Chạm đến trái tim người nghe
Chị là Cáp Thị Minh Trang (46 tuổi), tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại ngữ nhưng đã đến với nghề thuyết minh viên tại Thành cổ Quảng Trị như một cơ duyên. Chị Trang tâm sự, khi mới bước vào nghề, dù thiếu thông tin, thiếu cơ sở vật chất, nhưng nhiệm vụ chị tự đặt ra là khách đến Thành cổ Quảng Trị phải có một ấn tượng gì đó khi ra về. Người Quảng Trị có giọng nói địa phương rất nặng và thói quen nói nhanh, chị Trang phải tập nói chậm và nói tiếng phổ thông để khách dễ nghe.
“Muốn thành công trong việc thuyết minh thì không phải học thuộc lòng mà phải nói bằng cái tâm với tất cả những cảm nhận của mình trong một khoảng thời gian nhất định để du khách hình dung được cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm diễn biến như thế nào, giúp mọi người có thể mường tượng được và qua đó có sự tri ân các liệt sĩ. Bản thân tôi phải rèn luyện hơn 5 năm để có được những cung bậc cảm xúc “chạm” đến trái tim người nghe, như một cách cảm thụ thổi hồn vào câu chuyện”, chị Trang chia sẻ.
Với kinh nghiệm nghề nghiệp, chị Trang cho rằng, người thuyết minh phải làm thế nào để luôn có những biến đổi trong cách hướng dẫn. Ví dụ như đoạn nào dùng chính sự, đoạn nào dùng phương pháp kể chuyện, đoạn nào đưa vào cách giáo dục truyền thống để khách thấm nhuần... Anh chị em hướng dẫn viên phải luôn trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng thuyết minh để hoàn thiện mình hơn, đáp ứng nhu cầu của khách. Khi dẫn xong một đoàn khách cũng phải biết lắng nghe họ phản hồi. Khi phát hiện ra những gì còn thiếu và yếu thì mình phải hoàn thiện dần.
Gần 20 năm trong nghề thuyết minh, nay chị Trang đã làm Trưởng Ban quản lý Thành cổ Quảng Trị. Ngoài công việc quản lý đào tạo thế hệ trẻ kế cận, chị vẫn đích thân thuyết minh cho những đoàn khách đặc biệt. Bởi trước những khách cấp cao, hay cựu chiến binh, người hướng dẫn phải có bản lĩnh và cách xử lý tình huống, công việc này không phải ai cũng có thể làm được.
Tháng 7 hàng năm là thời điểm anh chị em thuyết minh viên rất bận rộn, phần vì tiếp khách, phần vì nhận đăng ký đoàn đến viếng và phục vụ thuyết minh theo yêu cầu của từng tổ chức, cá nhân. Có thời điểm mỗi ngày hơn 3.000 khách đến Thành cổ Quảng Trị; tất cả 12 nhân sự của ban quản lý phải hoạt động hết công suất và quên cả bữa trưa. Ngồi ngay bàn làm việc, chị Trang vừa nghe điện thoại của các đoàn đăng ký viếng, vừa phải tiếp khá nhiều đại diện đến đưa công văn yêu cầu thuyết minh... Chứng kiến cảnh làm việc của chị Trang cũng như nhiều thuyết minh viên ở đây, chúng tôi không khỏi “ngộp” bởi tần suất công việc của các anh chị.
Tranh thủ vài phút vắng khách, chị Trang chia sẻ thêm với chúng tôi: “Trong khâu thuyết minh, ngoài kỹ năng còn phải có nghệ thuật để làm sống lại những kỷ vật, thể hiện được tinh thần bất khuất, anh dũng của các chiến sĩ của ta trong cuộc chiến 81 ngày đêm. Lúc trước, khi được giao nhiệm vụ dẫn đoàn lãnh đạo nhà nước, cảm giác rất sợ, mất ngủ, làm thế nào để trong khoảng 5 đến 10 phút có thể truyền tải hết câu chuyện thành cổ... Tuy nhiên, những áp lực như thế đã tạo ra sự thành công trong chúng tôi”.
