
Chiến công bắn rơi B-52 của Không quân Nhân dân Việt Nam, được đánh dấu đỏ, trên bảng vàng danh dự tại Bảo tàng Không quân và trong truyền thống của các đơn vị, bằng hai chiếc B-52 chúng ta hạ được trong chiến dịch 12 ngày đêm. Trước đó, phi công Vũ Đình Rạng cũng đã đánh gục một chiếc. Như vậy chúng ta có thể nói rõ ràng rằng, chúng ta đã hạ ba chiếc B-52. Những người bắn rơi B-52, nhà nước đã tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đó là Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều.
Có điều, người đã đưa Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều phát hiện B-52, có lẽ, đến nay, nhiều người, kể cả những sĩ quan trong Quân chủng Phòng không - Không quân có thể chưa biết. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn viết về trận đánh của Phạm Tuân, vào đêm 27-12-1972. Dịp khác, tôi sẽ có dịp đề cập đến trận đánh của Vũ Xuân Thiều...
Trước ngày 10-12-1972, toàn bộ sự chú ý của không quân ta đều tập trung ở phía Nam - Sở chỉ huy của binh chủng tại Thọ Xuân.
Thượng tá Trần Mạnh, Phó tư lệnh và một số cán bộ chỉ huy cấp ban đang ở đó. Ngày 11-l2, Đại tá Đào Đình Luyện điện cho Phó tư lệnh rút toàn bộ về Hà Nội và ngay ngày 13-12, một bộ phận sở chỉ huy tiền phương, do Thiếu tá Lê Liên, Trưởng ban dẫn đường được cử làm Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tiền phương phía Tây.
Ngay lập tức bộ phận này lên đường và lập sở chỉ huy tại Đại đội 361, thuộc Trung đoàn radar 292 đang đóng quân tại Nông trường bò sữa Mộc Châu.

Thiếu tá Đặng Dũng cùng các cháu ở Trường Mầm non An Dương, Hải Phòng.
Trước khi lên đường Thiếu tá Lê Liên được Tư lệnh không quân Đào Đình Luyện dặn dò và nói rõ ý định làm dự bị cho sở chỉ huy binh chủng trong trường hợp bị nhiễu điện tử không thể chỉ huy. Tư lệnh đã dự kiến những khó khăn trong chiến đấu và đã chủ động chuẩn bị đoàn chỉ huy bổ trợ...
Ba ngày sau, tức là ngày 16-12-1972, Thiếu tá Lê Liên cùng với kíp dẫn đường, Thiếu úy Đặng Dũng, Chuẩn úy Lương Văn Vóc, Chuẩn úy Nguyễn Đăng Điển, đã đến Mộc Châu...
Đại đội 361 có ba máy P-35, PRV-11 và P-12 đặt ở ba ngọn đồi có cây thấp, dưới thung lũng những bãi cỏ ngút ngàn. Thiếu tá Lê Liên chọn một quả đồi, dưới tán cây, đặt sở chỉ huy nửa nổi nửa chìm trong một cái nhà bằng vải bạt. Công tác chuẩn bị được tiến hành rất khẩn trương. Chiều ngày 16-12-1972, sở chỉ huy binh chủng nhận được báo cáo của trạm Mộc Châu, đã hoàn thành công tác chuẩn bị.
Tôi muốn dừng lại để nói thêm đôi nét về ý đồ chiến đấu của Tư lệnh khi phái Thiếu tá Lê Liên, tổ sĩ quan dẫn đường lên Mộc Châu. Đến lúc này, ngoài các trạm radar ở vòng trong bao gồm các radar dẫn đường của sở chỉ huy binh chủng và các trung đoàn không quân tiêm kích.
Chúng ta có ba trạm radar ở vòng ngoài, đó là một trạm ở Thọ Xuân, một trạm ở thành nhà Hồ do Thượng úy Lê Thiết Hùng trực. Lê Thiết Hùng là sĩ quan dẫn đường giỏi của binh chủng đảm nhận một mình tại trạm và một trạm ở Mộc Châu. Ngoài ra còn có trạm ở Minh Sơn thuộc huyện Đô Lương, Nghệ An.
22 giờ ngày 27-12-1972, chiếc radar P-12 của Đại đội 361 phát hiện tốp B-52 đầu tiên ở phía Nam Viêng Chăn, một số tốp tiêm kích đã vượt sông Mê Công, địch có gây nhiễu nhưng không đáng kể. Tại Sở chỉ huy Không quân nhận được điện báo có B-52 do trạm Mộc Châu chuyển về. Lúc này, tại sở chỉ huy Mộc Châu, Thiếu tá Lê Liên và Thiếu úy Đặng Dũng tập trung theo dõi tốp B-52 đầu tiên.
Thiếu tá Lê Liên là một sĩ quan sắc sảo chững chạc, không bon chen, khiêm nhường, kiến thức rộng và sâu. Anh vốn là sĩ quan dẫn đường trên không, đang là trưởng Ban dẫn đường của binh chủng. Cho nên, tại Mộc Châu, anh tỏ rõ vai trò đặc biệt trong hạ quyết tâm nhanh đưa Phạm Tuân cất cánh. Đề nghị của Lê Liên và Đặng Dũng cho Phạm Tuân cất cánh lần thứ nhất về sở chỉ huy binh chủng. Lúc đó, tại núi Trầm, trong một hang sâu, Đại tá Đào Đình Luyện trực chỉ huy. Chúng tôi đều có chung nhận định tốp 82 (theo thứ tự của tổng trạm radar) là tốp B-52.
Tư lệnh chỉ thị cho sĩ quan tác chiến lệnh sở chỉ huy ở Yên Bái cho Phạm Tuân vào cấp 1 (tức là phi công vào ngồi trong máy bay). Ngay lúc đó, chúng tôi nhận được điện của sở chỉ huy Mộc Châu đề nghị cất cánh gấp (đề nghị lần thứ hai). Và, tư lệnh đã đồng ý.
Sau này, khi rút kinh nghiệm trận chiến đấu, sĩ quan dẫn đường Đặng Dũng trình bày, sau khi mở radar P-35 và PRV-11 xong, đã có ba tốp B-52 vượt sông Mê Công, có nhiễu điện tử trên mặt hiện sóng nhưng còn rất nhẹ, sau khi B-52 đến ngang đường số 7, nhiễu tăng dần, hướng bay của B-52 ổn định, bay thẳng lên hướng Yên Châu.
Tuy càng đi vào mục tiêu B-52 gây nhiễu càng nặng nhưng radar PRV-11 đo cao và P-12 vẫn nhìn thấy, chỉ có P-35 bị nhiễu nặng, nên chỉ có thể dẫn đường trên bàn tiêu đồ, căn cứ vào địch, ta để xác định vị trí.
Lúc đó, trên bản đồ có bốn tốp B-52, hai tốp phía sau đã vượt sông Mê Công thời cơ cho phép cất cánh sắp hết... sốt ruột, tốp B-52 càng đi về phía Bắc thì trên tai Đặng Dũng nghe tín hiệu từ trên không, Phạm Tuân đã cất cánh và đang vòng chờ ở Nghĩa Lộ, độ cao 2.500 mét.
Tôi thấy cần nói rõ về một nguyên tắc bí mật chỉ huy trong đánh B-52 tại sở chỉ huy không quân. Theo quy ước, ở Mộc Châu nhìn thấy rõ địch, ta, thông qua phi công báo cáo về sở chỉ huy không quân, tư lệnh cho phép, tôi truyền lại cho Phạm Tuân để báo cho Đặng Dũng chỉ huy.
Liền sau là tại Sở chỉ huy không quân, tôi nghe Phạm Tuân trả lời các hướng bay 180 độ, 190 độ rồi 200 độ. Tôi còn nghe Phạm Tuân trả lời “nghe rõ, thảo nguyên”. Thảo nguyên là tên mật của sở chỉ huy Mộc Châu. Trên bản đồ sở chỉ huy không quân, chúng tôi và sở chỉ huy các trung đoàn ở phía trong đều bị nhiễu rất nặng, toàn bộ các radar dẫn đường đều bị nhiễu điện tử vô hiệu hóa, tôi chỉ còn theo dõi trận chiến đấu qua đường vẽ của tiêu đồ xa.
Trong khi đó, trên tai tôi tiếp tục nghe Phạm Tuân nhắc lại mệnh lệnh “ném thùng dầu phụ”, “tăng lực vọt lên độ cao 10 ngàn mét”. B-52 gần đến biên giới, chuyển hướng bay vào Hà Nội theo đường số 6.
Trên tai tôi lại nghe Phạm Tuân nhắc lại “hướng bay 70 độ” và “nghe rõ, cự ly 7km” rồi tiếng reo của Phạm Tuân “phát hiện B-52”, “Tốc độ 1.000 km/giờ”, “mở công tắc quân giới”, và “nghe rõ, bình minh” tức là sở chỉ huy Mộc Châu vẫn giữ “thói quen” cho mở radar trên Mig-21, thông báo cự ly cho Phạm Tuân xạ kích. Trên tai tôi nghe Phạm Tuân nhắc lại lần cuối cùng “nghe rõ, hướng bay 360 độ, độ cao 2.000 mét, cháy rất to”.
Sau này, trong hội nghị rút kinh nghiệm trận chiến đấu, Thiếu tá Lê Liên nói “Đặng Dũng rất tỉnh táo, xin phép dẫn đường cho Phạm Tuân, tôi thấy rõ địch, ta rất tốt, thời cơ vô cùng thuận lợi. Tôi đồng ý cho Đặng Dũng liên lạc với Phạm Tuân và yêu cầu Phạm Tuân đi theo sự dẫn dắt của Sở chỉ huy Mộc Châu. Chúng tôi chịu trách nhiệm dẫn đường cho Mig-21”.
Trong thời điểm cực kỳ căng thẳng, việc chịu trách nhiệm trước binh chủng, dẫn đường cho Phạm Tuân bắn rơi B-52, Thiếu tá Lê Liên đã tỏ rõ bản lĩnh của một sĩ quan chỉ huy. Anh đã cùng với Đặng Dũng, người sĩ quan dẫn đường tài giỏi, bình tĩnh, khôn khéo đưa Phạm Tuân chiếm lĩnh vị trí vô cùng thuận lợi, tạo thế chiến thuật có một không hai, làm nên chiến công đầu bắn rơi B-52 của không quân nhân dân Việt Nam.
Để kết thúc bài viết này, tôi muốn thông tin đến bạn đọc, Thiếu tá Lê Liên, nay là Đại tá, đang sống những ngày cuối cùng với bệnh tật hiểm nghèo làm cho ông mất trí nhớ; hiện ông đang ở phố Vương Thừa Vũ quận Thanh Xuân, Hà Nội. Còn Thiếu úy Đặng Dũng, anh về hưu sớm với quân hàm Thiếu tá, đang làm bảo vệ tại Trường Mầm non An Dương, khu Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
LÊ THÀNH CHƠN