
- Thời hạn sở hữu tối đa là 50 năm
Hôm qua 22-5, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận về Luật Cán bộ, công chức. Chiều cùng ngày, QH nghe và thông qua toàn văn nghị quyết về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Theo kế hoạch, chiều nay QH sẽ thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, việc thông qua vấn đề này được tạm hoãn đến thời điểm thích hợp.
Luật Cán bộ, công chức: Phải tạo nên thiết chế chống “ngồi nhầm ghế”
Trong buổi thảo luận thứ 2 về dự án Luật Cán bộ, công chức, ý kiến của nhiều đại biểu (ĐB) đã bày tỏ sự băn khoăn về quy trình tuyển dụng cán bộ, công chức và chỉ ra những bất cập về phương thức, cách thức tuyển dụng, đặc biệt quy định nội dung và các môn thi tuyển và chế độ ưu tiên xét tuyển, quy định về các môn thi bắt buộc chung...
Theo ĐB Trịnh Tiến Long (Bắc Kạn), việc cho điểm ưu tiên đến 30 điểm trên thang điểm 100 cho các đối tượng ưu tiên xét tuyển bao gồm các đối tượng chính sách, người có công, dân tộc thiểu số quá chênh lệch so với những đối tượng không thuộc diện ưu tiên làm cho các cơ quan không tuyển được người có chuyên môn phù hợp, có năng lực thực sự, đáp ứng những tiêu chuẩn, nhu cầu công việc, nhất là các lĩnh vực có yêu cầu chuyên môn cao, chẳng hạn như ngành y tế.
ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cũng quyết liệt: QH đang bàn thảo Luật Cán bộ, công chức nhằm tạo nên thiết chế để chống “ngồi nhầm ghế”. Nếu cứ áp dụng cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm như thể hiện trong dự thảo luật, sẽ không đáp ứng được yêu cầu trên.
Không dừng ở đó, ĐB Lê Văn Cuông nhấn mạnh thêm: “Tôi đã nhiều lần phản ánh trước QH, thực tế hiện nay nhiều người muốn có được một chỗ làm việc trong cơ quan Nhà nước phải bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng tùy theo vị trí công tác. Dẫn đến hệ quả người có phẩm chất năng lực nhưng không có tiền, hoặc không chịu chạy sẽ không được tuyển dụng. Ngược lại, người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, nhưng do thân quen hoặc do “chạy chọt” sẽ được tuyển dụng, làm cho chất lượng công chức ngày càng giảm sút”.
Từ thực tế trên, ĐB Lê Văn Cuông đề xuất: Việc tuyển dụng công chức nhất thiết phải qua thi tuyển chứ không nên xét tuyển làm giảm chất lượng công chức và phát sinh tiêu cực, nên áp dụng chính sách thu hút cán bộ về công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
Kết hôn với công dân Việt Nam, người nước ngoài được đứng tên sở hữu nhà ở
Trong phiên họp chiều 22-5, với đại đa số tán thành, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thí điểm về việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2009.
Theo đó, loại nhà ở mà người nước ngoài được phép mua và sở hữu có thời hạn là căn hộ chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài đi lại. Tại một thời điểm, người nước ngoài chỉ được phép sở hữu một căn hộ chung cư duy nhất, chỉ được dùng để ở, không được cho thuê làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác.
Trường hợp đã sở hữu một căn hộ mà được cho/tặng/thừa kế căn hộ khác tại VN thì được quyền lựa chọn sở hữu một căn hộ và được hưởng giá trị còn lại.
Cá nhân nước ngoài chỉ được phép bán/tặng/cho căn hộ của mình sau ít nhất 12 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận (GCN) sở hữu, trừ trường hợp chứng minh được việc không thể tiếp tục ở lại VN.
Thời hạn sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài tối đa là 50 năm kể từ ngày được cấp GCN sở hữu và được ghi rõ trên GCN. Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi hết thời hạn sở hữu, chủ sở hữu phải làm thủ tục bán, tặng, cho căn hộ.
