Người lính "mũ nồi xanh" đã khẳng định vị trí, hình ảnh mới của Việt Nam

Người lính "mũ nồi xanh" đã khẳng định vị trí, hình ảnh mới của Việt Nam

Xin Thiếu tướng cho biết những kết quả nổi bật về hoạt động GGHB LHQ mà Việt Nam đã tham gia đến thời điểm này?

Việt Nam bắt đầu chính thức tham gia hoạt động GGHB LHQ vào năm 2014. Đến hết tháng 11-2022, con số triển khai tham gia GGHB LHQ của Việt Nam là 513 quân nhân thuộc Bộ Quốc phòng và 4 sĩ quan cảnh sát của Bộ Công an. 513 quân nhân QĐNDVN bao gồm 77 lượt sĩ quan; Đội công binh với 184 quân nhân và Bệnh viện dã chiến cấp 2 với 252 quân nhân.

Lực lượng GGHB của Việt Nam được triển khai chủ yếu ở 3 địa bàn chính là Phái bộ Nam Sudan, Phái bộ Cộng hòa Trung Phi và Phái bộ UNISFA khu vực Abyei. Bên cạnh đó có 4 đồng chí hiện đang tham gia hoạt động GGHB tại trụ sở LHQ.

Lực lượng “mũ nồi xanh” Việt Nam không chỉ đơn thuần hoàn thành các nhiệm vụ GGHB mà còn là những sứ giả của hòa bình từ Việt Nam. Tất cả quân nhân của Việt Nam khi tham gia hoạt động GGHB LHQ các địa bàn đã tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động thực tiễn có ý nghĩa như công tác ngoại giao nhân dân: dạy học cho trẻ em; tổ chức các hoạt động thiện nguyện, văn hóa, văn nghệ; hướng dẫn cho người dân bản địa trồng trọt cải thiện cuộc sống; giúp đỡ phụ nữ các kỹ năng chăm sóc con cái, gia đình và vệ sinh phòng dịch...

Đến nay, lực lượng GGHB của Việt Nam chưa từng có vi phạm trong quá trình công tác. Sự hiện diện của Đội công binh Việt Nam triển khai ở UNISFA đã đem lại hình ảnh mới về con người GGHB của LHQ với người dân bản địa thông qua những việc làm nhân đạo.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, sau khi xem phim và nghe kể về những công tác nhân đạo, dân vận… của QĐNDVN đã thẳng thắn chia sẻ, hoạt động của LHQ từ năm 1948 tới nay vẫn là nhằm xây dựng lòng tin với dân bản xứ và các sĩ quan, quân nhân Việt Nam đã làm được những việc này. Ông cũng ca ngợi hết lời về lực lượng GGHB của Việt Nam. Vào năm 2015, kỷ niệm 1 năm thành lập Trung tâm GGHB ở Việt Nam và triển khai các hoạt động thực tế, Tổng Thư ký LHQ khi đó là ông Ban Ki-moon có đến Việt Nam và nói đại ý rằng: Tôi xin cúi đầu, nghiêng mình trước các sĩ quan Việt Nam đã đi một chặng đường dài đến Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi để cứu và giúp đỡ những người khốn khổ nơi đó!

Theo Thiếu tướng, điều gì đã giúp những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, được LHQ ca ngợi, đánh giá cao như vậy?

Trước hết, như tôi đã nói, chúng ta đã chứng tỏ được tính chuyên nghiệp, kỷ luật của QĐNDVN trong việc thực thi nhiệm vụ GGHB LHQ. Mỗi quân nhân Việt Nam đều luôn nhận thức vị trí, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” khi thực hiện nhiệm vụ gì và ở đâu. Nhiều nơi, hình ảnh xấu nhất của lính "mũ nồi xanh" LHQ là có “tiền đô la”, xung đột với người dân ở bên ngoài, lạm dụng trẻ em, quấy rối tình dục… Từ đó, có nhiều vụ “va chạm” giữa người lính của LHQ với người dân bản xứ. Nhưng, lực lượng GGHB của Việt Nam thì không. Đến nay, chưa từng có một vi phạm hay vụ “va chạm” nào.

Tháng 10 vừa qua, khi đoàn công tác Việt Nam sang tới Phái bộ UNISFA, Chỉ huy Phái bộ nhận xét: “Chúng tôi thực sự hài lòng. Từ trước tới thời điểm này, tại Phái bộ UNISFA, chưa có lực lượng nào của LHQ làm việc một cách vô tư, nhân đạo, có nhiều sáng kiến về đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân như quân nhân Việt Nam”. Không chỉ làm tròn công việc, nhiệm vụ được giao mà lực lượng GGHB Việt Nam còn luôn tổ chức làm thêm những công trình mới có ích cho người dân địa phương như đắp đường cho trường học; xây dựng doanh trại… Các đội trước chưa từng làm một công trình nào cho người dân ở đây. Khi đoàn công tác Việt Nam vừa đặt chân đến nơi này đã nhận được sự đón tiếp ấm áp của người dân. Mỗi nơi chúng tôi xuất hiện đều thấy vang lên những tiếng “Xin chào Việt Nam!...”. Chúng tôi vô cùng hãnh diện. Đó chính là món quà, là hình ảnh đẹp của người lính Việt Nam đã xây dựng được ở các phái bộ.

