợp bên ngoài các văn phòng của công ty phát triển bất động sản. Chính phủ của bà Yingluck ngày càng bị sức ép lớn từ người biểu tình và hệ thống tư pháp của nước này. Năng lực tài chính để thực thi các chính sách quan trọng cũng đang sút giảm. Tòa án lại ra phán quyết không cho phép chính phủ dùng sắc lệnh khẩn cấp để giải tán người biểu tình.
Khoảng 500 người biểu tình tụ tập bên ngoài các văn phòng phía Bắc Bangkok của Công ty bất động sản SC Asset Corp thuộc sở hữu gia đình Shinawatra, vẫy cờ Thái Lan và thổi còi.
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố: “Chúng tôi sẽ cản trở tất cả các doanh nghiệp có liên hệ với gia đình Shinawatra. Nếu các bạn yêu nước, hãy ngừng sử dụng các sản phẩm của gia đình Shinawatra và làm tất cả mọi thứ có thể để các doanh nghiệp của họ thất bại”. Bà Yingluck từng làm chủ tịch công ty này trước khi trở thành thủ tướng sau cuộc bầu cử năm 2011.
Cổ phiếu của SC Asset giảm 5% trong ngày 20-2 và những ngày trước đó cũng đã bắt đầu giảm. Cổ phiếu của Công ty M-Link Asia Corp, chuyên phân phối điện thoại di động liên doanh với gia đình Shinawatra, cũng đã giảm 10% trong hai ngày qua. Ông Suthep cũng đã kêu gọi cổ đông của các công ty gia đình Shinawatra bán tháo cổ phần của mình.
Trong khi đó, theo Bangkok Post, hơn 1.000 nông dân từ miền Trung Thái Lan, vựa lúa chính của nước này, ngày 20-2 đã bắt đầu lái xe tải và xe máy cày hướng về Bangkok để tham gia biểu tình chống chính phủ.
Chada Thaiseth, một cựu thành viên của quốc hội, nói rằng ông sẽ đưa nông dân đến sân bay Suvarnabhumi. Ông cho biết, nông dân Thái Lan sẽ không rời Bangkok cho tới khi nào họ được trả đủ tiền bán lúa. Chưa rõ nông dân Thái Lan có phong tỏa sân bay này như lực lượng áo vàng từng thực hiện chống gia đình Shinawatra năm 2008 hay không.
Thêm sức ép
Người biểu tình cáo buộc gia đình Shinawatra mang tính chất gia đình trị và tham nhũng. Họ cho rằng ông Thaksin đã sử dụng tiền của người nộp thuế để chi vào các khoản trợ cấp mang tính chất lấy lòng dân, đồng thời dùng tiền thuế cho vay dễ dàng để đổi lấy sự trung thành của hàng triệu người ở phía Bắc Thái Lan. Bà Yingluck đã tiếp tục chính sách của anh trai mình với chương trình thu mua lúa giá cao càng làm ngân sách teo tóp.
Bà Yingluck khẳng định bà là người đứng đầu Ủy ban chính sách lúa gạo quốc gia chịu trách nhiệm về chính sách nhưng nhiều người khác trong chính phủ đã thực hiện sai.
Trong khi đó, báo The Nation dẫn nguồn tin từ nội các Thái Lan cho hay Thủ tướng tạm quyền Yingluck sẽ không xuất hiện tại Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) theo yêu cầu của cơ quan này mà sẽ cử đại diện mang bản viết tay lời khai của bà đến NACC. NACC trước đó đã ra lệnh triệu tập bà Yingluck xung quanh cáo buộc tham nhũng trong chương trình mua lúa gạo của nông dân.
Ngày 20-2, có thêm 2 đơn kiện của 2 tổ chức dân sự nhằm vào bà Yingluck gửi đến ủy ban bầu cử, cho rằng bà đã vi phạm hiến pháp vì đọc diễn văn trên truyền hình bênh vực cho chính sách lúa gạo của chính phủ và của đảng Pheu Thai trong khi bà vẫn là thủ tướng tạm quyền phải ở vị trí trung lập. Hơn nữa, bà đã dùng truyền thông nhà nước để vận động bầu cử ngay cả khi cuộc bầu cử đang diễn ra.
Hai nhóm nguyên đơn này kêu gọi ủy ban bầu cử đưa vấn đề ra tòa án hiến pháp để giải tán đảng Pheu Thái.
THỤY VŨ (tổng hợp)
- Người biểu tình Thái Lan bao vây văn phòng tạm thời của Thủ tướng Yingluck