Người lao động “nhảy” việc giảm

Theo phân tích về chỉ số thị trường nhân lực trực tuyến 2012, những biến động trên thị trường nhân lực trực tuyến và xu hướng cung - cầu lao động trực tuyến của VietnamWorks - nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến hàng đầu Việt Nam - cho thấy nhu cầu nhân lực năm 2012 giảm mạnh so với năm 2011.

Theo phân tích về chỉ số thị trường nhân lực trực tuyến 2012, những biến động trên thị trường nhân lực trực tuyến và xu hướng cung - cầu lao động trực tuyến của VietnamWorks - nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến hàng đầu Việt Nam - cho thấy nhu cầu nhân lực năm 2012 giảm mạnh so với năm 2011.

Cụ thể, chỉ số thị trường nhân lực trực tuyến giảm vào tháng 12-2012 vừa qua -138 điểm, thấp hơn 26% so với trung bình năm, thể hiện sự sụt giảm mạnh về nguồn cung trong những tháng trước thềm năm mới. Ba ngành đứng đầu về mức độ giảm nhu cầu nhân lực trực tuyến nhiều nhất trong nửa cuối năm 2012 là ngành truyền thông - báo chí (giảm 55%) và hai ngành còn lại là kế toán - kiểm toán, kho vận đều giảm (giảm 43%) so với đầu năm 2012.

Tuy nhiên, trong năm 2012, 3 ngành có nhu cầu nhân lực tăng nhiều nhất bao gồm cơ khí (tăng 69%), bán lẻ/bán sỉ (tăng 53%) và hóa chất/hóa sinh (tăng 51%) so với đầu năm.

Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM, do tình hình kinh tế khó khăn nên không ít doanh nghiệp (DN) cắt giảm nhân sự. Chính vì vậy mà tình trạng lao động “nhảy” việc giảm hẳn, công nhân cũng chú ý đến kỷ luật lao động nhiều hơn. Một nguyên nhân khác, do DN đã có nhiều giải pháp để nhắc nhở, khuyến khích, chăm lo đời sống, thu nhập, việc làm cho người lao động.

Cùng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho rằng, do một số DN phải thu hẹp sản xuất, giải thể, đã ảnh hưởng đến tình hình lao động nên tình trạng người lao động “nhảy” việc không diễn ra phổ biến như các năm trước. Khảo sát mức lương tại các DN vào cuối năm 2012 cho thấy lương bình quân của lao động đang làm việc lao động phổ thông, sơ cấp nghề khoảng 2,5 - 2,9 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, nếu như mọi năm cứ vào dịp tết là khan hiếm lao động do nhu cầu sản xuất, dịch vụ mùa tết tăng cao, DN đỏ mắt tìm lao động, kể cả lao động thời vụ thì năm nay, tình hình ảm đạm hơn, người lao động phải đỏ mắt tìm việc.

Theo dự báo của VietnamWorks, với tâm lý hướng về việc chuẩn bị cho mùa lễ tết và nghỉ ngơi cuối năm thay vì thay đổi công việc, chỉ số thị trường nhân lực có thể sẽ tiếp tục giảm trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2, vì Tết Nguyên đán năm 2013 đến muộn hơn những năm trước. Vì vậy, tuy chỉ số nhu cầu được tiên đoán sẽ giảm vào tháng 1-2013, thời gian trước tết lại là thời điểm thuận lợi hơn cho người tìm việc với mức cạnh tranh thấp hơn những tháng trước đó.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý 1-2013 của TPHCM cần khoảng 65.000 lao động, trong đó 43% lao động phổ thông, 35% lao động có trình độ sơ trung cấp và 22% lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Riêng tháng 1-2013 cần khoảng 20.000 lao động, chưa kể đến một số lượng lớn lao động thời vụ, tập trung vào lĩnh vực dọn nhà đón tết, phục vụ nhà hàng, bán hàng tết.

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục