
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), ông Hà Kim Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, đã chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về hành trình hòa giải, hợp tác giữa hai dân tộc.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, nhìn lại chặng đường 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, ông đánh giá thế nào về quá trình hòa giải, hàn gắn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ?
* Ông HÀ KIM NGỌC: Tôi có may mắn được chứng kiến quá trình phát triển quan hệ Việt - Mỹ từ khi hai bên còn ở hai “chiến tuyến” trong “chiến tranh lạnh” cho đến khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam (năm 1994), bình thường hóa quan hệ ngoại giao (năm 1995)... và hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện (năm 2023).
Đó là một quá trình không dễ dàng và không phải lúc nào cũng suôn sẻ, vì sự khắc nghiệt của lịch sử, vì sự khác biệt về thể chế chính trị và cả vì hai bên chưa thật sự hiểu nhau. Song điều xuyên suốt là quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước về xây dựng mối quan hệ mới, từ những bài học quý giá được đúc rút trong lịch sử. Hai bên cùng nỗ lực tranh thủ thời cơ, đưa quan hệ lên tầm mức mới, chứ không để nó “vuột mất” như đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Và hai bên đều trân trọng những thành quả đạt được, đều ý thức rõ cần giữ gìn và tiếp tục phát huy thành quả đó.
Tính từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tháng 7-1995 đến nay sắp tròn 30 năm. Việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ từ Đối tác toàn diện (năm 2013) lên Đối tác Chiến lược toàn diện (năm 2023), bỏ qua Đối tác chiến lược có thể xem là một điều đặc biệt?
* Nhìn lại 30 năm qua, chính chúng tôi, những người trong cuộc, vẫn cảm thấy đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của quan hệ hai nước. Về quan hệ song phương, theo các bước tuần tự, sẽ từ Đối tác toàn diện, đến Đối tác chiến lược, rồi Đối tác Chiến lược toàn diện. Nhìn bề ngoài, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ dường như không theo thông lệ này. Nhưng trong 10 năm, kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (năm 2013), chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và vững chắc của hợp tác Việt - Mỹ trên tất cả 9 trụ cột của quan hệ, trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam và Mỹ đều coi trọng nhau trong chính sách đối ngoại của mỗi nước... Hợp tác Việt - Mỹ thực sự đã đạt chất “chiến lược” trên tất cả các trụ cột, các lĩnh vực của quan hệ Đối tác toàn diện và việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện là gọi đúng tên, đúng tầm mức của mối quan hệ đó.
Theo ông, những yếu tố nào đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hòa giải, hàn gắn giữa 2 dân tộc Việt - Mỹ và giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước?
* Khi được giao nhiệm vụ mở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco vào năm 1997, tôi cảm nhận được phản ứng không thuận lợi, khá gay gắt từ một bộ phận trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. Chúng tôi đã nỗ lực bằng mọi cách để cho bà con thấy rằng việc mở một cơ quan đại diện ở đây là vì lợi ích của đất nước và của chính bà con.
Tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất chính là sự phát triển lớn mạnh của đất nước, vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định trong cộng đồng quốc tế. Quan điểm của Chính phủ Mỹ đối với Việt Nam thay đổi, quan hệ chính thức giữa hai nước ngày càng được cải thiện và chính sách của Đảng, Nhà nước ta coi đồng bào ta ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không tách rời của dân tộc, tất cả đã dần dần làm thay đổi nhận thức và tình cảm của bà con.
Đặc biệt, một số cá nhân là các cựu chiến binh Mỹ, tiêu biểu như Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ John Kerry, những người từng chiến đấu ở Việt Nam, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục nội bộ Mỹ vượt qua các rào cản để bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Hai ông John từng như con đê chắn sóng, chống lại những mưu đồ phá hoại quan hệ hai nước. Việc các cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam có thể được coi như “ngọn hải đăng” trong suy nghĩ của người Mỹ về quan hệ với Việt Nam. Đây là một nét đặc thù thú vị và may mắn cho quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ.
Về phía cộng đồng người Việt tại Mỹ, một số quan chức cao cấp, tướng lĩnh Sài Gòn trước đây như ông Nguyễn Cao Kỳ, ông Đỗ Mậu… đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm thừa nhận thực tế khách quan và ủng hộ bình thường hóa quan hệ cũng đã có ý nghĩa hết sức tích cực. Sau này, người Việt sang học tập, kinh doanh, định cư tại Mỹ lại tiếp tục góp phần chuyển hóa nhận thức của cộng đồng, tạo ra bầu không khí ngày càng thân thiện hơn.
Hiện đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có “làn sóng” đầu tư như kỳ vọng. Ông nghĩ sao?
* Tôi cho rằng đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam trên thực tế lớn hơn so với con số thống kê khá nhiều, vì các doanh nghiệp Mỹ thường không chỉ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam mà còn đầu tư thông qua các nước và vùng lãnh thổ khác như Singapore, Hồng Công… Theo ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, tổng số đầu tư của Mỹ vào Việt Nam có thể lên tới hàng chục tỷ USD, chứ không chỉ 10 tỷ USD như thường được nhắc đến.
Dù vậy, tôi cũng cho là tiềm năng chưa được khai thác hết. Để đón được “làn sóng” đầu tư từ công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn mà chúng ta đang rất mong đợi, hiện Việt Nam đang có điều kiện rất thuận lợi là đã có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Mỹ, khẳng định được sự tin cậy - vốn rất quan trọng, nếu không muốn nói là yếu tố tiên quyết trong hợp tác về công nghệ. Vấn đề còn lại, cũng như khi ta muốn thu hút đầu tư từ bất cứ nền kinh tế nào, là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo sự minh bạch, thông thoáng, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.
Trong nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Riêng trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 119,5 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính đến năm 2025, Việt Nam có hơn 30.000 sinh viên học tập và nghiên cứu tại Mỹ, đứng thứ 5 toàn thế giới và đứng đầu trong các nước ASEAN. Hợp tác về khoa học - công nghệ, y tế… cũng có những bước tiến lớn. Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh được duy trì và đạt kết quả tích cực.