Cưa... bom
Căn nhà bề bộn thiết bị, máy móc trong con hẻm nhỏ bên hông Bệnh viện quận Bình Thạnh TPHCM trên đường Đinh Tiên Hoàng, là cơ ngơi của Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí Bửu An.
Chủ doanh nghiệp Nguyễn Quang An bồi hồi kể: “Định mệnh đã đưa tôi đến với nghề này. Đó là một buổi chiều của năm tôi học lớp 7. Trên đường đi bộ về nhà, tôi bỗng thấy khói đen bao trùm khu xóm mình. Tôi cắm đầu chạy nhanh về nhà. Đến đầu hẻm thì tôi bị chận lại. Lửa rừng rực nóng, mùi khét lẹt. Mấy chú lính chữa cháy lăn xả xông vào. Dù biết đám cháy còn cách khá xa nhà mình, nhưng khi tận mắt chứng kiến các chú lính chữa cháy cõng người già, trẻ nhỏ, khiêng đồ đạc chạy ra, tôi bỗng khóc nức nở! Ước mơ chế tạo thiết bị, máy móc khống chế ngọn lửa, chữa cháy hiệu quả từ đó hình thành và theo tôi cho đến tận hôm nay!”.
Mặc dù tốt nghiệp kỹ sư cơ khí chế tạo máy, một trong các bằng cấp có việc làm thu nhập khá ổn định lúc bấy giờ, nhưng ông An lại dành trọn thời gian của mình để nghiền ngẫm chế tạo máy móc, thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Những năm 80 của thế kỷ trước, tình hình cháy nổ, nhất là tại các khu dân cư, diễn biến phức tạp. Lực lượng chữa cháy tại chỗ được khẩn trương thành lập, nhưng phương tiện, thiết bị rất thiếu. Các cán bộ kỹ sư Sở Cứu hỏa (tên người dân quen gọi Phòng Cảnh sát PCCC lúc bấy giờ) chế tạo thành công bột chữa cháy, nhưng vỏ bình đã mục nát theo thời gian. Biết được sự thiếu hụt đó, ông An nhiều đêm thức trắng và cuối cùng lẳng lặng đi lục tìm ở mấy… vựa ve chai.
Thời điểm đó, xưởng cơ khí của cha ông An có một góc nhỏ chứa… vỏ đạn. Trưa hôm đó, đang hì hục cưa cưa, đục đục, ông An giật mình vì một cú đập mạnh trên vai. “Ngán cơm, thèm phở hay sao mà ngồi đây cưa bom?”. Ông khách lạ, sau này ông An mới biết là cán bộ kiểm tra PCCC hỏi. “Dạ! Không nổ đâu chú. Cái này chỉ là vỏ, còn thuốc bồi đã được lấy hết rồi. Con đang “chế tạo” vỏ bình chữa cháy mà!”. Ông khách lạ cầm vỏ đạn lên săm soi, rồi nói: “Vỏ bình chữa cháy đang rất thiếu. Khi nào “chế tạo” xong, cháu đem đến cho mấy chú xem nha!”.
Chưa đầy chục ngày sau, ông An đi cùng cha mang sản phẩm của mình đến Sở Cứu hỏa. Thượng tá Võ Công Bình, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC lúc đó, trực tiếp xem xét. Sau các cuộc họp nghiệp vụ, ông Võ Công Bình đặt ngay 5.000 cái vỏ bình.
Ông An cho biết: “Gần chục năm trôi qua, nhưng chất liệu thép và sơn chống gỉ sét của vỏ còn rất tốt. Vỏ bình mà nhiều nơi vẫn xem là phế liệu có rất nhiều ở các vùng chiến sự thời chống Mỹ. Bằng mối quan hệ của mình, ông Bình đã hỗ trợ tích cực các điều kiện để vận chuyển phế liệu đó về thành phố”.
Bình chữa cháy “Made in Bửu An” được sản xuất hàng loạt và trang bị cho lực lượng chữa cháy tại khu dân cư, góp phần tích cực, hiệu quả trong công tác dập tắt, ngăn chận ngay từ đầu sự phát sinh của ngọn lửa.
Luồn lách hẻm sâu
Không dừng lại ở đó, ông An tiếp tục mày mò chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ chữa cháy. Chúng tôi tìm gặp ông An và chứng kiến từ đầu việc chế tạo các sản phẩm. Những năm đầu thế kỷ 21, kinh tế phát triển, nhà cửa được sửa chữa và xây mới theo tiến trình đô thị hóa. Tuy nhiên, phía sau những dãy nhà khang trang, đẹp đẽ vẫn còn đó hàng trăm hẻm nhỏ, sâu, ngoằn ngoèo. Thực trạng này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tiếp cận và khống chế ngọn lửa. Trăn trở với thực trạng như vậy, ông An lẳng lặng chế tạo chiếc xe gắn máy chữa cháy.
Chiếc xe gắn máy được cải tạo và thêm một khung sắt nhỏ, gọn phía sau. Trong đó chứa một số thiết bị: 2 bình bọt, máy bơm vận hành bằng dầu, vòi chữa cháy, túi đựng nước… Mặc dù đã chất rất gọn gàng, nhưng khi đến hiện trường, nhất thiết phải có người giúp nâng xe, “hạ càng” chống đỡ chiếc xe gắn máy ổn định… để vận hành máy bơm! Chúng tôi ái ngại góp ý: “Anh có cách nào điều chỉnh để chiếc xe này cơ động hơn. Đến hiện trường chỉ việc vận hành máy bơm mà không phải “hạ càng”. Túi nước 50 lít thì không nhiều, xịt vài phút là hết. Bà con múc nước đổ vào cũng được, nhưng lúc ấy lụp chụp lắm. Khu dân cư, nhà nào cũng có nước! Anh khắc phục làm sao đầu vòi của mình tương thích với vòi nước sinh hoạt của người dân cũng như trụ nước chữa cháy!”. Ông An cười cười, đưa tay đẩy cặp kính cận đang xề xệ dưới mũi: “Được thôi! Tôi sẽ điều chỉnh một vài chi tiết”. Nói đơn giản vậy, nhưng việc điều chỉnh đã tốn khá nhiều thời gian.
Một buổi trưa hè nắng oi ả, ông An điện thoại cho tôi và khoe sản phẩm mới. Tôi vội vàng phóng xe đến xưởng của ông An. Đó là chiếc xe gắn máy 3 bánh với thùng xe phía sau, treo móc lỉnh kỉnh thiết bị.
Ông An hồ hởi cho biết: “Chiếc xe cơ bản đã hoàn chỉnh. Với 3 bánh ổn định, chiếc xe có thể vận hành ở mọi địa hình. Chiếc túi nước có khung xếp chắc chắn, chứa được 150 lít nước, đến nơi bị cháy chỉ việc bung ra. Còn chiếc vòi chữa cháy dài 60m, có thể đấu nối với họng nước chữa cháy và vòi nước ở nhà dân, sẽ giúp chuyển nước từ hồ nước, trụ nước đến điểm cháy. Chiếc xe này có chiều ngang 70cm, dễ dàng cơ động trong đường hẻm nhỏ 1m”. Kể từ đó, chiếc xe gắn máy chữa cháy đã tham gia ngăn chặn hiệu quả từ đầu các vụ cháy ở khu dân cư.
Điều đáng mừng là không chỉ chính quyền quận Bình Thạnh đã trang bị xe gắn máy chữa cháy cho các phường, mà nhiều quận huyện, tỉnh thành khác, thậm chí lực lượng chữa cháy của nước bạn Campuchia cũng không ngần ngại trích kinh phí để trang bị xe gắn máy chữa cháy “Made in Bửu An”.
Nuôi ước mơ với tàu chữa cháy
Mùa khô, tình hình cháy rừng lại diễn biến phức tạp. Rừng U Minh có sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, nhưng khi sự cố xảy ra thì lực lượng chữa cháy khó lòng tiếp cận. Đường rừng không có, người di chuyển còn khó khăn huống chi phải mang theo máy móc, thiết bị. Ý tưởng chế tạo tàu chữa cháy đã hình thành trong tâm tưởng của ông An. Cách đây hơn một năm, ông An đưa chúng tôi về kho hàng trên đường Bạch Đằng. Vừa đến nơi, ông An dẫn tôi ra khoảng sân sau nhà, rồi chỉ tay vào cái đống lù lù được che bạt kín mít: “Đây là chiếc tàu chữa cháy trong tương lai!”. Đó là chiếc ghe nhỏ, vỏ bằng composit, phía sau có cái guồng giống như máy cày. Vừa dứt lời, ông An leo lên tàu và bật nút vận hành. Tiếng máy nổ phành phạch, khói tuôn ra mù mịt. Sau vài lần nhịp ga, ông An đẩy cần gạt. Chiếc tàu trườn từ từ qua khoảng sân và lao xuống dòng kênh Xuyên Tâm đen ngòm. Ông An điều khiển tàu chạy vòng vòng, rồi bất ngờ dừng lại, kéo cần gạt xuống, nước từ cái vòi phía sau tuôn xối xả.
Ông An cho biết: “Chiếc tàu này vận hành máy nổ bằng xăng hoặc dầu. Nhờ cái guồng phía sau như máy cày, nó có thể hoạt động trên bờ và dưới nước. Ở trên bờ, cái guồng thép trườn qua mọi địa hình. Xuống nước thì cánh quạt đẩy tàu di chuyển. Đến hiện trường vụ cháy, chúng ta chuyển sang chế độ bơm, hút nước. Chỉ cần vài tấc nước là nó đủ sức vận hành”.
Khó khăn nhất hiện nay là khâu “hạ thủy”. Theo ông An, đưa tàu ra sông Sài Gòn thử cũng được, nhưng điều chỉnh các chi tiết để vận hành trơn tru đòi hỏi phải mang theo máy móc rất lỉnh kỉnh và cần phải có thời gian. Hướng mắt về phía sông Sài Gòn, nơi có mấy chiếc ca nô đang ngược xuôi qua lại, tung bọt nước trắng xóa, ông An thầm thì: “Khó mấy cũng ráng làm. Hy vọng nay mai sẽ thành công!”.
Hy vọng ngày ấy của ông An không còn xa…