Người giữ “lửa” nghề thổi thủy tinh

Những thập niên cuối của thế kỷ trước, xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) nổi tiếng với nghề thổi thủy tinh. Đến nay, trước sự phát triển của máy móc công nghiệp, nghề thổi thủy tinh truyền thống bị mai một nhiều. Người gắn bó lâu nhất với nghề và duy trì phương pháp thủ công, trăn trở giữ nghề, nay chỉ còn ông Hồ Xuân Gừng (72 tuổi, thôn Giáp Long).
Ông Gừng đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề thổi thủy tinh
Ông Gừng đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề thổi thủy tinh

Học nghề từ xí nghiệp kéo ống tiêm

Làng Giáp Long trước là Hợp Long, nằm sát đê sông Hồng. Ngày xưa nơi đây là vùng lau sậy rậm rạp, người dân đến lập ấp phải mất nhiều công sức khai phá mới được như ngày nay. Trước năm 1969, người dân xã Thống Nhất chủ yếu làm nông, chăn nuôi. Năm 1969, nổi lên phong trào đi làm nghề kéo thổi ống tiêm thủy tinh (ống philatop) ở các nhà máy, xí nghiệp thuộc Bộ Y tế, từ đó người dân xã Thống Nhất rủ nhau đi làm nghề rất nhiều.

Ông Gừng là một trong 3 người thợ đầu tiên đi làm nghề kéo ống tiêm (đến nay chỉ còn ông làm nghề). Gắn bó với các nhà máy sản xuất ống tiêm thủy tinh hơn chục năm, ông Gừng học được nhiều kỹ thuật và ấp ủ mang nghề về quê hương để phát triển. Đầu những năm 1970, nghề thổi thủy tinh xuất hiện ở Giáp Long với những chiếc bễ đạp gió (bễ lò rèn) đầu tiên, rồi lan rộng ra các làng lân cận như Hoàng Xá, Thượng Giáp, Bộ Đầu thuộc xã Thống Nhất.

Với sự sáng tạo và chăm chỉ, ông Gừng tận dụng những bóng đèn huỳnh quang đã qua sử dụng, sau đó nung cho bật 2 nắp nhôm, rồi đem ngâm vào nước. Bà Hồ Thị Phàn, vợ ông, là người dùng giẻ và gậy lau lớp vôi bột bên trong. Đây là nguyên liệu chính để ông Gừng thổi ra các đồ dùng thủy tinh thông dụng như bóng đèn dầu, nắp phích, ly nước, các con giống... Lúc cao điểm nhất, trong nhà ông Gừng có tới 5 bễ, huy động các con cùng làm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Xã Thống Nhất thời bấy giờ còn có hợp tác xã nghề thổi thủy tinh nức tiếng xa gần. Đến nay, nguyên liệu thủy tinh thô đã có sẵn trên thị trường, giá thành rẻ, khiến nghề đi xuống.

Tuy không ai công nhận chính thức, nhưng những thợ thổi thủy tinh ở xã Thống Nhất đều biết ông Gừng là người truyền nghề cho họ, thậm chí có người còn gọi ông là “tổ nghề”; kỹ thuật nào khó, họ đều đến nhờ ông Gừng hướng dẫn, cầm tay chỉ việc.

Truyền nghề miễn phí hàng chục thợ

Bạn đồng hành của thợ thổi thủy tinh hàng ngày là chiếc đèn khò sử dụng nguyên liệu dầu truyền thống (dầu diesel). Đèn khò gồm 9 đầu lửa khò cuốn lại bằng 6 sợi bấc, đặt trong một chiếc bếp gồm 2 mảnh bê tông ghép lại, để hở khe cho lửa lên. Tiếp xúc gần với ngọn lửa ngàn độ C cả ngày, mùa hè thì giống như ngồi trong lò bát quái, nhưng những người thợ vẫn kiên trì và sáng tạo không ngừng với lửa nghề.

Ông Gừng kể lại: Thế hệ của tôi là đầu tiên, rồi thế hệ sau trong làng cứ truyền nghề cho nhau. Xã Thống Nhất ngày đó giàu nhất nhì huyện Thường Tín. Có người tình nguyện đến làm cho tôi để tôi dạy nghề, có người mời tôi về nhà họ dạy nghề, trả công đơn giản bằng bữa cơm trưa, chứ tôi không lấy tiền, sau này, vui chuyện họ cứ gọi tôi là thầy, chứ tôi đâu dám nhận. 

Tính sơ sơ, ông Gừng đã dạy nghề cho vài chục người thành thạo, rồi mở xưởng hưng thịnh một thời. Tuy đến nay, nhiều người đã chuyển sang nghề khác, nhưng niềm tự hào về nghề thổi thủy tinh Thống Nhất luôn nằm trong ký ức của người dân nơi đây.

Ngoài thổi đồ gia dụng, ông Gừng còn có biệt tài thổi hình các con vật như hươu, cò, rùa, cây thông, bông hoa, cái nhà... hết sức điêu luyện như một nghệ nhân điêu khắc bằng hơi. Thậm chí, ông Gừng còn thổi thành bộ cảnh quê Việt Nam, bộ đón Giáng sinh, bộ 12 con giáp... Tuy nhiên, mặt hàng con giống thủy tinh khó bán, lại hay vỡ, gãy nên chỉ khi có ai đặt thì ông Gừng mới thổi.

