Nguội lạnh

Đàm phán giữa nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cùng Đức) và Iran về vấn đề hạt nhân của nước này được ấn định diễn ra vào ngày 13-4 tới tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đàm phán giữa nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cùng Đức) và Iran về vấn đề hạt nhân của nước này được ấn định diễn ra vào ngày 13-4 tới tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù vẫn giữ vai trò là quốc gia trung gian, cầu nối giữa phương Tây và Iran nhưng thực chất Thổ Nhĩ Kỳ đã có những dấu hiệu cho thấy khoảng cách ngày càng lớn với Iran, quốc gia mà họ từng dành khá nhiều hậu thuẫn, có khi đến mức làm phật ý Mỹ - đồng minh NATO của mình.

Một chuyên gia giấu tên của Iran nhận định: “Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Iran đang có chiều hướng cách biệt vì những bất đồng trong các vấn đề khu vực, chẳng hạn như tình trạng khủng hoảng chính trị ở Syria”. Ông Arif Keskin - chuyên gia Trung tâm Quan hệ quốc tế và Phân tích chiến lược Thổ Nhĩ Kỳ (TURKSAM) cũng đưa ra nhận định tương tự.

Về vấn đề Syria, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan luôn giữ lập trường cứng rắn chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Iran là chỗ dựa vững chắc cho đồng minh Syria bằng việc khẳng định sẽ sát cánh cùng chính quyền của ông Assad đến cùng. Phát biểu trước các quốc gia phương Tây, Ankara tin rằng vấn đề Syria sẽ được giải quyết ổn thỏa trong thời gian sớm nhất với điều kiện ông Assad không còn tại vị. Nhưng Ankara đã không có được sự ủng hộ của chính quyền Iran như mong đợi.

Trong chuyến thăm Tehran tuần qua, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei về tình hình Syria cùng một số vấn đề khác liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, chiến lược đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác song phương về chính trị và kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ-Iran.

Sau cuộc gặp, ông Erdogan thừa nhận, hiệu quả từ chuyến thăm dường như bằng không, Iran vẫn cương quyết với quan điểm bảo vệ Syria. Diễn biến phức tạp ở Syria hiện nay đang đặt ra dấu hỏi đối với uy tín, khả năng thuyết phục của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh bất đồng về chính trị, việc phải chịu áp lực phải trừng phạt tài chính từ Mỹ cũng phần nào khiến Thổ Nhĩ Kỳ có biểu hiện lạnh nhạt trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế với Iran, điển hình là lĩnh vực dầu mỏ. Một ngày sau khi trở về từ chuyến thăm Tehran, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz tuyên bố sẽ giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran và đã lên kế hoạch mua dầu từ các nước thay thế như Libya, Saudia Arabia. Nhà máy lọc dầu duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ - TUPRAS cũng cho biết sẽ giảm 20% lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ nhập 200.000 thùng dầu/ngày từ Iran, chiếm 30% lượng dầu Thổ Nhĩ Kỳ phải nhập khẩu và chiếm 7% lượng dầu Iran xuất khẩu mỗi ngày.

Bất ổn thế giới Ảrập, đặc biệt là Syria cũng như tình hình ở Iraq, vấn đề mâu thuẫn của hai dòng Hồi giáo Sunni- Shiite và gần đây là việc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép NATO đặt trạm radar cảnh báo tại nước này vào tháng 9 năm ngoái đã khiến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Iran có dấu hiệu nguội lạnh. Với Thổ Nhĩ Kỳ, vai trò đồng minh với Mỹ trong NATO cũng như lợi ích quốc gia vẫn phải được ưu tiên. Thổ Nhĩ Kỳ kiên trì với vai trò là trung gian giữa phương Tây và Iran cũng vì họ nhìn nhận Iran là quốc gia lớn và có tầm quan trọng nên cần được kiểm soát hơn là đối đầu. Và khi những mâu thuẫn khó dàn xếp, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chọn phương án tách dần để bảo đảm lợi ích quốc gia.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục