Mặc dù ngày càng được hoàn thiện song pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều điều bất cập, chồng chéo khiến cho các vụ khiếu nại về đất đai luôn chiếm đại đa số trong các vụ khiếu nại, khiếu kiện nói chung. Cũng chính vì lý do này, Quốc hội đã thực hiện giám sát công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị trong kỳ họp này.
Không quá khó để “nhặt” ra những hạn chế, bất cập trong pháp luật về đất đai. Ví như, trong khi điều 49 Luật Đất đai 2013 quy định: “Quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”, thì trong các điều 89, 90, 91 về cấp phép xây dựng của Luật Xây dựng 2014 lại quy định: “Điều kiện để cấp phép xây dựng là phải phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt. Nếu không phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt, chỉ được cấp phép xây dựng có thời hạn. Chủ đầu tư phải tự tháo dỡ công trình khi hết thời gian xây dựng, nếu không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế và phải chịu toàn bộ chi phí cưỡng chế”.
Trên thực tế, quy hoạch xây dựng gần như đã được “phủ” hết các thành phố, do trong Luật Xây dựng 2014 yêu cầu phải có quy hoạch để có cơ sở cấp phép xây dựng nên hầu hết các thành phố đã lập xong quy hoạch xây dựng, song do nguồn lực có hạn, ở rất nhiều địa phương những quy hoạch được đưa vào chuẩn bị thực hiện (được đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm) không nhiều. Ấy thế nhưng, căn cứ vào Luật Xây dựng 2014, các cơ quan cấp phép vẫn cấp phép xây dựng có thời hạn cho người dân ở cả những nơi chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Khi có khiếu nại thì nhiều cơ quan cấp phép trả lời “thuộc ngành xây dựng nên vận dụng Luật Xây dựng”?! Hiện tại, chi phí xây dựng tạm một ngôi nhà cấp 4 ít nhất cũng khoảng 80 triệu đồng. Với mức lương của công nhân, bao giờ họ mới tích lũy được con số đó để rồi tới lúc phải phá bỏ, không được đền bù?
Cũng căn cứ Luật Xây dựng 2014, nhiều địa phương không chấp thuận cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng, dù rằng khu vực đó đã đô thị hóa và giá đất theo thị trường đã là đất đô thị. Hầu hết các dự án xây dựng tại TPHCM chậm tiến độ do đền bù, đều vướng ở khâu này. Mặc dù TPHCM đã có kế hoạch vận dụng Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho thành phố để cho phép người dân được chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở tại một số khu vực… nhưng căn cơ hơn vẫn là sửa luật.
Tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TPHCM mới đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã “ngậm ngùi” nói về thủ tục đầu tư đang “hành” họ. Mặc dù lãnh đạo TPHCM đang cố gắng “gỡ” nhưng nhiều vấn đề còn liên quan tới các bộ ngành, thậm chí các quy định của pháp luật như về đất công, về quy trình phê duyệt dự án… nên cũng còn phải chờ. Doanh nghiệp chờ, nhưng thiệt thòi chung là của xã hội. Dự án lâu được triển khai, đồng vốn bị “chôn”, còn nếu là tiền đi vay thì “lãi mẹ, đẻ lãi con”… tất cả chắc chắn sẽ được tính vào giá thành xây dựng.
Ở chiều ngược lại, nhiều quy định về quy hoạch phát triển đô thị đã không được thực thi nghiêm. TPHCM đã lập được nhiều đồ án quy hoạch phát triển đô thị có chất lượng, thế nhưng, thực tế hiện nay TPHCM vẫn đang phải đối mặt với vấn nạn ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường mà chưa biết bao giờ mới xử lý rốt ráo. Tại sao? Đó là vì chưa mạnh tay xử lý, kỷ luật các cán bộ không thực thi đúng quy hoạch. Đây chính là kẽ hở cho các nhóm lợi ích thao túng đất đai, trục lợi.
Lấy lợi ích người dân làm trung tâm trong xây dựng pháp luật về đất đai chính là chìa khóa của phát triển bền vững. Chỉ khi người dân được đảm bảo đầy đủ quyền lợi hợp pháp của mình thì họ mới sẵn sàng ủng hộ các chương trình phát triển đô thị, và đây cũng là cơ sở để thực hiện chủ trương đầy tính nhân văn “Không ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước.