Tại Hội nghị tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân do Chính phủ tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhìn nhận: “Nhiều nơi, chính quyền rất sợ nhận đơn khiếu kiện và họ thường tìm cách đẩy đi càng sớm càng tốt…”. Làm thế nào để không xảy ra chuyện dưới “đẩy” lên, trên “dội” xuống? Sau khi UBND TPHCM ban hành Quyết định 132 về tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Phó Chánh thanh tra TP Hoàng Đức Long cho biết:
Theo Luật Khiếu nại, tố cáo, mọi công dân, cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức - khi có căn cứ cho rằng: quyết định hành chính đó trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của họ. Việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo theo nguyên tắc và thẩm quyền: Cơ quan nào ban hành quyết định hành chính, hoặc có hành vi hành chính bị khiếu nại thì cơ quan đó phải giải quyết lần đầu.
° PV: Thưa ông, luật quy định là vậy, nhưng thực tế vẫn còn nhiều trường hợp khiếu kiện vượt cấp.
° Ông HOÀNG ĐỨC LONG: Cấp trên chỉ nhận đơn và giải quyết khi cấp dưới đã ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng người dân không chịu. Luật quy định, trong vòng 30 ngày (45 ngày đối với các trường hợp phức tạp), nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của nơi ban hành quyết định hành chính, người dân có quyền gửi đơn khiếu nại lên cấp trên yêu cầu được giải quyết khiếu nại lần 2. Thời gian giải quyết là 45 ngày (60, 70 ngày đối với trường hợp phức tạp). Nếu quyết định giải quyết lần 2 của cấp trên vẫn chưa thỏa đáng, người dân có quyền khởi kiện ra tòa hành chính. Những trường hợp khiếu nại vượt cấp không đúng quy định đều bị trả về.
° Thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp cấp TP “dội” đơn về quận huyện không chịu giải quyết, hoặc nhận đơn nhưng lại “ngâm”?
° Đó là những trường hợp quận huyện chưa ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Khi người dân mang đơn khiếu nại lên TP mà chứng minh được cấp quận huyện đã ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì thanh tra mới tham mưu cho UBND TP ra quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 cho người dân.
° Thưa ông, thực tế vẫn có tình trạng nơi này “đẩy” cho nơi kia, hoặc không hướng dẫn người dân khiếu kiện đúng nơi đúng chỗ?
° Cái chính là người dân khi đi khiếu nại các quyết định hành chính phải biết “gõ cửa” đúng nơi. Nếu khiếu nại về đất đai thì phải “gõ cửa” Sở Tài nguyên và Môi trường, nhà ở thì Sở Xây dựng, đền bù giải tỏa thì Thanh tra TP, lĩnh vực kinh doanh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư… Tương tự, ở cấp quận huyện và phường, xã, thị trấn cũng vậy.
° Người dân đi khiếu nại các quyết định hành chính cần có những thủ tục gì, thưa ông?
° Công dân đi khiếu nại các quyết định hành chính cần có các giấy tờ sau: Thứ nhất, các quyết định, văn bản hành chính để chứng minh đã làm thiệt hại cho mình; thứ hai, cung cấp xem cơ quan nào đã ban hành quyết định hành chính và đã được giải quyết khiếu nại lần đầu hay chưa. Nếu có quyết định rồi thì không chuyển trả về cơ quan đã có quyết định hành chính, mà phải thụ lý và giải quyết bước tiếp theo cho người đi khiếu nại.
Cũng cần nói thêm, luật mới (Luật bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo) mở rộng quyền khiếu nại cho người dân ở chỗ: nếu quá thời gian 30 ngày mà nơi ra quyết định hành chính không giải quyết khiếu nại lần đầu thì người dân có quyền khởi kiện ra tòa hành chính, chứ không cần khiếu nại lên cấp trên của cấp đã ra quyết định hành chính.
° Xin cám ơn ông.
PHẠM HOÀI NAM (thực hiện)