Với đồng lương eo hẹp của một giáo viên thể dục, nhưng vì học trò, 15 năm qua, cô giáo ấy lặng lẽ đi về giữa quận 3 và quận 7. Là người đã đóng góp rất nhiều huy chương cho bộ môn judo của TPHCM, song khi được hỏi về mình, cô chỉ cười hiền giải thích “vì trót đã mang cái nghiệp”.
Đam mê mãnh liệt
Cô là Trần Vũ Thị Hiếu Hạnh, giáo viên thể dục, đồng thời cũng là huấn luyện viên đội tuyển năng khiếu judo của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3). Đam mê thể thao từ bé, từng giành rất nhiều giải thưởng, huy chương vàng cho đội tuyển judo thành phố.
Năm 1997, khi về công tác tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cô đã nuôi mơ ước phát triển bộ môn này ở nơi mình đang công tác. Song khi ấy chưa có bất kỳ quy định nào của Bộ GD-ĐT về giảng dạy thể dục tự chọn ở bậc phổ thông. Vừa đảm nhận công tác của giáo viên thể dục, vừa âm thầm biên soạn khung giáo trình riêng cho bộ môn thể thao mình yêu thích.
Đến năm 2000, khi Bộ GD-ĐT cho phép các trường triển khai giáo dục thể chất tự chọn dựa trên nhu cầu và cơ sở vật chất hiện có, cô đã xin phép ban giám hiệu đưa judo vào một trong những môn thể dục tự chọn của nhà trường. Thời gian đầu chỉ có vài lượt học sinh đăng ký, nhưng người thầy ấy vẫn không nản lòng. Âm thầm đầu tư, vun vén, không lâu sau đó, judo dần trở thành một trong những thế mạnh của ngôi trường nơi cô đang công tác, được Sở GD-ĐT TPHCM ưu tiên cấp duyệt kinh phí mở các lớp năng khiếu, đào tạo miễn phí nguồn vận động viên trẻ cho đội tuyển judo thành phố.
Dù nhận được khá nhiều ưu ái, điều kiện dạy học của thầy và trò vẫn còn nhiều hạn chế. Trang thiết bị tập luyện thiếu thốn, thời gian lên lớp gói gọn trong 4 tiết/tuần khiến giáo viên không thể truyền đạt hết kiến thức, hiệu quả luyện tập không đúng như mong đợi. Thêm một lần nữa, không chùn bước trước khó khăn, cô tự bỏ tiền túi đặt mua tài liệu tham khảo từ nước ngoài, dốc trọn cả tháng lương trang bị thêm dụng cụ cho học trò luyện tập, tình nguyện dạy tăng cường thêm buổi tối.
Đến nay, các lớp năng khiếu judo do cô phụ trách luôn duy trì ở tần suất tập luyện 12-15 tiết/tuần. “Đồng lương giáo viên thể dục không nhiều nên làm được gì cho học trò mình cứ làm, dẫu không nhiều nhưng nhìn thấy các em vui, lắm lúc chỉ là một cái đai, sợi dây đeo cũng mãn nguyện”, cô bày tỏ.
Mãi mãi một tình yêu
Hăng say là thế, song khi bất chợt hỏi về gia đình và những áp lực kinh tế, nét mặt người giáo viên ấy thoáng chùn xuống. Bố mẹ ở nhà đã già yếu nhưng bản thân chưa làm được gì nhiều cho bố mẹ. “Mấy anh, chị em khác trong gia đình đều đã yên ấm với hạnh phúc riêng, chỉ mình tôi chưa thể khiến bố mẹ an lòng. Song, do may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, cha là cán bộ công chức nhà nước, mẹ là giáo viên nay đã về hưu nên tôi nhận được khá nhiều ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần từ những người thân yêu nhất, yên tâm trọn lòng với nghề”, cô chia sẻ.
Một ngày làm việc của cô bắt đầu từ 7 giờ, chạy xe từ nhà ở quận 7 đến Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), đứng lớp đến hơn 11 giờ trưa. Nghỉ ngơi hơn 2 tiếng, 2 giờ chiều lại tiếp tục công việc đến hơn 5 giờ chiều. 6 giờ - 8 giờ 30 mỗi tối có mặt ở các lớp năng khiếu judo do Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tổ chức. “Do cùng lúc đảm nhận vai trò giáo viên thể dục cho cả 3 khối lớp 10, 11, 12 kiêm huấn luyện viên lớp năng khiếu nên khối lượng công việc hơi nhiều. Ngoài ra, vào dịp cuối tuần, tôi còn thỉnh giảng tại một số câu lạc bộ võ thuật trên địa bàn thành phố, tham gia tập huấn các lớp bồi dưỡng vận động viên trẻ do liên đoàn judo thành phố tổ chức”.
Lao động cật lực là thế nhưng thù lao nhiều buổi tập chưa đến 500.000 đồng. Song, “chỉ cần khoác lên mình bộ võ phục, bước lên sàn tập, nhìn các bạn trẻ hăng say luyện tập tôi đã thấy mình sống trọn vẹn”. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến đến nay cô vẫn một mình lặng lẽ đi về? Thoáng chút ngập ngừng, người phụ nữ sinh năm 1975 dí dỏm trả lời: “Đã qua nửa kia sườn dốc, nhiều người lo ngại tôi không còn đủ sức theo đuổi nghề. Nhưng lửa đam mê chưa tắt, tôi sẽ còn gắn bó với judo thêm vài chục năm nữa. Chẳng phải đó là tình yêu lớn nhất rồi đó sao?”.
Lặng lẽ “đưa đò”
Đáp lại tất cả những cống hiến và hy sinh thầm lặng đó, vừa qua, cô vinh dự là một trong số ba mươi giáo viên nhận giải thưởng Võ Trường Toản do Báo SGGP kết hợp cùng Sở GD-ĐT TPHCM, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam trao tặng.
Trước đó, cái tên Trần Vũ Thị Hiếu Hạnh cũng từng in dấu trên rất nhiều bằng khen do UBND TPHCM và Bộ GD-ĐT trao tặng. Không muốn nói nhiều về những thành tích cá nhân, nhưng khi được hỏi về niềm vui lớn nhất trong suốt 15 năm đi dạy, cô chia sẻ đó chính là những thành tích tiến bộ vượt bậc của học trò, trên cả đấu trường trong nước cũng như quốc tế.
Còn nhớ ở giải vô địch judo Đông Nam Á năm 2010, khi vận động viên trẻ Lê Ngọc Vân Anh bước lên bục cao nhất nhận tấm huy chương vàng danh giá, có một người thầy đã lặng lẽ đứng ở góc phòng lau khô dòng nước mắt. Rồi những thành công của Nguyễn Lan Linh, Nguyễn Hoàng Cẩm Hà… đều in dấu mồ hôi, máu và cả nước mắt của người chị, người thầy cao quý đó.
Để rồi mỗi năm đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, từng thế hệ học trò, trong đó có không ít người nay đã thành vận động viên nổi tiếng vẫn nhắn tin, gọi điện thoại về hỏi thăm cô. “Nhiều khi chỉ là một lời chúc, một tin nhắn trên điện thoại di động cũng khiến tôi cảm thấy hạnh phúc. Thành công không hẳn khi bản thân đạt được thành tích gì đó cao quý mà khi được học trò và đồng nghiệp trân quý, tự hào về những gì mình đã làm và cống hiến”, cô tự hào chia sẻ.
THU TÂM