Người lao động phải thích ứng trước thay đổi

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra, nếu không cải thiện được chất lượng lao động, Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội vàng để phát triển đất nước. 
Ông Đào Quang Vinh
Ông Đào Quang Vinh

Để làm rõ những thách thức và cơ hội của người lao động trong CMCN 4.0, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB-XH.

* PHÓNG VIÊN: Cuộc CMCN 4.0 tác động như thế nào đến thị trường lao động, thưa ông?

 - Ông ĐÀO QUANG VINH: CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi căn bản nền sản xuất, thay đổi các chuỗi cung ứng, nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện và cách thức quản lý cũng thay đổi. Cùng với đó, nhu cầu và yêu cầu đối với lao động tại các vị trí việc làm cụ thể cũng thay đổi theo. Tri thức, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò quyết định, vốn nhân lực có ý nghĩa to lớn hơn vốn vật chất.

Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, nhiều việc làm vẫn tiếp tục được tạo ra trong các ngành của nền kinh tế, song bản chất có thể được thay đổi hoàn toàn với những yêu cầu mới về kiến thức, kỹ năng và phương pháp làm việc. Những việc làm giản đơn, có tính chất dây chuyền sẽ chịu tác động đầu tiên. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của robot, các hệ thống tự động hóa, dữ liệu lớn (Big Data) và AI, nhiều công việc của con người sẽ được thay thế bằng máy móc và các hệ thống tự động. Trong những năm tới, việc làm sẽ tăng mạnh đối với các nghề kiến trúc sư, kỹ sư, máy tính, toán học; việc làm giảm nhẹ trong lĩnh vực chế tạo, lắp ráp và giảm mạnh việc làm hành chính và văn phòng. Việc làm trong các lĩnh vực khác như kinh doanh, tài chính, bán hàng và xây dựng sẽ có ít biến động.

* Công nghệ làm thay đổi, ảnh hưởng rất nhiều đến người lao động nhưng lực lượng lao động qua đào tạo của ta vẫn còn quá thấp. Thực tế này là đáng lo ngại, thưa ông?

 - Liên quan đến tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam, hiện nay trong các báo cáo thường xuất hiện 2 chỉ số. 

Một là, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, tính cho số lao động đã được đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên và đã tốt nghiệp, được cấp bằng/chứng chỉ. Năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ của nước ta là 22,12%. 

Hai là, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung, bao gồm cả lao động có bằng cấp/chứng chỉ và lao động không có bằng cấp/chứng chỉ, nhưng tự học, được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên họ đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với bậc 1 của công nhân kỹ thuật có bằng/chứng chỉ cùng nghề; đồng thời đã từng làm công việc này từ 3 năm trở lên (hay còn gọi là công nhân kỹ thuật không bằng/chứng chỉ). Năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của nước ta là 58,6%.

Như vậy, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, đặc biệt là chưa có bằng cấp, chứng chỉ còn rất lớn. Tuy nhiên, ở bất cứ đâu, cơ cấu lao động cũng phải tương thích với cơ cấu kinh tế. Trong khi cơ cấu kinh tế nước ta còn lạc hậu, khu vực phi chính thức còn lớn, nền nông nghiệp truyền thống còn phổ biến. Năm 2018, khu vực kinh tế phi chính thức và hộ sản xuất nông, lâm ngư nghiệp đang thu hút hơn 60% số người đang làm việc, mà đa số làm các công việc giản đơn, trình độ thấp. Ngành công nghiệp và dịch vụ cũng chủ yếu ở các phân khúc giản đơn, thu hút lao động phổ thông là chính. Thị trường lao động chưa tạo ra những nhu cầu thực sự cao đối với lao động có kỹ năng, chưa thực sự định hướng người lao động phải qua đào tạo. Trong khi đó, hệ thống đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, người lao động và nền kinh tế.

* Thực tế trên đã mang đến thách thức với người lao động như thế nào thưa ông?

 - Trong cuộc CMCN 4.0, công nghệ sẽ thay đổi rất nhanh, nền sản xuất cũng tương tự. Những lĩnh vực có năng suất lao động cao, có nhu cầu lao động cao, đòi hỏi trình độ và kỹ năng mới sẽ có tiền lương tăng cao. Trong khi đó, lao động không có tay nghề hoặc tay nghề thấp sẽ có nhiều nguy cơ bị mất việc làm hoặc khó tìm việc làm (do bị thay thế bởi robot).

Thách thức lớn nhất đối với lao động Việt Nam là cơ cấu lao động lạc hậu và trình độ lao động thấp. Lao động nữ, lao động có trình độ thấp và lao động làm những nghề giản đơn sẽ khó giữ được việc làm có thu nhập tốt nếu không học tập nâng cao trình độ kỹ năng, theo kịp sự phát triển của công nghệ.

* Việt Nam đang trong tình trạng thiếu lao động trình độ cao. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để cải thiện chất lượng lao động?

 - Không thể tận dụng được CMCN 4.0, tăng được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng năng suất lao động và không thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình nếu không có lực lượng lao động có chất lượng cao. Giải pháp, theo tôi, cần phải tăng cường nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp, từng gia đình, người dân trong xây dựng xã hội học tập, thực hiện học tập suốt đời, học vì kiến thức và kỹ năng chứ không chạy theo bằng cấp; đặt nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người là trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia. Chất lượng lao động phải được quan tâm, chuẩn bị ngay từ thời thơ ấu, trong cả hệ thống giáo dục và đào tạo và trong suốt quá trình làm việc.

* Người lao động cần phải làm gì để tránh trong tương lai bị thay thế bởi công nghệ, thưa ông?

 - Mỗi người cần xác định rõ năng lực sở trường của mình và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Người lao động cần có được các kỹ năng phù hợp với những công việc mới và luôn thay đổi. Người lao động cần linh hoạt hơn, chuẩn bị cho các tình huống việc làm “phi tiêu chuẩn”. Để chiến thắng trong cuộc chạy đua với quá trình tự động hóa và vi tính hóa, người lao động cần làm chủ được các “kỹ năng sáng tạo và kỹ năng xã hội”.

Phương châm “Học tập suốt đời” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mỗi người lao động phải luôn nhận thức về yêu cầu nâng cao năng lực và thay đổi kỹ năng thích nghi với công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu công việc thông qua rèn luyện học tập suốt đời. Chính phủ và các doanh nghiệp cần tạo ra nhiều cơ hội hơn để đảm bảo rằng người lao động có thời gian, động lực và phương tiện để họ tìm kiếm cơ hội được đào tạo lại, đào tạo nâng cao.

* Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục