Thật hiếm có ở một nữ lão thành nào ở cái tuổi 85 mà vẫn ngày đêm vì công việc của một tổ trưởng tổ dân phố.
Tôi đến nhà bà vào lúc gần 10 giờ trưa. Nhà bà ở mặt tiền con đường số 3 nội bộ, phường 9, Gò Vấp, TPHCM. Phải lúc bà đang lúc đi làm nhiệm vụ tổ. Cô con dâu chạy tìm bà về thì lúc đó chiếc xe gắn máy tôi đã dắt thẳng vào hông sân. Bà liền bảo tôi ở tổ này xe Honda để trước cổng cả ngày cũng không mất đâu. Ở đây trị an tốt lắm! Bà nói tiếp:
- Ông ạ! Ở khu phố 3 này năm nào cũng tổ chức hội nghị đại đoàn kết dân tộc vào tháng 9 thay vì tháng 11. Vì từ tháng 10, 11 bên nhà thờ có nhiều lễ hội - bà nói với tôi vậy.
Câu chuyện mở đầu, tôi hỏi bà:
- Sao bà làm tổ trưởng dân phố lâu vậy? Gần nửa đời người rồi mà chưa chịu nghỉ?
- Nói thật là bà con tổ dân phố không cho tôi nghỉ, nể bụng tôi đeo đuổi mãi. Mà càng làm càng vui. Ở tổ tôi bà con tự giác lắm. Họp tổ lúc nào cũng đông đủ, mọi chủ trương, công việc từ phường, khu phố đề ra, bà con đều đồng lòng thực hiện. Nghỉ cũng buồn!
Tôi hỏi bà làm sao mà bà con ưa thích bà làm tổ trưởng mãi vậy?
- Có gì đâu. Mình tin bà con, và muốn bà con tôn trọng mình thì trước hết mình phải tôn trọng danh dự cá nhân. Phải thật lòng, gần gũi, phải biết tìm cách giúp, nhất là hộ khó khăn.
- Chuyện tiền bạc thu của dân phải công bố công khai, đầy đủ không để dân mất lòng tin... Mới chừng đó tôi đã hiểu. Đúng, đó chính là cán bộ của dân, vì mất lòng dân là mất tất cả. Được biết ngoài công việc tổ trưởng bề bộn, bà còn tham gia tổ hòa giải. Hễ có va chạm, mâu thuẫn trong dân ở tổ nào bà cũng đều có mặt.
- Thế là sau ngày 30-4-1975, bà đã tham gia công việc tổ cho đến nay? - tôi hỏi.
Tính bà cũng xởi lởi. Tuy tuổi cao nhưng vẫn khỏe mạnh, trí nhớ còn rất tốt.
Bà liền kể một loạt câu chuyện về hơn 40 năm qua. Tôi cảm động nhất là sau giải phóng với ba mặt con, đứa lớn mới 6 tuổi, thế mà bà đã làm Tổ trưởng ấp 7, khóm 9, Hạnh Thông Tây (nay là Khu phố 3, phường 9).
Ban ngày chỉ đạo một tổ đi đào mương thủy lợi dọc sông Bến Cát; ban đêm bà cùng công an ấp đi kiểm tra hộ khẩu từng nhà dân. Sau 2 tháng, bà nhận giấy khen của cấp trên và được cấp huy hiệu Kiện tướng thủy lợi. Bà là một trong những thành viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ Khóm ấp ngày đó cùng bà Thái, bà Tám Điền... tham gia vận động chị em nuôi dạy con cái, sinh đẻ có kế hoạch, vệ sinh khu dân cư và giúp nhau vay vốn làm ăn.
