Người Nga vẫn tín nhiệm Tổng thống Putin

Khôi phục vị thế cường quốc
Người Nga vẫn tín nhiệm Tổng thống Putin

Một năm sau tái đắc cử nhiệm kỳ 3

Ngày 7-5 đánh dấu sự kiện 1 năm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin trở lại Điện Kremlin với nhiệm kỳ thứ 3. Trong 1 năm qua, ông Putin đã gặt hái được nhiều thành tựu như củng cố luật pháp, trật tự xã hội, bài trừ nạn tham nhũng... Đặc biệt hơn, ông Putin vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân nước Nga.

Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc trò chuyện trực tuyến với người dân ngày 25-4.

Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc trò chuyện trực tuyến với người dân ngày 25-4.

Khôi phục vị thế cường quốc

Kết quả các cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Liên bang Nga (VSIOM) tiến hành, có 48% số người tham gia khảo sát cho rằng trên chính trường Nga hiện nay không có chính khách nào có thể thay thế ông Putin, cao hơn 6% so với số người ủng hộ ông năm 2003, thời nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Kết quả thăm dò của Trung tâm Levada cũng cho biết, 65% số người được hỏi cho rằng ông Putin đã làm nhiều việc đem lại lợi ích cho đất nước trong năm đầu nhiệm kỳ 3. 36% số người tham gia khảo sát nhận định rằng thành tựu lớn nhất của ông Putin là khả năng của ông trong việc “khôi phục vị thế cường quốc của Nga”. Trên lĩnh vực đối ngoại, nước Nga từ thời ông Putin tái cầm quyền đã luôn đưa ra nhiều tiếng nói có trọng lượng trên chính trường quốc tế, góp phần đẩy lùi những cuộc xung đột luôn chực chờ nổ ra tại Syria, Iran…

Theo ý kiến của các chuyên gia, những bước đi mạnh tay trong cuộc chiến chống tham nhũng đã góp phần đưa tỷ lệ ủng hộ ông Putin luôn ở mức cao. Đạo luật chống tham nhũng được thông qua vào cuối tháng 4 vừa rồi, yêu cầu các quan chức không mở các tài sản nước ngoài nhằm tránh tẩu tán tài sản đã rất được lòng dân. Vì lo ngại chuyện tham nhũng bị đưa ra ánh sáng, trước thời điểm nộp bản báo cáo thu nhập năm, 30 nghị sĩ Hạ viện Nga đã đâm đơn ly dị, nhưng sự việc đã bị phanh phui. Cơ quan điều tra Nga ngay lập tức vào cuộc. Tổng thống Putin còn mạnh tay “thay máu Bộ Quốc phòng” khi sa thải hàng loạt các quan chức quốc phòng cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov, do dính líu đến một vụ án kinh tế gây thiệt hại 100 triệu USD, nhằm tạo điều kiện cho một cuộc điều tra vụ án tham ô lớn diễn ra trong bộ này.

Lời hứa với dân luôn quan trọng

Cùng với chiến dịch mạnh tay với tham nhũng, ông Putin đã đưa ra hàng loạt cải cách chính trị. Trong đó có điều luật xử phạt nghiêm khắc những người biểu tình quá khích, đồng thời coi các cá nhân, tổ chức nhận tài chính từ nước ngoài để tiến hành các cuộc biểu tình phi pháp là những kẻ gián điệp, nhằm ngăn chặn làn sóng biểu tình do thế lực bên ngoài kích động.

Giới phân tích nhận định động thái cứng rắn trên của Điện Kremlin là phù hợp với thực tiễn và có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh xã hội Nga đang có dấu hiệu bị chia rẽ, ông Putin đã nỗ lực để giảm thiểu các mối đe dọa tiềm tàng gây ảnh hưởng tới nền dân chủ. Bên cạnh đó là việc thông qua đạo luật về thủ tục thành lập đảng phái chính trị hay đạo luật mới về thủ tục bầu cử trực tiếp các thống đốc…

Lắng nghe các câu hỏi của người dân là tiêu chí mà ông Putin luôn đặt lên hàng đầu. Và không chỉ lắng nghe, ông Putin còn thực hiện yêu cầu chính đáng của nhân dân. Ví dụ từ câu chuyện trong cuộc trả lời trực tuyến ngày 25-4, một cô bé đến từ một gia đình đông con ở vùng Primorsky đã xin Tổng thống Nga một sân chơi cho ngôi làng của cô. Sau lời hứa sẽ có một sân chơi cho cô bé, đến ngày 27-4, sân chơi đã được hoàn thiện. Đây không phải là lần đầu tiên ông Putin đáp ứng những thỉnh cầu hết sức bình thường của người dân. Cuối năm 2008, khi còn là thủ tướng, ông từng mời một bé gái ở Serbia đến điện Kremlin sau khi cô bé hỏi xin ông một bộ đồ mới. Việc đưa ra lời hứa và tôn trọng lợi hứa của mình cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Nga tin tưởng vào lời hứa và hành động của vị lãnh đạo của mình.

Tuy nhiên, kinh tế Nga chưa thật sự phục hồi đang trở thành bài toán khó cho ông Putin. Năm ngoái, lần đầu tiên, lạm phát đã vượt qua cả mức tăng lương tại Nga, lên mức 6,6%, sau những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tăng trưởng kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục. Mức tăng trưởng của Nga trong quý 1 năm nay chỉ đạt 1,1%. Còn ở năm 2012, mức tăng trưởng là 3,7%, trong khi mức trung bình trong 8 năm cầm quyền trước đây của ông Putin là 7%. Các chuyên gia cho rằng kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế thế giới, nhưng cũng có ý kiến nhận định một phần nguyên nhân là do Nga chưa có cải cách kinh tế nào quan trọng.

Thanh Hằng (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục