Cái tin Công ty quảng cáo Đất Việt chia tay với bóng đá Việt Nam không làm ai phải bất ngờ. Nếu hiểu đúng bản chất vấn đề thì cuộc chia tay này “đẹp” cho cả 2. Trên thực tế, mối quan hệ giữa VFF và Đất Việt không có dấu hiệu căng thẳng đáng kể nào và vì thế, khi Đất Việt rút khỏi hợp đồng bảo trợ (kéo dài 3 năm) sớm một năm thì cũng chẳng phải là điều gây khó cho cả 2.

Trong 3 năm bảo trợ, Công ty Đất Việt đã kéo về cho VFF 3 nhà tài trợ giải V- League:
Khi Đất Việt nhảy vào bắt tay với VFF, người ta nói đấy là sự dũng cảm bởi từ trước khi 2 bên cùng “làm ăn” với nhau, tài trợ cho bóng đá Việt Nam chủ yếu là các công ty nước ngoài, có ngân sách quảng cáo mạnh. Khi Đất Việt hợp tác, V-League và Cúp Quốc gia dần dần được “nội hóa” vấn đề tài trợ, một tín hiệu tốt lành cho bóng đá Việt Nam. Trên thực tế, cuộc chia tay lần này là chuyện chẳng đặng đừng, chủ yếu là vì hoàn cảnh.
VFD sẽ là nhà bảo trợ mới cho các giải bóng đá Việt Nam. Nói cho cùng, đấy cũng là điều hiển nhiên vì chính là VFD chứ không phải Đất Việt mới là đối tác bền vững cho bóng đá Việt Nam. VFF có đến 30% cổ phần trong VFD, Chủ tịch Hội đồng quản trị VFD là Phó Chủ tịch tài chính VFF. VFD có trách nhiệm và quyền lợi phải bảo đảm tài chính cho các giải bóng đá của VFF hoạt động đúng tiến trình của nó đúng như tên gọi “Công ty Phát triển bóng đá Việt Nam” của công ty này. Nên, giờ này mà VFD “vào” cũng là muộn.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, VFD “nhảy” vào thì cũng đã là thế kẹt. Chúng tôi tin chắc rằng việc VFD gánh trách nhiệm cho Đất Việt chưa phải vì công ty này đã có “đầu ra” và cũng vì thế, không lấy gì bảo đảm rằng bóng đá Việt Nam vẫn còn “có giá”. Thời điểm này mà còn đi thương thảo hợp đồng thì chỉ có bất lợi mà thôi vì hơn lúc nào hết, đây là “cơ hội” để các nhà tài trợ “ép giá”.
Hơn nữa, trong một thời gian ngắn ngủi như vậy, chưa chắc VFD đã bảo đảm được những đòi hỏi và quyền lợi chính đáng của nhà tài trợ mới. Thông tin hành lang cho hay, Tribeco sẽ là nhà tài trợ mới của V-League nhưng giới quan sát cho rằng, đây có thể vẫn không phải là một hợp đồng dài hơn một năm vì Tribeco đang được Kinh Đô mua lại. Ai cũng biết, Kinh Đô đã “bỏ chạy” khỏi V-League thế nào, còn sớm hơn cả Đất Việt chia tay VFF. Thậm chí Kinh Đô sẵn sàng bồi thường hợp đồng chứ bảo quay lại với bóng đá thì không.
Cũng có luồng dư luận cho rằng, việc có nhà tài trợ cho các giải đấu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là nhờ mối quan hệ của các lãnh đạo phụ trách tài chính của bóng đá Việt Nam hơn là nhờ uy tín của bản thân bóng đá Việt Nam. Dù đã dự báo và cũng biết trước được tình hình phức tạp của tiêu cực hiện nay nhưng VFF không có phương án dự phòng để đến nỗi phải vội vàng trong việc tìm tiền.
- Khi VFD ra tay
Trong bản báo cáo tài chính tổng kết nhiệm kỳ 4 ở Đại hội nhiệm kỳ 5, không thấy có nguồn thu từ VFD mà VFF có đến 30% cổ phần. Câu hỏi này cho đến nay chưa có lời giải đáp. Giới kinh doanh cho rằng, qua các thương vụ SEA Games 22 hay các trận đấu của đội tuyển Việt Nam, con số lợi nhuận đem về cho VFF sẽ là rất lớn. Đấy chính là nguồn tài chính để VFF có thể bảo đảm cho sự thành công của các giải đấu thuộc quyền quản lý của mình.
