Từ ngày 1-7, TPHCM đã vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, thực hiện 100% thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính vào cuối năm 2025. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, về những bước đi cụ thể, thách thức và giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu này.

* PHÓNG VIÊN: Qua những ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến để phục vụ người dân, doanh nghiệp được triển khai như thế nào, thưa bà?
- Trong 3 ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp (ngày 1 đến 3-7), hệ thống giải quyết TTHC toàn thành phố đã tiếp nhận 60.277 hồ sơ trên các lĩnh vực, trong đó 17.744 hồ sơ trực tuyến và 42.527 hồ sơ trực tiếp. Trong đó, TTHC ở cấp xã là 28.236 hồ sơ, gồm 10.186 hồ sơ trực tuyến, 18.047 hồ sơ trực tiếp. Hệ thống quản lý văn bản ghi nhận trên 168 phường, xã, đặc khu có 782 văn bản được gửi đi, 32.092 văn bản được gửi đến. Những con số trên cho thấy số lượng người dân thực hiện TTHC trực tuyến chiếm khoảng 1/3 tổng hồ sơ trong những ngày đầu. Việc đánh giá về tỷ lệ hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thời điểm này còn hơi sớm nhưng tôi cho rằng đó là tín hiệu khá tích cực.
* Chủ tịch UBND TPHCM đã yêu cầu đến cuối năm thành phố sẽ thực hiện 100% TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính. Việc này được thực hiện như thế nào?
- TPHCM đang có 344 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trước mắt, chúng tôi tham mưu UBND TPHCM chọn lọc trong nhóm này, đánh giá lại tỷ lệ phát sinh hồ sơ thực tế để công bố danh mục TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính. Trong đó, ưu tiên những TTHC người dân thường xuyên thực hiện để tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân. Còn theo lộ trình đến cuối năm 2025, 2.238 TTHC của thành phố sẽ thực hiện “phi địa giới”.
Chúng tôi đang rà soát 982 TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến - một trong những cơ sở quan trọng để tiến hành “phi địa giới”. Kế đến, thành phố sẽ trang bị, triển khai các thiết bị, ứng dụng để bộ phận tiếp nhận hồ sơ của người dân, doanh nghiệp thực hiện số hóa, chuyển thành hồ sơ điện tử có giá trị pháp lý. Cùng với đó là có cơ chế để người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, như việc sử dụng ngân sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp liên quan đến các chi phí hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ. Việc này tương tự như chính sách áp dụng mức phí 0 đồng đối với 98 TTHC trực tuyến đã được thành phố triển khai.

* Đâu là những thách thức trong việc triển khai TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính? Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM đã có giải pháp gì để tháo gỡ?
- Có thể nói, thách thức lớn nhất trong thực hiện TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính là câu chuyện cải cách hành chính và dữ liệu. Muốn không phụ thuộc địa giới phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ để ở bất cứ đâu cũng có thể khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc thay đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, từ hồ sơ giấy sang tài liệu điện tử, khai thác cơ sở dữ liệu… cần có thời gian để người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức thích nghi.
Để giải quyết các thách thức này, không có cách nào khác là đẩy mạnh cải cách TTHC, cắt giảm những giấy tờ rườm rà, thay bằng khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu đã có. Khi các vấn đề này được giải quyết, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC ở bất cứ đâu cũng thuận lợi. Bởi hiện nay hệ thống giải quyết TTHC của TPHCM là hệ thống tập trung, có nghĩa chỉ cần số hóa, chuyển thành hồ sơ điện tử thì hồ sơ có thể đến bất cứ nơi nào. Ví dụ, tiếp nhận ở đặc khu Côn Đảo nhưng sau khi chuyển thành hồ sơ điện tử, các sở, ngành ở thành phố có thể nhận và giải quyết được. Ngoài ra, chúng tôi sẽ triển khai các giải pháp để tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC như những ki-ốt thông minh đọc dữ liệu, số hóa hồ sơ.
* Với nhiều nền tảng số dùng chung tại cấp xã đã được triển khai, người dân đã tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến như thế nào?
- Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến thuận lợi hơn người dân. Qua thống kê, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của doanh nghiệp nhiều hơn người dân. Điều này cho thấy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở người dân vẫn còn những khoảng cách nhất định.
Do đó, thành phố sẽ có những giải pháp hỗ trợ, như xây dựng các video ngắn tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện TTHC trực tuyến. Đồng thời phát huy các tổ công nghệ số cộng đồng, thanh niên tình nguyện hoặc mở các đại lý dịch vụ công trực tuyến; phát huy kết quả phong trào Bình dân học vụ số, phổ cập, xây dựng lực lượng cơ sở để hỗ trợ, nhất là với người lớn tuổi, người ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với công nghệ.
TPHCM đang xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính 2 cấp theo hướng hiện đại, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Thành phố triển khai việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC qua nhiều hình thức, như trực tiếp tại bộ phận một cửa, trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia và qua dịch vụ bưu chính công ích.