Tự hào công việc “đặc biệt”
Trong khuôn viên thành cổ khang trang rộng rãi, mấy ai hiểu được có khoảng thời gian dài, chị Trang và các đồng nghiệp phải cột võng ngoài gốc cây để nghỉ trưa vì khi ấy còn thiếu thốn cơ sở vật chất. Các chị hay đùa với nhau “mình làm dâu ngàn rưỡi họ” chứ không phải “trăm họ” hay “ngàn họ” nữa. Hôm gặp chúng tôi, chị bảo, hôm nay ăn trưa muộn một chút, tranh thủ thời gian nói chuyện với các anh chị. Làm việc ở đây người lâu nhất cũng gần 20 năm, người ít nhất cũng 7 - 8 năm, khách đến nghe thuyết minh thành cổ chứ không ai nghe câu chuyện của các anh chị. Chị Trang thấp giọng: “Có thời điểm chị phải khóc vì những tai nạn nghề nghiệp không đáng có, bởi mỗi người đến đây với tư cách, mục đích khác nhau, nên có trường hợp họ nói với chúng tôi những câu rất khó chịu... Thậm chí, có những người đến đây viếng nhưng không chấp hành quy định, có khi còn nạt nộ chúng tôi”.
Khi được hỏi về gia đình và cuộc sống riêng tư, chị Trang trải lòng: “Phụ nữ làm công việc này phải hy sinh rất lớn, nhiều chị mới sinh đi làm buổi trưa cũng không có thời gian về nhà cho con bú, phải cắt sữa con sớm. Hai đứa con tôi phải bỏ bú lúc 4 tháng tuổi vì hết thời gian thai sản, phải đi làm trở lại. Con tôi đều gửi bên ngoại, sáng bước ra khỏi nhà khi con chưa thức và lúc tối về con đã ngủ. Chúng tôi phải có mặt theo thời gian của đoàn khách đến viếng. Nếu đoàn khách đến lúc 6 giờ sáng thì chúng tôi phải có mặt lúc 5 giờ 30 để chuẩn bị. Mỗi tháng làm việc hết 30 ngày mới có thể hoàn thành nhiệm vụ”.
Chị bắt đầu công tác quản lý lúc đứa con sau của chị mới chập chững, vừa làm hướng dẫn, vừa làm quen với công việc quản lý trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên áp lực rất lớn. Chị Trang kể: “Có lần bà ngoại mua cho con đôi dép mới. Khi con đi ngủ mẹ vẫn chưa về, ngoại gỡ đôi dép ra mà nó không chịu, mang trong chân lên giường nằm chờ mẹ về để khoe… Về nhà nhìn con mà rơi nước mắt. Tuy vậy, tôi tự hào về công việc “đặc biệt” này và chưa bao giờ có ý định bỏ nghề, mặc dù thu nhập khá bấp bênh. Tôi cũng như các anh chị em ở đây luôn tin rằng, các liệt sĩ đã bù đắp, phù hộ cho chúng tôi những điều mà ta không nhìn thấy được”.
Sau một giờ nghỉ trưa, chị Trang dẫn đoàn khách viếng theo yêu cầu là đoàn học sinh. Nhiều em học sinh nghe chị thuyết minh mắt đỏ hoe, có em bật khóc. Em Lê Phúc Hưng (16 tuổi, Trường THPH Đoàn Kết - Hai Bà Trưng, Hà Nội) rưng rưng chia sẻ, trên đường vào đây em cứ nghĩ sẽ rất khó nghe thuyết minh bởi giọng nói Quảng Trị. Nhưng giọng thuyết minh khi trầm, lúc bổng của chị Trang đã làm em rơi nước mắt, có cảm giác như các cô, các bác chiến sĩ đang hiện diện quanh đây.
“Hành trang của người lính thật giản dị. Một chiếc mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi-đông nước, một khẩu súng AK, một chiếc ba lô. Chỉ ngần ấy thôi mà các anh đã làm nên lịch sử... Nghe giọng Quảng Trị mặn mà ấy, em cảm nhận được sự linh thiêng của mảnh đất này, nơi máu chiến sĩ hòa với gạch đá, mỗi centimet đất đều thấm đẫm máu các anh hùng liệt sĩ. Chị Trang kể về những ngày tháng khốc liệt ấy làm chúng em nghẹn ngào, lạnh cả xương sống. Muốn nhấc chân thật khẽ chỉ sợ nơi mình đứng, bước mình đi, đều giẫm lên xương thịt các anh... Bản thân là học sinh nên em phải cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc”, em Hưng bày tỏ.