Kỷ niệm 2 năm ngày mất nhà điêu khắc Diệp Minh Châu 12-7-2002 – 12-7-2004

Người nghệ sĩ của những huyền thoại

Người nghệ sĩ của những huyền thoại

(Con kính gửi hương hồn chú Tư với lòng kính yêu)

Người nghệ sĩ của những huyền thoại ảnh 1
Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu.

Cuộc đời ông đi qua biết bao  thăng trầm, ông đã nếm  trải hết những vinh nhục của cuộc đời. Từ một anh vẽ dạo phông màn cho các gánh hát, ngủ đình, ngủ chợ đến chàng họa sĩ lãng tử Diệp Minh Châu nổi tiếng với những nét vẽ phóng túng dạo trên đường môi sóng mắt những người đẹp nổi tiếng của những năm 1943-1944.

Và một Diệp Minh Châu lý tưởng cứu nước hừng hực với bức tranh bằng máu vẽ Hồ Chủ tịch đã làm rung động trái tim của cả một thế hệ… Mỗi lần gặp ông, là mỗi lần ta có thể hiểu thêm một chút về sức sống mãnh liệt nặng đầy trong trái tim ông: đó là tình yêu nghệ thuật.

Chắc không ai có đủ ngôn từ để diễn đạt hết những cơn sóng nồng nàn cuộn sôi trong tâm hồn ông mỗi khi nghe ông nói về nghệ thuật. Con người ấy đã sống bằng trái tim trong trẻo dành hết cho cuộc đời, cho lý tưởng nghệ thuật mà ông theo đuổi suốt đời… 

Ngày ấy , chàng trai trẻ thơ ngây Diệp Minh Châu lần đầu tiên tiếp xúc với hội họa qua bức tranh tứ bình của Hoàng Tuyển, và anh đã đến với người thầy đầu tiên bằng cả niềm say mê mãnh liệt… Thầy Hoàng Tuyển lúc ấy chuyên vẽ tranh thờ và phông màn sân khấu, nên để tầm sư học đạo, anh theo thầy trôi dạt khắp nơi theo các gánh hát suốt 5 năm trời.

Rồi tình cờ, anh gặp họa sĩ Thành Sính, học lóm cách vẽ chân dung, và vẽ cho các nghệ sĩ bấy giờ như Phùng Há, Năm Phỉ, Thanh Loan, Năm Châu, Ba Vân… Khi xem những bức chân dung của người học cọp nghề mình, Thành Sính đã kêu lên: “Châu, mày phải ra Hà Nội học vẽ thôi …”.

Từ đấy với anh, việc không được học vẽ có thể sánh ngang cái chết. Và anh đã vượt qua tất cả mọi trở lực để một mình ra Hà Nội tự kiếm sống bằng nghề vẽ phông màn cho các gánh hát kiếm ăn… để được đi học. Một cuộc sống lang thang vất vả ở quê người được trả công xứng đáng bằng bảng đỗ đầu vào trường Mỹ thuật Đông Dương…

Và sau đó là một Diệp Minh Châu thành đạt với niềm đam mê sôi nổi trong làn môi sóng mắt giai nhân. Đó là thời các người đẹp quí phái Sài Thành săn đón anh Châu họa sĩ để có được một bức chân dung có chữ ký của anh. Đó cũng là thời anh tiêu tiền như nước, sống như một bậc thượng lưu công tử thời say men rượu, men tình cùng các người đẹp.

Trang lưu bút vẫn còn ghi dấu mực của nghệ sĩ Năm Châu viết cho anh tại biệt thự Thúy Trâm tháng 12/1944: “Châu và Châu…. Men nồng. Ngâm… trong say. Một bài thơ không lời. Nhìn! Đẹp hơn trăng. Một bức tranh không màu sắc…. Một vệt chơn trời. Châu và Châu!!”, đọc để hiểu tâm trạng của những kẻ sĩ bấy giờ qua những dòng chữ mông lung này.

Đầu năm 1945, chiến tranh lan tràn khắp nơi, chánh tỉnh Bến Tre bắn tin muốn đưa chàng họa sĩ tài hoa sang Pháp học. Nhưng Cách mạng Tháng Tám đã làm Diệp Minh Châu như bừng tỉnh dậy, anh lẳng lặng rời đô thị , xé giấy thông hành và giấy thuế thân vào chiến khu kháng chiến… 

Người nghệ sĩ của những huyền thoại ảnh 2

Một góc phòng tranh Diệp Minh Châu.

Giai đoạn thứ nhất của cuộc đời chàng họa sĩ lãng tử đã qua, Diệp Minh Châu gần như trở thành một con người mới. Không ai nghĩ chàng trai hào hoa thích gái đẹp và rượu ngon ngày nào lại có thể chịu đựng được gian khổ suốt 9 năm kháng chiến.