Sản phẩm phổ biến nhất từ thủy tinh là đèn dầu. Phần thân đèn thổi bằng thủy tinh nhập ngoại, có độ dày và nhiệt độ nóng chảy cao hơn (trên 1.0000C). Dùng đèn khò thắp lửa với nhiệt độ phù hợp, khi thổi phải xoay sản phẩm liên tục trên ngọn lửa, phối hợp miệng thổi sao cho đều. Thủy tinh mới cho vào lửa có màu xanh, đến độ sẽ có màu trắng và thổi theo ý muốn. Người thợ phải hình dung được sản phẩm mình làm trước, cảm nhận được độ chín của thủy tinh. Trong quá trình thổi phải tập trung, chính xác, nếu không sẽ méo mó, biến dạng và sản phẩm bị hỏng, đó là một số kỹ thuật mà ông Gừng đã đúc kết được trong quá trình lăn lộn với nghề. 

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, nhìn ngôi nhà cấp 4 ông Gừng và con đang ở thì biết, nghề thổi thủy tinh không đem lại thu nhập cao, chủ yếu lấy công làm lời, cho dù đòi hỏi rất nhiều kỹ nghệ, sự vất vả, kiên trì, sức khỏe của người thợ thổi. Mỗi làng trong xã Thống Nhất chỉ còn một xưởng làm theo lối công nghiệp, ngoài ông Gừng, còn một số người thợ trẻ gắn bó với nghề như anh Tiến, anh Trãi, chị Ngà, anh Tuấn Anh… Họ thổi bằng khí gas và bình oxy nên ít vất vả hơn ông Gừng. Ba người con ông Gừng đều không theo nghề khi thấy công việc vất vả và thu nhập bấp bênh.

Giữ nghề vì còn yêu

Năm nay đã bước sang tuổi 72, trông ông Gừng vẫn rất phong độ như mới ngoài 50. Ông Gừng làm nghề “nhìn lửa, thổi lửa” mà không cần đeo kính, mắt vẫn rất tinh tường, tiếng lửa và mô tơ ù ù khá to cả ngày nhưng chẳng làm tai ông bị nghễnh ngãng, đặc biệt lưng ông vẫn rất khỏe không bị đau, ông vẫn tự mình đi xe máy để giao hàng khắp nơi. Dường như ông Gừng sinh ra đã thuộc về nghề này, ngọn lửa chỉ tôi thêm sức chịu đựng của ông với thời tiết hay tuổi già.

Đối với một người thợ lành nghề như ông Gừng, một ngày làm hết công suất chỉ cho thu nhập khoảng 150.000-200.000 đồng. Đó là khi có người đặt hàng, nếu không chỉ làm để đó, lại phải hao tốn tiền điện và tiền dầu (hoặc oxy nếu xưởng dùng bình oxy).

Nỗi trăn trở của ông Gừng cũng như một số người thợ còn đang theo nghề là giữ được nghề như một nét văn hóa của xã Thống Nhất nói chung. “Đã từng có thời điểm, chúng tôi đi đến đâu cũng đều thấy người dân sử dụng thủy tinh Thống Nhất và họ khen độ tinh xảo, mềm mại của sản phẩm, đó là niềm tự hào rất lớn với người thợ chúng tôi. Nay máy móc thay thế, đồ nhựa nhiều, khiến thợ thổi thủy tinh ít việc dần. Tôi giữ nghề một phần vì có thu nhập, một phần cũng là ký ức về những ngày tháng mưu sinh, sáng tạo cùng nghề”, ông Gừng chia sẻ.

Ông Gừng còn gọi nghề thổi thủy tinh là nghề bán hơi, còn thở được thì còn bán hơi, bao giờ ngừng thổi, hết hơi, tự sẽ bỏ nghề. Nghề thổi thủy tinh cũng giúp ông nên duyên đôi lứa với bà Phàn gần 50 năm, hai vợ chồng cùng ngồi bên ngọn lửa, thấu hiểu nỗi vất vả của nghề.

Chiếc bễ lò rèn truyền thống còn lại cuối cùng ở xã Thống Nhất của ông Gừng, được nhiều người vui chuyện gọi là cổ vật. Mỗi khi nhìn thấy bễ, thấy ông Gừng vẫn cặm cụi làm việc, ai cũng nhớ về thương hiệu thủy tinh Thống Nhất một thời nức tiếng miền Bắc. Nhà nhà, người người thổi thủy tinh ăn đứt cả máy móc công nghiệp lúc bấy giờ cả về số lượng lẫn chất lượng. Người thợ cả Hồ Văn Gừng năm nào giờ tóc đã bạc trắng, chỉ còn chiếc bễ vẫn nguyên sơ với thời gian.

Làng nghề thổi thủy tinh Thống Nhất không phải làng nghề truyền thống lâu đời, những người như ông Gừng cũng không được gọi là nghệ nhân, cho dù ông có bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo. Tuy vậy, họ luôn trăn trở với nghề, với một thời hưng thịnh của làng quê, giữ nghề - như giữ một nét văn hóa của làng để truyền lại cho thế hệ mai sau.

Tin cùng chuyên mục