VFD đã không còn có thể đứng ngoài cuộc để hưởng lợi như một người bàng quang được nữa sau các hoạt động thuận lợi nhờ “mác” VFF. Việc tiếp nhận bảo trợ tài chính cho 3 giải đấu cao nhất là chuyện bắt buộc và cũng để cho công ty này có cái nhìn toàn diện hơn về trách nhiệm “phát triển bóng đá Việt Nam”. VFD phải “sắn tay áo” vào để chia sẻ những khó khăn về mặt uy tín của bóng đá Việt Nam. Hơn nữa, sự có mặt của họ cũng để chuyên nghiệp hóa hoạt động kiếm tiền vốn diễn ra đơn lẽ và khá nghiệp dư của VFF.
Biết đâu, khi VFD “nhảy” vào cuộc thì VFF mới thật sự ý thức giá trị của mình trong 30% cổ phần ở công ty này.
- Đáng buồn hay đáng...vui?
Thoạt tiên, chẳng ai vui khi những giải đấu danh giá của bóng đá Việt Nam mà không mấy ai còn hứng thú “lao vào”. Sự thất bại trong việc tìm kiếm nhà tài trợ đến thời điểm hiện nay không chỉ hiểu trong khía cạnh tiền bạc mà đấy còn là biểu hiện sự “xuống giá”, sự mất uy tín của nền bóng đá.
Nhưng cũng có một quan điểm khác nói rằng, vậy mà …vui!
Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam bị tổn hại uy tín trầm trọng do tiêu cực, người ta mới thấy rằng việc bảo vệ “thương hiệu” của VFF và các thành phần có trách nhiệm mới yếu ớt và nghiệp dư làm sao. Dù biết trước được sự việc và tầm hậu quả của nó nhưng hầu như VFF không có biện pháp chống đỡ hay bảo vệ cho uy tín của các giải đấu. Cũng qua cuộc chiến chống tiêu cực người ta mới thấy rằng những giá trị tốt đẹp của V-League mong manh, dễ vỡ như thế nào. Thế nên, khi các nhà tài trợ “căng” vào sự sa sút uy tín này thì VFF đành chịu vì …đúng quá. Họ chỉ còn biết hô hào “ngày mai trời lại sáng !”. Vấn đề là “ngày mai là khi nào”?
Đấy là cái mà VFF cần biết cách trả lời. Với các công ty lớn có doanh số hàng ngàn tỷ đồng, bỏ ra 9-10 tỷ một năm tài trợ cho một sự kiện lớn như V-League không phải là nhiều nếu không nói là quá lời về mặt chi phí. Trung bình mỗi tháng, nhà tài trợ chỉ mất 1 tỷ đồng tiền quảng cáo nhưng lại được nhắc tên trên báo chí …như mưa rào. Được hàng chục buổi truyền hình trực tiếp lẫn phát hình lại trên hàng chục đài truyền hình trong cả nước.
Nếu tính sơ sơ, một bảng quảng cáo trên sân của một CLB Chuyên nghiệp mất 50 triệu đồng thì việc nhà tài trợ có trên 100 bảng khắp cả nước cũng đủ tiền bỏ ra làm quảng cáo, chưa nói những món lợi từ truyền hình và báo chí. Trong khi đó, để tài trợ cho một đêm ca nhạc, các thương hiệu đã mất mấy trăm triệu đồng.
Nhưng dù có lợi về mặt chi phí thì nhà tài trợ V-League vẫn cứ lo ngại vì họ không biết thương hiệu của họ được đón nhận theo hướng tích cực hay tiêu cực. Nghĩa là nhà tài trợ vẫn cứ lo ngay ngáy về cái gọi là “uy tín của bóng đá Việt Nam”. Nhà tài trợ lo cũng đúng vì trên thực tế, VFF không chăm lo kỹ càng cho hoạt động này mà phó mặc cho đối tác vận động tài trợ.
Nói cách khác, dù đồng ý bỏ qua, không đòi hỏi khắc khe về các quyền lợi quảng cáo thì điều cuối cùng mà nhà tài trợ hy vọng là VFF sẽ giữ được độ ổn định cho V-League để bảo đảm thương hiệu của họ được đón nhận theo cách tốt đẹp. Tiếc là ngay cả yêu cầu tối thiểu này, VFF cũng không thể hoàn thành.
Vậy mới nói rằng, chuyện các nhà tài trợ thay nhau rút lui vì tiêu cực hóa ra lại là chuyện vui, vì qua đó hy vọng những nhà điều hành bóng đá Việt Nam cẩn thận và chu đáo hơn trong việc giữ gìn thương hiệu của mình. Đấy là lời nhắc nhở của cơ chế thị trường và cũng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quyết tâm xây dựng thương hiệu bóng đá mà nhiệm kỳ 5 hứa hẹn.
Hồ Việt - Việt Quang