Chỉ hơn một năm lao theo các trận đánh hào hùng của các chiến sĩ, anh đã có hơn 80 bức vẽ, tranh Diệp Minh Châu bây giờ là cảnh tan hoang của xóm làng bị ruồng bố, cảnh người chiến sĩ xung phong nơi trận mạc, cảnh tình dân quân trên đường hành quân… Và hơn hết là bức tranh chân dung bằng máu của chiến sĩ Lê Hồng Sơn.

Ngày 28-2-1947, trong trận Vàm Nước Trong, Lê Hồng Sơn bị thương ngay đầu, được vực ra bờ dừa. Biết bạn không thể sống nổi, Diệp Minh Châu đã dùng máu của Sơn họa ngay bức chân dung Sơn, Sơn đã kịp ngắm bức tranh chân dung bằng máu của chính mình, tự tay viết tên mình dưới bức họa và hô to “ Việt Nam độc lập” trước khi ra đi…

Chàng họa sĩõ đã tê lịm đi trong cảm xúc, anh vừa khóc vừa vẽ cho xong bức họa, đó cũng là lúc anh hiểu hết ý nghĩa của hai từ nghệ thuật mà anh đã đam mê mang nặng suốt cuộc đời. Bức họa này hiện giờ ở đâu, không ai biết, nhưng đó là bức họa bằng máu đầu tiên trào lên từ cảm xúc thiêng liêng của người nghệ sĩ trước những tấm gương anh hùng mà anh được cảm nhận bằng những giọt máu trung kiên của cả dân tộc đang vùng dậy như vũ bão…

Bức họa bằng máu thứ hai Diệp Minh Châu vẽ Hồ Chủ tịch bằng chính máu mình, đó là lời tuyên thệ của anh cùng Bác Hồ và cách mạng: “… Con trân trọng gửi bức họa bằng máu của con dâng lên Cha già để tỏ lòng biết ơn Cha đã giải phóng cho nghệ thuật của con, để tạo cho thể xác và linh hồn con thành lợi khí đấu tranh cho cuộc Cách mạng Giải phóng dân tộc” 

Và ông đã đi đúng với lời tuyên thệ của mình, đúng với những gì ông đã tâm niệm về nghệ thuật: “Không phải lang thang mới là nghệ sĩ. Không phải lãng mạn mới là nghệ sĩ. Chỉ có tác phẩm mới đáng để ý mà thôi. Có người lăn vào con đường trụy lạc để sống cho tác phẩm, có người tránh xa nhục thể để sống cho tác phẩm. Nhưng cốt nhất là phải hiểu con đường mình định đi. Trí đã định ta sẽ đi thẳng tới. Không có sức gì ngăn cản được…”(1).

Ông đã ra đi theo chí hướng của mình, từ những ngày đầu tiên vượt biết bao gian khổ để đến được với hội họa đến khi trở thành một trong những nhà điêu khắc hàng đầu của đất nước, chưa có lúc nào thấy trái tim ông thôi đập những nhịp nồng nàn cho nghệ thuật. Trên giường bệnh, ông vẫn nói chuyện tranh, tượng, vẫn với những hồi tưởng sâu đậm về những tháng ngày sôi động được cống hiến cho nghệ thuật… Đôi mắt ông reo vui trong sáng biết bao khi đến các cuộc triển lãm, ngắm nhìn những bức họa trẻ trung sinh động của thế hệ sau…

Ông, người nghệ sĩ của những huyền thoại, cả cuộc đời ông là cả một cuốn tiểu thuyết với biết bao trầm luân, khổ ải lẫn cùng ánh sáng chói ngời của vinh quang. Ông biết yêu và yêu say đắm, nồng nàn… , một tình yêu có sức hút kỳ diệu đến nỗi ông có thể đọc thuộc nằm lòng những bức thư tình của nàng Như Mai (2) gửi cho ông hơn nửa thế kỷ trước (1944).

Câu chuyện tình say đắm ấy cũng có thể viết thành tiểu thuyết với biết bao rào cản ngăn chia, nhưng chính cách mạng đã đưa họ đến được với nhau, và yêu nhau đến bạc đầu. Đọc lại những dòng thư tình của hai người để hiểu họ đã yêu nhau đến như thế nào, vậy mà khi nàng vừa sinh đứa con đầu lòng chưa tròn một ngày, chàng đã phải ra đi, một chuyến đi không thể biết ngày trở lại.

Đó chính là chuyến đi lịch sử đã đưa chàng trai quê Bến Tre đến với Việt Bắc, được sống bên cạnh người cha của dân tộc, cũng chính là những giờ phút hạnh phúc nhất đời ông… 

(1) Trích từ tập ghi chép của Diệp Minh Châu năm 1944.
(2) Bút danh của cô Phương Dung, vợ của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu.

NGÔ NGỌC NGŨ LONG


Tin cùng chuyên mục