Đợt lũ lụt vừa qua, tuyến đường ĐT 641 từ thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An lên thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) bị ngập sâu trong nước. Bí đường, chúng tôi phải bộ hành trên đường sắt. Đi một đoạn thì thấy mấy người già nắm tay một người đàn ông nói lời cảm ơn. Hỏi ra mới biết, người đàn ông ấy đã giúp nhiều người chạy lũ. Ông tên Nguyễn Ngọc Hùng (49 tuổi) ở thôn Định Trung 2, xã An Định (huyện Tuy An).
Bỏ ăn giữa bữa trưa
Đợt lũ muộn xảy ra trung tuần tháng 12 vừa qua khiến nước lớn tràn vào ngập xóm. Ông Hùng đang ăn bữa trưa, nghe tiếng kêu la của người dân nên vội bỏ chén cơm, chụp cái nón đội đầu, quơ cái áo mưa mặc vào người rồi băng qua đường sắt tới những nhà đang ngập nước dọn đồ đạc giúp lối xóm. Ở cùng xóm nên ông biết nhà nào có người già đơn chiếc, ông đến dọn trước, rồi mới đến phụ mấy nhà còn lại. Hôm đó, ông Hùng chạy đến nhà bà Hai Thọ (Trương Thị Thọ), tuổi già sống một mình, bà đang vất vả bê thùng gạo chất lên trên cái bàn để khỏi ướt. Nhà bà Thọ không có gác lửng nên ông Hùng hối bà đi chạy lụt rồi vội vác lúa, các vật dụng khác giùm bà chạy lên nhà cao gửi nhờ.
Trước đó, đợt lũ lụt vào đầu tháng 11 nước lớn tràn về ban đêm. Gần 1 giờ sáng, ông Hùng đang ngủ bỗng nghe tiếng người la hét, tiếng bò kêu trong đêm tối; ông bật dậy xỏ vội đôi dép chạy ra ngoài giữa lúc trời mưa để bà con xóm trũng. “Hôm đó nước đổ về nhanh quá, tôi đến nơi nước mới ngang đầu gối, vác vội mấy bao lúa chạy đi gửi nhờ, khi chạy trở lại thì nước đã ngang bụng nên chỉ giúp bà con trong xóm vác một bao nữa thôi, còn toàn bộ bị ngập lụt hết. Thấy bà con đứng thất thần nhìn tài sản chìm trong nước, tôi ứa nước mắt theo”, ông Hùng nói.
Sau đó, ông Hùng tiếp tục chạy đến những nhà “còn dọn được”. ông dùng dây buộc bao lúa “treo” lên cây đòn tay nhà, rồi bưng các vật dụng khác đi tránh lụt, ôm chiếc tivi đem lên gác, ẵm con heo con bỏ lên sõng... cứ thế hì hục đến gần trưa.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng chuyển đồ giúp bà con tránh lũ
Ơn nghĩa gói mì
Địa hình thôn Định Trung 2 ở vùng trũng. Vào mùa mưa lũ, khi hồ Phú Xuân (huyện Đồng Xuân) ở thượng nguồn sông Cái (hay còn gọi sông Kỳ Lộ) xả lũ, nước chảy xuống hạ lưu tràn vô xóm nhà. Có lúc cùng thời điểm, hồ Đồng Tròn (huyện Tuy An) cũng xả lũ chảy qua cầu Cây Cam (phía dưới thôn Định Trung 2), tạo thành ngã ba dòng nước lũ “kẹp” lấy thôn Định Trung 2, vì vậy thôn này bị ngập thường xuyên. Có năm lũ cũ chưa rút, lũ mới chồng lên khiến người dân chạy đuối sức. Thường thì tháng 11 hết lũ, nhưng năm nay lũ lớn đã “tràn qua”… tháng 12.
Nhà ông Hùng đối diện tuyến đường sắt và nền nhà cao hơn đường sắt một gang tay nên không bị ngập lụt, vì thế ông có thời gian dọn đồ “chạy nước” giùm bà con lối xóm. Sau lũ, ông Nguyễn Văn Hà, thôn Định Trung 2, chỉ tay lên vách nhà - nơi đợt lũ vừa qua nước dâng ngập còn in dấu “gạch ngang” trên vách gần đụng máng thượng, nói: “Trận lụt vừa rồi nước tràn vào nhà, tôi già cả lo dọn đồ trong nhà. Khi chợt nhớ lại, nhìn ra sau hè thì thấy con bò đang kẹt cứng trong chuồng, may quá lúc ấy cháu Hùng bơi đến tháo cổng lùa bò qua đường sắt. Không có cháu Hùng chắc con bò tôi chận rẽ (chăn thuê) chết nước rồi, tiền đâu mà bồi thường cho chủ”.
Ông Hà kể tiếp: “Khi lũ rút, nhà tôi trong diện ngập sâu nên được các nhà hảo tâm mang mì gói, bột ngột, dầu ăn đến tặng. Mang ơn cháu Hùng, tôi đem tặng lại mấy gói mì nhưng cháu không nhận. Tôi giận hờn trách và “ép” quá cháu Hùng mới nhận”.
Ông Huỳnh Ngọc Hân, Trưởng thôn Định Trung 2, cho biết: “Xóm nhà này gần nhà quản lý cung đường tàu lửa nên gọi là xóm Ga. Ở hai bên đường ray là vùng trũng nên thường xuyên bị ngập lụt, một mùa mưa chạy lụt nhiều lần. Nhờ có những tấm lòng như ông Hùng giúp “chạy lụt” lúa thóc, lùa đàn bò nuôi thuê… nên người dân nghèo trong xóm rất quý ông”.
| |
MẠNH HOÀI NAM