DN, tổ chức nước ngoài hoạt động tại VN cũng có thể mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại VN (thời hạn này tương ứng với thời hạn trong giấy phép đầu tư/hoạt động của DN, tổ chức và được ghi trên GCN sở hữu), nhưng phải chứng minh được nhu cầu về nhà ở của người lao động trong DN/tổ chức mình và khi bán phải chứng minh được nhu cầu thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc giải thể, phá sản… Đây là quy định nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ nhà ở.
Đáng lưu ý, trong số các đối tượng được phép mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại VN được quy định rõ trong nghị quyết này, đối tượng người nước ngoài kết hôn với công dân VN sẽ được phép đứng tên chung đồng sở hữu nhà ở với vợ (chồng) mình. Hợp đồng mua bán nhà ở với người nước ngoài được lập bằng tiếng Việt và - nếu đối tượng mua, bán có nhu cầu – được dịch sang ngôn ngữ khác (có công chứng theo quy định hiện hành).
Việt Lan – Anh Phương
Ngay sau khi QH hoãn thông qua nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân (ảnh) đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí.
- PV: Bộ Xây dựng sẽ bổ sung điều gì trong đề án để thuyết phục các ĐBQH thông qua?
Bộ trưởng NGUYỄN HỒNG QUÂN: Chính phủ đang nghiên cứu và giải trình kỹ các vấn đề mà ĐBQH đặt ra. Cần lưu ý rằng đề án chỉ mới là định hướng, hiện nay chưa có quy hoạch cụ thể. Theo luật thì quy hoạch phải theo địa giới hành chính nên chưa quyết về địa giới thì chưa thể làm quy hoạch. Lộ trình là sau khi Chính phủ báo cáo QH định hướng để QH thông qua, Chính phủ mới giao cho bộ chủ trì lập quy hoạch Hà Nội mở rộng.
- Giải trình của Bộ Xây dựng liệu có đưa ra luận điểm gì mới hoặc các phương án khác để QH xem xét?
Chính phủ giao các bộ có liên quan giải trình chứ không phải riêng Bộ Xây dựng. Ví dụ như về nguồn vốn thực hiện, về nhân sự…
- Cách đây 2 - 3 năm, đã có thông tin Hà Tây sẽ nhập về Hà Nội và dựa vào đó “thổi” giá đất Hà Tây lên cao. Phải chăng, nếu đề án được thông qua, những công ty đầu cơ bất động sản được lợi đầu tiên?
Việc Chính phủ trình QH mở rộng địa giới thủ đô là trách nhiệm của Chính phủ trước nhân dân và đất nước trên cơ sở lợi ích quốc gia chứ không phải vì lợi ích cục bộ của một cá nhân hoặc tổ chức nào cả.
- Nếu QH không thông qua đề án mở rộng Hà Nội tại kỳ họp này, bộ trưởng lo ngại điều gì sẽ xảy ra?
Tại hội trường, có ĐB nói, nếu như chúng ta không thông qua, rất có thể sẽ xảy ra tình trạng “quy hoạch treo” khổng lồ. Tôi nghĩ đây là ý kiến xác đáng. Bởi vì, nếu đặt vấn đề dời thời gian thông qua vào một lúc nào đấy, rõ ràng các tổ chức, người dân, doanh nghiệp sẽ có sự chờ đợi.
- Có ĐB băn khoăn, thủ đô nhiều nước phát triển cũng không rộng đến thế?
Băn khoăn này cũng đúng thôi. Trên cơ sở thực tế, cũng có người lo lắng khả năng quản lý ra sao. Nhưng phương án mà Chính phủ trình đã có sự so sánh, phân tích cụ thể, nếu nói “rộng quá” e chỉ là cảm tính.
- Trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, việc hợp nhất sẽ làm phát sinh hàng loạt chi phí…
Mở rộng thủ đô là một công việc tính toán lâu dài. Còn chống lạm phát hiện nay là một nhiệm vụ khác. Đây là hai loại việc khác nhau. Những băn khoăn về thời điểm thực hiện chủ yếu xuất phát từ sự lo lắng về nguồn kinh phí, bộ máy, con người… Chính phủ sẽ có giải trình rõ thêm.
Anh Thư ghi