Người nhập cư trong nền kinh tế

Người nhập cư trong nền kinh tế

Vấn đề người nhập cư ở Mỹ đang “nóng” lên gần đây khi Quốc hội Mỹ xem xét dự luật thắt chặt các điều kiện nhập cư. Nhiều cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra ở các thành phố lớn của Mỹ. Cộng đồng nhập cư khẳng định họ là thành phần không thể thiếu của xã hội Mỹ, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Mỹ...

Ngày 23-3-2006, hàng chục ngàn người xuống đường ở Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ), trong cuộc biểu tình “Một ngày không có người Latin” làm hàng tá doanh nghiệp phải tạm nghỉ. Ngày 25-3, hơn nửa triệu người biểu tình ở Los Angeles, bang California, một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Mỹ thời gian gần đây. Những tuần trước đó, đã có nhiều cuộc xuống đường ở các thành phố Denver, Reno, Phoenix, Atlanta...

Các nhà tổ chức cho biết sắp tới còn nhiều cuộc biểu tình nữa để phản đối dự luật nhập cư mới đang được Quốc hội xem xét. Người nhập cư ở Mỹ có đủ quốc tịch Á, Phi, Mỹ Latin và đông nhất là Hispanics (người nhập cư có nguồn gốc từ hơn 20 nước nói tiếng Tây Ban Nha). Dự luật mới xem nhập cư bất hợp pháp là phạm trọng tội, chủ thuê nhân công ở Mỹ cũng phải biết rõ tình trạng nhập cư của lao động...

  • Không thể thiếu người nhập cư
Người nhập cư trong nền kinh tế ảnh 1

Thập niên qua, người nhập cư đóng vai trò lớn trong thị trường lao động ở Mỹ. Lao động đến từ nước ngoài chiếm 11,3% dân số và 14% nhân lực (năm 2002) và ngày càng tăng. Cục Thống kê lao động Mỹ ước tính từ năm 2000 đến 2010 Mỹ tạo ra thêm hơn 33 triệu công việc mới, chỉ cần đào tạo ít hoặc vừa phải, như phục vụ nhà hàng, xây dựng, bán hàng, chở hàng, chăm sóc người bệnh... là những việc người Mỹ không muốn làm nên người nhập cư luôn thích hợp.

Người nhập cư đến Mỹ chủ yếu để làm việc, đã bổ sung lượng lao động trẻ cho xã hội, nếu không có họ, lực lượng lao động Mỹ sẽ tăng rất chậm. Thống kê cho thấy lượng người nhập cư tăng khi kinh tế Mỹ phát triển, giảm khi kinh tế Mỹ suy yếu.

Tuy có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ nhưng người nhập cư chỉ được xem là lao động tạm thời, không được thường trú để thành thành viên của xã hội Mỹ, không được thăng tiến công việc, không được tăng thu nhập theo thời gian... Có bang như Arizona mới đây còn thông qua qui định không cho người nhập cư được hưởng các dịch vụ công như y tế...

Những tranh luận về vai trò người nhập cư ở Mỹ thường tập trung vào các tác động kinh tế: họ đóng góp như thế nào cho nền kinh tế Mỹ, có chiếm mất việc, làm giảm lương của người Mỹ, làm tốn ngân sách cho các chương trình xã hội...? Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng nghiên cứu được cho là sâu rộng nhất của Ngân hàng dự trữ liên bang, Dallas, năm 2003, các nhà kinh tế đồng ý là người nhập cư chỉ làm giảm một ít lương của người Mỹ ở những công việc ít kỹ năng, ít đào tạo, còn lại là không đáng kể. Tăng trưởng hiện nay của Mỹ không thể có nếu không có người nhập cư.

Nghiên cứu của Viện Khoa học quốc gia (NAS) cũng cho thấy một người nhập cư tiêu biểu cùng con cháu, trong cuộc đời họ, đã đóng góp thuế nhiều hơn 80.000 USD (giá năm 1996) so với những lợi ích họ nhận được từ cả các cấp địa phương, tiểu bang và liên bang. Báo cáo “Nhập cư, Việc làm và Nền kinh tế Mỹ” năm 2004 của Century Foundation nêu về mặt kinh tế, những biện pháp cứng rắn như trục xuất hàng loạt hoặc cắt giảm mạnh số người nhập cư chính thức sẽ đi ngược lại lợi ích của Mỹ và công dân Mỹ.

