Người dân Thổ Nhĩ Kỳ tại 6 nước châu Âu từ ngày 27-3 đến 9-4 đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp đưa Thổ Nhĩ Kỳ từ nước theo chế độ nghị viện thành nước theo chế độ chính phủ do tổng thống điều hành (tổng thống chế). Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra ngày 16-4.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đi bỏ phiếu ở Đức
Cử tri chia rẽ
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức, Áo, Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ và Đan Mạch đi bỏ phiếu trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu căng thẳng liên quan đến vấn đề sắc tộc. Chỉ riêng ở Đức, trong số gần 3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ thì có phân nửa đủ tiêu chuẩn đi bỏ phiếu. Tổng cộng có 3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đi bỏ phiếu tại 120 phái bộ của Thổ Nhĩ Kỳ ở 57 nước.
Theo các cuộc thăm dò dư luận trước bỏ phiếu, hiện có nhiều ý kiến trái chiều về cải cách hiến pháp. Những người ủng hộ chuyển đổi thể chế cho rằng Chính phủ hiện nay đã làm tốt vai trò của mình trong 15 năm qua nên tăng cường quyền lực của tổng thống. Theo họ, để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia mạnh mẽ và có tương lai tốt đẹp hơn, họ bỏ phiếu ủng hộ chính phủ hiện nay, với sự lãnh đạo của ông Erdogan.
Chế độ chính phủ do tổng thống điều hành giúp tăng thêm nhiều quyền lực cho Tổng thống hiện nay là ông Recep Tayyip Erdogan. Tuy nhiên, những ý kiến bày tỏ quan ngại rằng cải cách hiến pháp được thông qua sẽ tăng quá nhiều quyền hạn cho Tổng thống Erdogan. Trong khi đó, trên các đường phố ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, 2 phe ủng hộ và phản đối vẫn tiếp tục các cuộc tuần hành vận động người dân. Phe vận động ủng hộ kêu gọi người dân bỏ phiếu “có” vì một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước trong khi phe phải đối đề nghị người dân bỏ phiếu “không”, vì tương lai cho thế hệ sau.
Canh bạc của Tổng thống Edorgan
Từ vai trò thủ tướng, ông Erdogan được bầu làm Tổng thống vào năm 2014 với nhiệm kỳ 5 năm và đóng vai trò tích cực hơn so với những người tiền nhiệm. Ngay cả khi kết quả trưng cầu dân ý không ủng hộ chuyển đổi thể chế Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan vẫn có thể tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống. Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao nỗ lực của tổng thống trong việc đối phó với các quốc gia bất đồng. Ông Erdogan đã gây căng thẳng với Đức và Hà Lan bằng cách so sánh chính phủ 2 nước này với Đức Quốc xã. Nhưng điều đó giúp ông giành thêm nhiều tình cảm của những người Thổ Nhĩ Kỳ không thích châu Âu. Các chuyên gia nhận xét những lời chế nhạo từ châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp họ là đối tác thương mại số 1 của Thổ Nhĩ Kỳ, một phần xuất phát từ lịch sử từ thời Đế chế Ottoman từng thôn tính nhiều nước châu Âu. Ahmet Kasim Han, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Kadir Has ở Istanbul cho rằng nếu kết quả trưng cầu dân ý ủng hộ chấm dứt chức vụ Thủ tướng và tập trung quyền lực vào tổng thống, khi đó, cánh cửa của chủ nghĩa dân túy sẽ được mở ra ở Thổ Nhĩ Kỳ theo kiểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các chính trị gia chống nhập cư ở châu Âu.
Ủy ban Venice, một cơ quan tư vấn cho Hội đồng châu Âu lo ngại rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có quyền giải tán quốc hội vì bất cứ lý do gì. Ông Erdogan đã bác bỏ các cáo buộc rằng các đề xuất trong trưng cầu dân ý để thiết lập quy tắc cai trị của một nhà độc tài. Thay vào đó, ông Erdogan cho rằng chế độ tổng thống sẽ tránh những hỗn loạn chính trị vốn đã làm rung chuyển các chính phủ liên minh của các đảng. Năm 2001, đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm mạnh trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, trong đó sự chán ghét của công chúng với các nhà lãnh đạo quốc gia đã mở đường cho việc ông Erdogan lên nắm quyền với cương vị Thủ tướng.
KHÁNH MINH (tổng hợp)