“Người Sài Gòn chê Thể công không biết đá bóng"

“Người Sài Gòn chê Thể công không biết đá bóng" ảnh 1
Khánh Lâm (7) và Anh Phúc (12, TC) bám đuổi theo pha đi bóng của Rodolfo C.Caldeira
(29, CLB TPHCM)

Xin được đảo ngữ câu nói nổi tiếng của Trưởng đoàn bóng đá Thể Công năm 1994 Nguyễn Sỹ Hiển để nhắc lại chuyện màu áo của Thể Công đã bị thế hệ cầu thủ hôm nay đánh mất…

Hôm qua Thể Công lại thua! Thua tệ hại trước một đối thủ đàn em CLB TPHCM.

“Thường thôi! Thắng mới là lạ!”.

Tiếng nói của chính những người từng yêu mến Thể Công nhưng bây giờ mệt mỏi chuyển từ tuyệt vọng sang thất vọng. Tôi tin trong số ít khán giả hôm qua không có người đã từng cầm chiếc áo đỏ truyền thống trả lại cho ban huấn luyện Thể Công với lời oán trách: “Bố tôi theo Thể Công đã 36 năm và tôi cũng yêu Thể Công như thế. Bây giờ tôi trả Thể Công chiếc áo này, chừng nào các anh thực sự là Thể Công và gìn giữ được giá trị truyền thống của Thể Công tôi sẽ đến lấy áo…”.

Tôi không có may mắn xem thế hệ Thể Công thi đấu trước ngày đất nước thống nhất nhưng tôi hiểu được giá trị và cái tình của người hâm mộ dành cho Thể Công ngày nào. Đến giờ tôi vẫn không quên được hình ảnh trong cuộc họp trước trận đấu với Bình Định trên sân Thống Nhất năm 1994, đúng vào ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên. Ngày mà Trưởng đoàn bóng đá Thể Công Nguyễn Sỹ Hiển khuyên các huấn luyện viên không cần phải nói nhiều về chuyên môn để thay vào đó là lời dặn dò như một khẩu lệnh của người lính: “Chú không bắt các cháu phải chiến thắng, nhưng làm thế nào để người Sài Gòn nhận ra rằng các cầu thủ Thể Công biết đá bóng”.

Buổi họp đấu pháp ngắn ngủi tại doanh trại C59 khi ấy đã làm thức tỉnh tất cả các cầu thủ Thể Công. Buổi chiều hôm ấy, họ ra sân dưới cơn mưa lất phất và có người đã khóc khi nhìn lên khán đài và chợt nhận ra rằng ở đâu người hâm mộ Thể Công cũng tràn ngập và cũng sát cánh bên mình. 1-0, 2-0 rồi 3-0… Thể Công thắng thuyết phục trước một Bình Định đã được “book” sẵn những lô đất với vị thế đẹp tại Quy Nhơn nếu vô địch.

Thể Công rời sân Thống Nhất giữa rừng người và những cái vỗ tay thán phục, trong đó có cả những người ủng hộ cho Bình Định nhưng tâm phục khẩu phục.

Đêm ấy, chiếc Hải Âu cũ kỹ chở các cầu thủ Thể Công dừng ở quán Tin Cậy (Lăng Cha Cả) và họ được rừng người chào đón, ôm hôn từng cầu thủ vào lòng. Đội trưởng Mạnh Cường khi ấy cũng không cầm được nước mắt nhìn Trưởng đoàn Nguyễn Sỹ Hiển nói nghẹn ngào: “Chúng cháu đã hoàn thành nhiệm vụ, đã giữ được lời hứa với chú. Người Sài Gòn đã nhìn chúng cháu với ánh mắt tôn trọng bởi các cầu thủ Thể Công biết đá bóng”.

Chuyện của 12 năm trước lại là chuyện mà lớp cầu thủ hôm qua không thuộc và không biết gìn giữ lấy cái giá trị truyền thống của mình. Chiếc áo người hâm mộ trả lại cùng với hình ảnh người hâm mộ Sài Gòn quay lưng với khán đài heo hắt cho thấy Thể Công đã mất rất nhiều.

Thể Công đã thua và thua bạc nhược. Cái thua mà những người từng tự hào với Thể Công ngày nào phải thốt lên: “Ngày xưa, ai cũng hỏi Thể Công thắng bao nhiêu còn bây giờ chỉ nghe “lại thua nữa à!”. Thậm chí, họ còn không biết cả cách thua bởi quá ít người hiểu cái giá trị truyền thống ngày nào.Một đội bóng tên tuổi và một tập thể từng là niềm tự hào đã đánh mất chính mình khi bị chi phối quá nhiều vào những tác động ngoại cảnh và không còn cái tinh thần đá cho ai, vì ai…

Hôm qua, ai cũng nói họ không đá. Không đá chứ không phải vì không biết đá bóng.

Bao giờ Thể Công mới trở lại?

Không cần trở lại chuyên nghiệp mà chỉ cần trở lại với chính mình thôi cũng đủ rồi…

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục