Trước thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm đang hồi báo động, tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã xây dựng vùng chuyên canh rau sạch đặc trưng miền núi của đồng bào dân tộc Ca Dong.
Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã đầu tư mô hình trồng rau sạch tại 2 huyện miền núi Nam Trà My và Tây Giang. Ông Bùi Trọng Bình, Phó phòng NN-PTNT huyện Nam Trà My, cho biết, từ lâu nay người dân tộc Ca Dong, Xê Đăng… thường trồng rau trên những đồi núi cao, cứ hết khoảnh núi này đến vùng đồi khác, chủ yếu để dùng trong gia đình. Vừa qua, huyện đã xây dựng mô hình trồng rau sạch chuyên canh tại xã Trà Tập với diện tích 5ha, có khoảng 25 hộ tham gia và 2ha tại xã Trà Mai, chủ yếu trên các rẫy vườn của dân, mỗi nhà khoảng 1 sào rau. Ông Bình nói thêm: “Người dân làm hoàn toàn thủ công, giữ nguyên cách trồng độc đáo của người dân tộc thiểu số; huyện đầu tư giúp dân quy hoạch thành vùng chuyên canh, phát triển rau hàng hóa, tiêu thụ nông sản”.
Ông Võ Hồng Sơn, 70 tuổi, người Ca Dong ở thôn 1, xã Trà Mai, kể, trước đây người dân thường trồng rau ở nơi gần hốc đá, gốc cây và cứ để rau phát triển tự nhiên đến khi thu hoạch cắt về ăn. Hiện ông Sơn có 1 sào rau, trồng các loại xà lách, cải, rau rừng. Vùng miền núi này có rau lủi, đặc trưng của người Ca Dong, với vị ngon, giòn, có mùi thuốc bắc; lá rau lủi mọc so le, cuống ngắn, nấu ăn rất ngon. Đặc biệt, người dân Nam Trà My không sử dụng phân hóa học, chủ yếu sử dụng phân chuồng và cây thuốc lá được băm nhỏ, ủ vài ngày, trộn với tro bếp, sau đó rải ra vườn rau.
Rau lủi, loại rau rừng đặc sản của đồng bào dân tộc Ca Dong.
Sau 1 năm, từ khi quy hoạch trồng rau sạch tập trung, chỉ mỗi 10m2 đất, ông Sơn thu về gần 10kg rau, gấp đôi so với trồng du canh. Người trồng nhiều có thể đổi rau lấy gạo, thịt. Giá rau cải con hiện khoảng 20.000 đồng/kg, xà lách từ 10.000 - 20.000 đồng/kg (tùy loại), giá các loại rau rừng chỉ khoảng 1.000 - 2.000 đồng/bó…
Theo ông Bùi Trọng Bình, người dân vùng núi tự trồng rau rất nhiều, do vậy giá cả rau rừng cũng rẻ hơn. Tuy nhiên, cách xa đồng bằng nên chưa có thị trường tiêu thụ ổn định và lượng cung nhiều dần nên huyện đang giải quyết đầu ra cho người dân khi đưa vào chuyên canh lớn.
PHÚ NHIÊU