Năm 2005, Chủ tịch UBND TPHCM lúc bấy giờ là đồng chí Lê Thanh Hải đã tặng bà bằng khen thành tích Tổ trưởng xuất sắc nhiều năm liền nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam. Nhìn khắp nhà chẳng thấy một giấy khen nào, tôi hỏi bà sao không treo bằng khen, giấy khen lên. Bà bảo làm việc tôi đâu nghĩ phải có giấy khen. Nói xong bà bảo cô con dâu vào nhà lấy ra một chồng khung giấy khen, bằng khen. Hóa ra là năm nào bà cũng được cấp trên khen tặng. Tôi sắp lại mấy tấm bằng khen và mời bà ngồi sát đó xin chụp cho bà tấm hình. Chừng ấy cũng đủ nói lên ở bà Hể, một tổ trưởng có thể coi là người có nhiều năm gắn bó với công việc tổ trưởng dân phố nhất thành phố mang tên Bác Hồ...
Tôi nghe nói bà còn tham gia hội bác ái nữa? - Bà đáp liền: Vâng, tôi là một trong 10 người đầu tiên đứng ra thành lập hội, một tổ chức từ thiện của nhà thờ Thạch Đà, ra đời cách đây gần 20 năm. Đến nay đã có 250 hội viên tham gia.
Tiền chủ yếu do hội viên đóng góp và vận động mỗi tuần lễ lo hai bữa ăn bác ái với 550 suất cho người nghèo, người bán vé số dạo... Mỗi tháng 103 phần quà cho hộ nghèo, mỗi phần gồm 10kg gạo cộng thêm một trong các thứ: chai dầu ăn, nước mắm, bột ngọt. Cảm động nhất là có cháu gái ở đâu đến ở nhờ bà con, cháu cụt một chân, không thấy cha mẹ chăm lo nhưng cháu vẫn theo học lớp 6... Mỗi tháng bà đều lấy cho cháu một suất gạo và nước chấm. Một việc làm rất nhân văn.
Bà còn kể cho tôi nghe việc thành lập một đoàn 13 người đi cứu trợ đồng bào dân tộc nghèo Gia Lai - Kon Tum mỗi năm hai lần vào tháng 4 và tháng 11. Cứu trợ chủ yếu là áo quần, gạo, vận động được cả xe tải. Vượt hàng trăm cây số rừng núi vào tận thôn bản.
Bà kể việc làm của mình trong háo hức. Tôi bắt gặp đôi mắt nhân hậu cao cả của bà, một nữ lão thành sống tốt đời, đẹp đạo.
- Thế bà quê chính ở đâu? - tôi hỏi.
- Quê tôi ở thị xã Phúc Yên, sát huyện Mê Linh, nơi có đền thờ Hai Bà Trưng.
- Vâng, năm 1945 tôi đã 15 tuổi, tham gia đội thiếu niên, thanh niên cứu quốc, hội phụ nữ. Chị em chúng tôi hồi đó đã được gặp Bác Hồ đến Phúc Yên vận động tuần lễ vàng. Lúc đó Bác đã trên 50 tuổi. Người cụ gầy, cao nhưng đôi mắt rất sáng, nhanh lắm. Chị em chúng tôi còn tổ chức nấu cơm gói lại thành nắm với gói muối mè cho đơn vị quốc đoàn huấn luyện. Tôi còn học y tá làm đỡ đẻ một thời gian dài.
Năm 1954 cả vùng tôi là giáo dân đều vào Nam định cư cho đến hôm nay. Nhìn mái tóc bà đã bạc phơ nhưng cặp mắt còn tinh nhanh. Hàng ngày vẫn vui vầy chăm sóc các cháu nội cùng sống chung trong căn nhà cấp 4. Từ tinh mơ bà đã dậy nhắc nhở con cháu đi lễ nhà thờ. Tuy tuổi bà cao nhưng chưa ai phải lo cho bà, mà ngược lại bà còn lo cho con cháu và cho cả 53 hộ dân với trên 600 nhân khẩu là chuyện đời hiếm có sau ngày giải phóng miền Nam ở một hội viên người cao tuổi - một hội viên phụ nữ cao niên - một giáo dân sống tốt đạo, đẹp đời... như bà Nguyễn Thị Hể, Tổ 22, Khu phố 3, phường 9, Gò Vấp.
LÊ ĐÌNH HÒA