Xin Thiếu tướng chia sẻ một câu chuyện điển hình?

Trong nhiệm kỳ công tác tại Cộng hòa Trung Phi, khi nhìn thấy trẻ em bản địa không được học hành, quân nhân Việt Nam đã tìm cách để dạy các cháu thoát mù chữ. Trung Phi chủ yếu nói tiếng Pháp, quân nhân Việt Nam chỉ biết tiếng Anh, nên ban đầu chỉ dạy các cháu bằng que tính đơn giản, sau đó, quân nhân Việt Nam vừa học tiếng Pháp vừa dạy lại cho các cháu. Dạy tiếng Pháp, dạy thêm cả tiếng Anh, lớp học có lúc đến 150 cháu theo học. Trường đại học bên đó đã mời sĩ quan Việt Nam đến dạy học, thậm chí họ có thêm phiên dịch, có xe đưa đón đến trường để dạy. Để làm được điều này trước hết cần phải có trí tuệ. Những quân nhân dạy học là tiến sĩ, giáo viên. Các đồng chí đó làm những việc theo đúng phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó cũng chính là tư tưởng, định hướng gần dân, chia sẻ khó khăn với người dân để khẳng định vị trí, vị thế và hình ảnh của người lính Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Những điều đó có ý nghĩa như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Trước hết là sự khẳng định về hình ảnh, quyết tâm và việc làm của Việt Nam nói chung và quân nhân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế; đặc biệt là trong hoạt động GGHB LHQ ở các phái bộ đang thực hiện nhiệm vụ. Đó cũng là việc thực hiện tốt, có hiệu quả những nghĩa vụ, cam kết của Việt Nam đối với cộng động quốc tế và hoạt động của LHQ. Những việc làm này đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với các quốc gia. Hiện nay, chúng ta đã ký được 9 văn bản ghi nhớ với các quốc gia đối tác như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Pháp, Ấn Độ về hoạt động này. Trong quan hệ hợp tác quốc phòng với Australia thì GGHB là điểm sáng, là trụ cột trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước. Điều đó khẳng định sức lan tỏa, hiệu ứng của việc đưa quân tham gia ở môi trường đa phương với hoạt động quốc phòng song phương.

Các sĩ quan Việt Nam khi tham gia phái bộ phần lớn đều trưởng thành bởi họ có môi trường cọ xát, thực hành, triển khai và đạt những kết quả cụ thể. Điều đó rất có ý nghĩa đối với việc xây dựng, phát triển QĐNDVN trong thời kỳ mới. Có thể khẳng định, dù tham gia muộn (tháng 6-2014 mới cử quân đi) nhưng lực lượng GGHB Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh mẽ, hình ảnh rất đẹp ở các quốc gia chúng ta triển khai quân theo các phái bộ LHQ.

Khi chúng ta gần gũi, chia sẻ với người dân bản địa, chính là cách tự bảo vệ an toàn của chính người lính Việt Nam trong những bối cảnh xung đột. Việc có nguồn tin từ người dân, được người dân bảo vệ cũng là cách tự bảo vệ tránh những trận đánh, trận càn, xung đột của các phe phái khác nhau. Đó cũng là cách chúng ta giữ được an toàn cho người lính trong suốt thời gian qua.

Xin Thiếu tướng cho biết, vì sao Việt Nam lại tham gia hoạt động GGHB LHQ muộn nhưng lại có quyết tâm cao như vậy?

Việc này có nhiều lý do. Trước hết, bởi Việt Nam có thời gian dài ở trong các cuộc chiến tranh và chúng ta không muốn thêm chiến tranh hoặc tham gia vào chiến tranh nữa. Năm 1989, Việt Nam đưa quân khỏi Campuchia, sau 10 năm ở đó. Đây là thời kỳ, giai đoạn cuối cùng Việt Nam đưa quân ra ngoài lãnh thổ để tham gia giải quyết các xung đột, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Khi đó, chúng ta đưa ra chủ trương là không tham gia hoạt động quân sự, kể cả diễn tập với bất kỳ một quốc gia nào… Sau đó, đất nước chúng ta dần dần hội nhập về mọi mặt với thế giới. Không chỉ mở rộng hội nhập về ngoại giao về kinh tế, thương mại mà còn hội nhập cả về chính trị, quân sự.

Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị năm 2013 về hội nhập quốc tế, chính thức đề cập việc Việt Nam sẽ tham gia vào hoạt động GGHB của LHQ. Đây là nền tảng đầu tiên về chủ trương đường lối, là lý do chính để ta bắt đầu nghiên cứu tham gia hoạt động này.

Sau khi nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã thống nhất tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Năm 2013, Bộ Quốc phòng có đề án riêng về việc quân đội tham gia lực lượng GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo. Chúng ta xác định và có lộ trình rõ sẽ tham gia từ đơn giản tới phức tạp, từ cá nhân đến các thê đội. Đây là chủ trương đúng đắn. Vừa làm, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, từng bước khẳng định chủ quyền, tiếng nói của Việt Nam. Một vấn đề khác, khi tham gia trực tiếp vào hoạt động GGHB LHQ là cơ hội vàng để hiểu hơn về các đối tác, đối tượng. Ví dụ, có những quốc gia có quân đội nhà nghề, được cho là “phi chính trị” và họ vận hành theo phương thức khác chúng ta về nhiều mặt.

Khi tham gia GGHB, họ có quy trình xử lý kế hoạch tác chiến khác Việt Nam rất nhiều. Qua hợp tác trên thực địa, chúng ta có thể “học hỏi” thông tin về cách đánh, phương thức tiến hành chiến tranh trong giai đoạn mới. Điều này rất quý, không dễ dàng có được.


Hiện nay, đất nước ta không còn nghèo đói. Chúng ta đủ năng lực tham gia giải quyết các vấn đề của thế giới, toàn cầu như: biến đổi khí hậu, sóng thần; hậu quả của các cuộc chiến tranh... Vì vậy, tham gia hoạt động GGHB LHQ là để thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam là yêu hòa bình, đóng góp cho hòa bình bền vững của nhân loại và khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực của LHQ. Đây không chỉ là vai trò, trách nhiệm của quân đội Việt Nam mà là hình ảnh quốc gia.

Trong thời đại hiện nay, chúng ta không chỉ bảo vệ Tổ quốc trong phạm vi lãnh thổ, lãnh hải, không phận của Việt Nam, mà phải bảo vệ từ sớm, từ xa, thông qua việc mở rộng quan hệ đối ngoại, quan tâm tới các vấn đề chung của nhân loại. Giờ đây, không ai có thể đứng riêng ngoài tác động toàn cầu, nhất là việc giải quyết hậu quả của những xung đột phi truyền thống, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Tất cả đều phải có trách nhiệm chung.

Định hướng trong thời gian tới của Việt Nam trong hoạt động GGHB LHQ như thế nào? Thưa Thiếu tướng!

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng triển khai thêm các sĩ quan phù hợp khi LHQ đề nghị và chuẩn bị nhân sự thay thế cho các vị trí hiện nay sau khi kết thúc nhiệm kỳ, nhất là sĩ quan nữ. Đồng thời, chúng ta chuẩn bị mọi mặt chu đáo để triển khai lực lượng thay thế Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 và Đội Công binh số 1; chuẩn bị tốt cho sĩ quan QĐNDVN tiếp tục ứng thi vào làm việc tại các vị trí trong cơ quan thường trực tại trụ sở của LHQ.

Thời gian tới, Bộ Quốc phòng cũng nghiên cứu mở rộng các hình thức khác như: kiểm soát quân sự, lực lượng bảo vệ... và mở rộng thêm địa bàn phái bộ như ở Congo; phấn đấu sớm triển khai 2 sĩ quan đến Phái bộ huấn luyện của EU tại Trung Phi; chuẩn bị lực lượng triển khai ở các vị trí chỉ huy ở các phái bộ…

Trong bối cảnh hoạt động GGHB LHQ ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi năng lực của lực lượng GGHB cũng phải tinh nhuệ hơn. Việt Nam được LHQ đánh giá cao không chỉ bởi cử lực lượng có chất lượng, bảo đảm đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn bởi Việt Nam chú trọng tham gia vào những lĩnh vực LHQ ưu tiên, khuyến khích như: y tế, công binh...

Quân ủy Trung ương có chủ trương ngoài việc triển khai các lực lượng GGHB LHQ thì sẽ tận dụng lực lượng đã hoàn thành nhiệm vụ, các lực lượng đã huấn luyện chuẩn bị lên đường cùng tham gia các hoạt động cứu hộ cứu nạn. Ví dụ có sự vụ nào xảy ra trên lãnh hải thì có thể tham gia cùng các bạn bè quốc tế để cứu hộ cứu nạn… Lực lượng này phải giỏi về tiếng Anh và có kinh nghiệm phối hợp trong môi trường đa phương. Một số quốc gia như Haiti, Nhật Bản… khi có sự vụ lớn thường kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế. Khi Việt Nam có lực lượng như vậy, chúng ta có thể để đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ của bạn bè. Những việc làm như vậy sẽ đem lại ý nghĩa to lớn.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Tin cùng chuyên mục