  • “Cuộc chiến” còn dài
Người nhập cư trong nền kinh tế ảnh 2

Vấn đề nhập cư đã gây nhiều tranh cãi, ý kiến khác nhau ở Mỹ. Theo nhóm kiểm soát nhập cư NumbersUSA, trụ sở ở Washington, với lượng nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp hiện nay, dân số Mỹ sẽ tăng đến 420 triệu người vào năm 2050, tạo ra nhiều vấn đề khiến chính phủ phải giải quyết.

Theo Cục Thống kê Mỹ, năm 2005 có 35,2 triệu người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp. Một con số kỷ lục! Bang California đứng đầu với gần 10 triệu người, bằng 28% dân số và 1/3 lực lượng lao động của bang.

Theo báo USA Today, tài chính thiếu hụt làm Mỹ gần như bất lực trong việc ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico. Mỗi trong số 24 thành phố dọc biên giới Tây Nam dài hơn 3.000km hàng năm tiêu tốn hàng triệu dollar vì nạn nhập cư bất hợp pháp. Chi phí được chính phủ trả lại nhưng thường là không đủ.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, 4 thành phố biên giới ở bang Arizona đã yêu cầu 23,2 triệu USD trong năm 2005 cho chi phí tạm giữ hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp nhưng chỉ nhận được 731.000 USD. Arizona là bang bị nhập cư bất hợp pháp nhiều nhất, chiếm hơn một nửa trong số 1,14 triệu người bị bắt dọc biên giới từ California đến Texas năm 2004.

Mỹ đang xem xét xây thêm tường rào đôi dọc biên giới với Mexico, tăng cường lực lượng an ninh biên giới, thắt chặt chính sách nhập cư... Các chính sách này đang gây nhiều tranh cãi.

Giữa tháng 3, 11 nước Mỹ Latin gồm Mexico, Colombia, Ecuador, Cộng hòa Dominica cùng các nước Trung Mỹ đã thỏa thuận sẽ vận động hành lang chống dự luật nhập cư mới của Mỹ. Các nước này muốn Mỹ phải thừa nhận những đóng góp của lao động Hispanics cho nền kinh tế Mỹ.

Hồi tháng 12-2005, Tổng thống Mexico Vicente Fox từng gọi việc Mỹ dựng hàng ngàn ki-lô-mét tường rào dọc biên giới là điều “đáng hổ thẹn” ở thế kỷ 21 và nhắc lại rằng nguồn gốc người Mỹ phần lớn đều là nhập cư từ khắp thế giới.

Theo Hội đồng nghiên cứu quốc gia (NRC), Hispanics là cộng đồng nhập cư đông nhất, tăng nhanh nhất và có ảnh hưởng nhất, đang làm thay đổi nước Mỹ. Hiện cộng đồng Hispanics ở Mỹ trên 40 triệu người, mỗi năm thêm 1,5 triệu, từ cả nhập cư và sinh đẻ. Nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, đến năm 2030, gần 1/4 người sống ở Mỹ là Hispanics, so với 1/7 năm 2000. Cộng đồng Hispanics trẻ, học vấn thấp, chủ yếu làm những việc ít kỹ năng, lương thấp. Thế hệ thứ 2 khoảng 10 triệu người, đang đi học, dự báo sẽ lên 26 triệu trong 25 năm tới, một phần lực lượng lao động tương lai của Mỹ.

Ước tính đến tháng 3-2006 có 11,5 đến 12 triệu người nhập cư bất hợp pháp, 1/3 số này đến Mỹ trong thập niên qua. 56% vào Mỹ từ Mexico (khoảng 6,2 triệu người); 22% từ các nước Mỹ Latin còn lại (2,5 triệu người).
Từ năm 2000 đến 2005, số người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico khoảng 1,5 triệu; từ Trung Mỹ hơn 465.000; từ Đông Nam Á hơn 365.000. (Pew Hispanic Center công bố đầu tháng 3-2006).

Tin cùng chuyên mục