Người lao động làm thêm phải được trả công xứng đáng

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, cơ bản Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất phương án mở rộng thêm giờ làm tối đa 400 giờ. Tuy nhiên, việc tăng thêm giờ làm phải kèm theo những điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho người lao động (NLĐ).
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Sáng 29-5, Chính phủ đã trình Quốc hội về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có đề xuất tăng giờ làm thêm. Đây cũng là những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận tại phiên thảo luận tổ chiều 29-5 với khá nhiều ý kiến còn khác nhau. SGGP lược ghi ý kiến của đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) Việt Nam.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, cơ bản Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất phương án mở rộng thêm giờ làm tối đa 400 giờ. Tuy nhiên, việc tăng thêm giờ làm phải kèm theo những điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho người lao động (NLĐ). “Dứt khoát phải được NLĐ đồng ý thì mới làm việc. Việc tăng thêm 400 giờ làm thêm chỉ áp dụng với một số ngành nghề, lĩnh vực chứ không phải tất cả ngành nghề đều có thể sử dụng”, ĐB Ngọ Duy Hiểu  nói.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra những lý do mà NLĐ hiện nay phải sa vào làm thêm giờ là vì cuộc sống quá khó khăn, nơi ở chật hẹp, nóng bức nên họ thà làm việc ở cơ quan vất vả một chút nhưng còn hơn ở nhà. “Đấy là những câu chuyện rơi nước mắt để chúng ta khi thiết kế luật phải làm sao hài hòa lợi ích, bên cạnh việc thúc đẩy để có nhiều doanh nghiệp phát triển, có nhiều doanh nghiệp làm đầu tàu, thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Nhưng chúng ta cũng phải quan tâm đến NLĐ vì không có NLĐ, sẽ không có doanh nghiệp nào tồn tại được”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu.

Theo ông, người làm công đoàn Việt Nam thường “buồn và nghẹn ngào” bởi hiếm nơi nào trên thế giới công đoàn lại đồng ý chuyện tăng giờ làm thêm, nhưng vì NLĐ lương thấp, nếu không làm thêm thì không duy trì cuộc sống tối thiểu. Hiện nay mặc dù giờ làm thêm tối đa quy định 300 giờ/năm nhưng thực tế NLĐ làm thêm lên đến 500 – 600 giờ/năm. Do đó, trường hợp NLĐ làm thêm giờ thì dứt khoát nghiên cứu xây dựng phương án trả lương lũy tiến. Ví dụ, nếu làm thêm 2 giờ sẽ được thêm 3 đồng, nhưng nếu làm thêm đến giờ thứ 3 có thể phải là 4 đồng, giờ thứ 4 phải 5 đồng. “Vì càng làm thêm nhiều giờ, nguy cơ tai nạn lao động càng cao. Chúng ta quy định như vậy để  tránh việc doanh nghiệp thường xuyên huy động lao động làm thêm giờ. Cần nghiên cứu để NLĐ có thời gian nghỉ ngơi chăm sóc con cái, gia đình. Bởi nếu đứa trẻ sinh ra trong điều kiện thiếu thốn chăm sóc, thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực tương lai”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng kiến nghị mỗi năm cho phép NLĐ nghỉ 1-2 ngày nghiên cứu kiến thức về những chủ trương, chính sách pháp luật để bảo vệ chính họ, xây dựng quan hệ hài hòa với chủ lao động, tăng hiểu biết.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM.

Người lao động làm thêm phải được trả công xứng đáng ảnh 1 ĐB Trần Thị Diệu Thúy phát biểu

“Luật đề xuất tăng giờ làm thêm, theo tôi điều này cũng chưa quan tâm đến NLĐ. Nếu tăng giờ làm thêm phải tính toán giảm giờ làm chính thức để NLĐ có cơ hội được nghỉ, và người sử dụng lao động muốn sử dụng giờ nghỉ của NLĐ để làm thêm thì phải trả nhiều tiền hơn. Nếu giữ nguyên giờ làm việc chính thức, tăng giờ làm thêm thì công nhân, các lao động trẻ sẵn sàng làm việc hết giờ chính thức cũng như tận dụng tối đa giờ làm thêm với mục đích kiếm được nhiều tiền nhất. Hao phí sức lực này không bù đắp được so với cái giá phải trả sau này, trên 50 tuổi là họ hết sức lao động. Nên 2 vấn đề tăng giờ làm thêm, tăng tuổi nghỉ hưu thực ra luôn song hành với nhau, nếu cùng tăng thì rõ ràng rất khó khăn cho NLĐ. Vì thế, tôi không đồng thuận với Ban soạn thảo về cả 2 vấn đề này”.

Tin cùng chuyên mục