“Đi hay ở”, câu hỏi ấy cứ xoáy trong đầu anh bác sĩ có đến hơn 10 năm gắn bó với huyện ngoại thành thay vì chọn chỗ tốt hơn tại một bệnh viện ở trung tâm TPHCM. Hơn 10 năm gắn bó với Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, bệnh nhân của anh phần lớn làm nông, hay mới thoát cảnh làm nông ít lâu do đô thị hóa tràn về. Họ chân chất, hiền lành và anh - một bác sĩ quê tận miền Bắc, gắn bó với họ cũng với nét hiền hòa, dễ mến.
Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, tại một khoa có đến 16/22 bác sĩ, kể cả trưởng khoa và phó khoa xin nghỉ việc để chuyển sang bệnh viện tư có nguồn thu nhập cao hơn. Một trong những số ít người quyết định ở lại với vùng đất ngoại thành còn nhiều khó khăn, góp phần phát triển khoa trọng yếu của bệnh viện, cứu sống rất nhiều bệnh nhân là bác sĩ Trịnh Minh Trí, 35 tuổi, sau 4 tháng đảm nhiệm chức Phó khoa, nay chưa tròn năm là Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi TPHCM.
Bác sĩ Trịnh Minh Trí thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại khoa
Năm 2004, bác sĩ Trịnh Minh Trí về đầu quân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Không như nhiều người bạn chọn môi trường làm việc hiện đại, bác sĩ Trí lại chọn điểm đến Củ Chi để rèn sức mình. Ngày ấy, khó khăn đến với anh cũng như những đồng nghiệp của mình không chỉ là trang thiết bị thiếu thốn, áp lực công việc đè nặng vì là bệnh viện tuyến ngoại thành ngay cửa ngõ thành phố hay thu nhập thấp mà còn ở niềm tin của người dân địa phương và vùng lân cận vào đội ngũ bác sĩ cứu người chưa trọn vẹn. Nhưng rồi anh nhìn vào những đồng nghiệp đàn anh đi trước, ai cũng tâm huyết cứu người bằng tất cả khả năng của mình. Anh cảm thấy ai cũng có trong mình ngọn lửa và chuyền tay nhau ngọn lửa ấy để tiếp tục gắn bó lâu dài với mảnh đất Củ Chi còn nhiều khó khăn. Tất cả đã níu anh ở lại, tiếp tục rèn mình…
Năm 2014, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi diễn ra “cơn bão chuyển dịch chất xám”, nhiều bác sĩ sau khi được đào tạo nâng cao chuyên môn đã xin nghỉ, bỏ ra ngoài làm cho một bệnh viện tư vừa xây mới với thu nhập cao hơn. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, có đến gần 60 bác sĩ của bệnh viện ra đi, trong đó riêng tại khoa Ngoại tổng hợp có đến 16/22 bác sĩ nộp đơn xin chuyển, kể cả trưởng và phó khoa, gây thiếu hụt bác sĩ trầm trọng trong công tác điều trị bệnh nhân.
TS-BS Phạm Văn An, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi cho biết: “Không thể trách anh em chọn nơi công tác mới có điều kiện khá hơn, nhưng chính dịp này lại là cơ hội cho nhiều y bác sĩ trẻ ở lại trui rèn năng lực, thể hiện khả năng nhiệt huyết của mình. BS Trịnh Minh Trí là người thể hiện rõ nhất điều đó”.
Có lẽ với đồng nghiệp và cả những bệnh nhân ở bệnh viện này, không thể quên được hình ảnh anh bác sĩ thấp đậm, rám nắng thường xuyên có mặt trong những ca mổ khó, hay có mặt ngay giường bệnh nặng để chia sẻ với bệnh nhân, dù chỉ là điều nhỏ nhất như một lời động viên hay đơn giản là cái nắm tay thật chặt. Bác sĩ Minh Trí và đồng nghiệp của mình đã thực hiện hàng trăm ca mổ giành giật sự sống cho bệnh nhân. Trong điều kiện bệnh viện tuyến dưới, xa các bệnh viện tuyến trên, việc hỗ trợ hay chuyển viện không đơn giản, anh đã thực hiện những ca mổ khó mà trước đây tưởng chừng chỉ có bệnh viện lớn mới làm được. Đó là những lần cứu sống bệnh nhân bị thủng tim, dập rách phổi, vỡ gan phức tạp, bệnh nhân vừa ngưng tim ngưng thở… Có lẽ, nụ cười và cả những giọt nước mắt của gia đình bệnh nhân mới chính là động lực chính để vị bác sĩ trẻ này vượt khó, bám trụ với mảnh đất Củ Chi lâu đến vậy.
Hiện nay, bác sĩ Minh Trí vừa làm công tác quản lý vừa làm công tác chuyên môn, trung bình mỗi tuần anh trực tiếp đứng phẫu thuật 20-30 ca. Thế nhưng, có ngày cao điểm, không ai nghĩ bác sĩ Minh Trí phải phẫu thuật đến 10-15 ca, từ 9 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Trong ca trực, dường như các đồng nghiệp không thấy anh có thời gian nghỉ ngơi: vừa buông dao kéo rời phòng mổ, anh phải vội lao xuống phòng cấp cứu cùng hội chẩn ca bệnh, rồi chạy vội lên phòng mổ chuẩn bị cho ca phẫu thuật kế tiếp…
Nói về “đồng nghiệp” chồng, chị Nguyễn Thị Hương Thảo (điều dưỡng tại bệnh viện), chia sẻ: “Trước đây tôi làm điều dưỡng khu phòng mổ của bệnh viện, đầy áp lực, nhưng công việc của anh Trí còn áp lực nhiều hơn, trong ngày phải giải quyết nhiều ca bệnh nặng. Vì thế tôi xin chuyển về làm giờ hành chánh ở khu phòng khám, tiện việc lo cho gia đình và 2 con nhỏ, để anh Trí yên tâm cho công tác chuyên môn. Nhiều đêm không phải ca trực, nhưng trong bệnh viện có ca bệnh nặng, dù nửa đêm về sáng anh ấy cũng vào mổ cứu bệnh nhân”.
Trong số 14 bác sĩ đang làm việc tại khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, có đến 8 bác sĩ trẻ, đặc biệt 5 bác sĩ mới ra trường. Theo bác sĩ Trịnh Minh Trí, nhờ có truyền thống thế hệ đi trước tận tình dạy dỗ thế hệ sau, người ra đi cũng là phục vụ bệnh nhân, người ở lại vẫn cố gắng “giữ lửa” hỗ trợ nhau, tạo nên một tập thể vững mạnh.
TRƯƠNG NGỌC