
Trời vừa xế chiều, khi thủy triều bắt đầu rút, những bóng người lặng lẽ men theo dòng kênh thoát lũ ở phường Phú Thủy (tỉnh Lâm Đồng), nơi tiếp giáp với cửa sông Phú Hài. Họ mang theo chiếc lưới dài, vài chiếc thau nhựa cỡ lớn cùng đôi tay chai sần để bắt đầu một ngày mưu sinh với nghề cào ốc tép, chằn chằn trên dòng kênh đỏ đục phù sa.
Tiếng nước hòa cùng âm thanh lưới cào quệt dưới đáy kênh nghe rì rào như kể câu chuyện mưu sinh của những con người lam lũ nơi đây. Dưới nắng chiều hanh hao, anh Lê Văn Kha (42 tuổi, ngụ phường Mũi Né, tỉnh Lâm Đồng) cần mẫn kéo lưới, đôi tay rướm đỏ vì bùn cát. Anh chia sẻ, nghề này chỉ mới nổi vài năm nay, từ khi phát hiện loài ốc tép, chằn chằn, loại nhuyễn thể nhỏ bằng ngón tay út trôi dạt về kênh sau mỗi đợt con nước lên.
“Ngày đầu tôi thấy mấy người cào thử, bán được tiền cũng ham. Giờ quen rồi, ngày nào cũng xuống cào từ 2 giờ chiều đến gần 6 giờ tối. Nghề này cực lắm, phải ngâm mình dưới nước nhiều giờ, có hôm không may đạp phải đá nhọn hay mảnh chai làm chảy máu chân. Nhưng nếu chăm chỉ, mỗi buổi có thể cào được cả trăm ký, kiếm được tiền triệu”, anh Kha vừa đãi ốc vừa nói.
Để thu được ốc tép, chằn chằn, người dân ở đây dùng lưới cào dài khoảng 1,5m, hai tay nắm hai đầu, kéo lùi từng bước để lùa bùn và nhuyễn thể vào lưới. Mỗi lần cào xong, họ phải khom người xuống dòng nước đãi sạch bùn, phân loại rồi đổ vào thau nhựa, xong đưa lên bờ đóng vào các bao tải lớn. Các loại nhuyễn thể này không dùng làm thực phẩm cho người mà bán lại cho các thương lái với giá trên dưới 10.000 đồng/kg, sau đó chở ra Cam Ranh, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để chế biến làm phụ gia thức ăn cho tôm hùm, tôm sú.
Tuy nhiên, những người hành nghề cào ốc phải làm việc trong môi trường đầy rủi ro. Kênh thoát lũ vốn chứa nhiều rác thải, kim loại sắc nhọn và vi sinh vật gây bệnh. Người cào ốc thường bị viêm da, thậm chí đạp phải mảnh chai... Khoe đôi tay chai sần, nước da rám nắng, chị Nguyễn Thị Liên (36 tuổi, ngụ phường Phú Thủy) chia sẻ: “Nhiều người nói nghề này hôi hám, dơ bẩn, cực nhọc nhưng tôi thấy cũng đáng. Có đồng ra đồng vô, lo được cho hai đứa nhỏ đi học, gia đình đủ sống là vui rồi”.
Trời vừa xẩm tối, mặt người không còn nhìn rõ, những người cào ốc sau khi bán sản phẩm cho thương lái cũng lần lượt rời kênh về nhà. Nhìn họ đi qua, chỉ thấy những bóng lưng còng, áo quần ướt sũng, lấm lem bùn đất, nhưng trong ánh mắt ấy vẫn lấp lánh niềm hy vọng - rằng chỉ cần có việc làm, có thu nhập là đủ sức gánh gồng gia đình qua bao mùa mưa nắng.