Người dân cần mã định danh để kiểm soát giao dịch điện tử

Sáng 28-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Dự thảo luật mới có 8 chương và 54 điều.
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: CHÍ THẠCH 

Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Trương Thị Hòa, Hội Luật gia TPHCM, cho rằng, mặc dù Luật Giao dịch điện tử năm 2005 góp phần vào sự phát triển giao dịch thương mại, nhất là thương mại điện tử nhưng vì công nghệ phát triển nên luật này có những hạn chế so với xu thế phát triển công nghệ thông tin trên thế giới và trong khu vực; Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cần phải sửa đổi để phù hợp và đồng bộ với nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực như: ngân hàng, xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin… Vì thế việc ban hành Luật Giao dịch điện tử là cần thiết.

Luật sư Trương Thị Hòa, Hội Luật gia TPHCM phát biểu. Ảnh: CHÍ THẠCH 

Luật sư Hòa đề xuất, cần quan tâm các điều kiện khả thi của Luật, vấn đề giá của các dịch vụ tin cậy, vấn đề giao dịch điện tử tại một số lĩnh vực chuyên ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Luật sư Hòa lấy dẫn chứng cụ thể thông tin đăng tải trên báo chí về việc người dân khó đổi giấy phép lái xe (GPLX) qua mạng vì thủ tục nhiêu khê, từ đầu năm đến nay cả nước chỉ có 26 GPLX được đổi thành công qua Cổng dịch vụ công quốc gia, trong khi mỗi năm có khoảng 2 triệu GPLX cần cấp đổi.

Không ít ý kiến cho rằng, dịch vụ công kiểu này “đẻ” nhiều thủ tục nên rất khó thực hiện. Nguyên nhân chính là do chưa kết nối với cơ sở dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và dữ liệu xử lý vi phạm của Cục CSGT. Thực tế, để có được giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử phục vụ đổi GPLX, người dân phải đi khám sức khỏe tại cơ sở y tế. Sau đó, người dân đến UBND cấp xã chứng thực điện tử.

Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh, việc này phát sinh thêm thủ tục hành chính và chi phí nên số người sử dụng dịch vụ còn hạn chế. Bên cạnh đó, người dân gặp khó khăn khi đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Người dân cần mã định danh để kiểm soát giao dịch điện tử ảnh 3 Các đại biểu phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: CHÍ THẠCH 

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Quân, chuyên viên Phòng nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, Dự luật hầu như đưa các quy định từ các văn bản luật hoặc văn bản dưới luật khác vào và chưa rõ mục đích ban hành là để giải quyết vấn đề gì? 

Ông Nguyễn Mạnh Quân đề nghị cần rà soát lại các quy định trên đã đầy đủ, bao quát hết các loại hình giao dịch điện tử phát sinh trên thực tế từ các lĩnh vực dân sự, thương mại, hành chính… Ngoài ra, Dự luật cũng chưa có các quy định riêng về thương mại điện tử trong khi đây là lĩnh vực phát triển rất nhanh, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng là lĩnh vực còn tồn đọng nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là khi có cạnh tranh phát sinh.

Ngoài ra, quy định về chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước còn quá chung chung, chưa có những giải pháp cụ thể. Ông đề nghị ban soạn thảo cần đưa ra những chính sách cụ thể để hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các giao dịch điện tử hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Đại diện Sở Công thương TPHCM đề xuất, mỗi công dân cần có 1 mã định danh điện tử riêng và xuyên suốt cuộc đời trong giao dịch điện tử. Ngoài ra, cần có quy định về tính liên thông dữ liệu và cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan nhằm tăng tính hiệu quả quản lý.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến về các nội dung trong Dự án Luật Giao dịch điện tử về việc bổ sung, hoàn chỉnh của Luật; quan tâm ứng dụng của Luật; làm rõ quy định chứng thực; quy định trách nhiệm của các cơ quan…

Phát biểu kết luận hội thảo, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM ghi nhận các ý kiến góp ý của các đơn vị, đại biểu về Dự thảo Luật Giao dịch điện tử.

Tin cùng chuyên mục