Những năm gần đây, lượng bệnh nhân đến khám rối loạn giấc ngủ (RLGN) tại các cơ sở y tế ngày một tăng cao, nhất là ở các thành phố lớn; trong đó, tỷ lệ người bệnh hiện ngày càng trẻ hóa (từ 18 - 30 tuổi) do có thói quen xấu trong sinh hoạt, áp lực từ công việc, học tập. Theo các chuyên gia, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, RLGN sẽ kéo theo nhiều tác động xấu tới sức khỏe, hiệu quả làm việc của người bệnh.
Áp lực lớn, sinh hoạt không lành mạnh
Trong bộ dạng đôi mắt thâm quầng, cơ thể uể oải tới khám tại Bệnh viện (BV) Tâm thần TPHCM, chị Lê Thị Thanh Thủy (29 tuổi, quận 6, TPHCM) chia sẻ, gần đây cơ thể bị suy kiệt, luôn cảm thấy bực bội trong người và dễ cáu gắt với những người xung quanh. Khi được các bác sĩ tư vấn, chị mới biết nguyên nhân là do mất ngủ kéo dài. Chị Thủy cho biết do đặc thù của việc kinh doanh bán hàng trực tuyến nên hàng ngày chị phải tiếp xúc liên tục với thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh. “Nhiều hôm đã cố gắng sắp xếp để được ngủ sớm, nhưng khách hàng đề nghị cung cấp thông tin về hàng hóa hoặc đặt mua hàng nên tôi phải trả lời, phải cập nhật liên tục mới có khả năng cạnh tranh với người khác. Khi xong việc thì đã quá giấc ngủ, nằm trằn trọc, trở mình liên tục cũng không thể nào ngủ được”, chị Thủy tâm sự.
Gặp phải tình trạng tương tự, anh Huỳnh Quang Triều (25 tuổi, nhân viên IT) thì than thở với đồng nghiệp rằng cả tuần nay do phải làm dự án nên đêm nào cũng chỉ ngủ được 3 - 4 giờ. “Công việc đòi hỏi phải làm liền mạch, mỗi đêm tôi chỉ được ngủ vài tiếng và sáng hôm sau vẫn phải tới công ty làm việc. Bây giờ chỉ thèm có một giấc ngủ thật sâu, nhưng dù đã cố gắng ngủ sớm, tôi vẫn không thể nào đi vào giấc ngủ dễ dàng”. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân chia sẻ, ban ngày ngồi làm việc rất thèm ngủ, thậm chí ngủ gật trên ghế, nhưng khi vào giường thì không thể nào ngủ được. Điều này khiến cho hiệu quả công việc giảm sút, cơ thể luôn căng thẳng.
Theo bác sĩ Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Tâm thần, mất ngủ thường khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, làm giảm hoạt động của cơ thể vào ban ngày. Với một người trưởng thành, mỗi đêm cần 7 - 8 giờ để ngủ, riêng người cao tuổi thường ngủ dưới 6 giờ/đêm; nếu để xáo trộn giấc ngủ sẽ kéo theo nhiều bệnh lý liên quan tới thần kinh, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn tâm thần, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả học tập, công việc và sức khỏe của người bệnh.
Cần xây dựng lối sống khoa học
Nhận định về các nguyên nhân dẫn đến bệnh mất ngủ, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc ở những người trẻ tuổi hiện nay, Th.S Hoàng Đình Hữu Hạnh, phụ trách đơn vị RLGN (BV Đại học Y Dược TPHCM), cho biết những người trong độ tuổi từ 18 - 30 bị mất ngủ đang có xu hướng tăng nhanh, nguyên nhân do căng thẳng quá mức trong công việc, học tập, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, sử dụng thiết bị liên lạc, điện tử liên tục trước khi đi ngủ… Ngoài ra, giới trẻ ngày nay cũng có nhiều mối bận tâm nên cần có nhiều thời gian để thực hiện, nhưng lại tự tin vào sức khỏe của mình, chưa cảm nhận hết những tác hại do mất ngủ gây ra. Chính những điều đó khiến tình trạng mất ngủ, khó ngủ ở người trẻ ngày càng gia tăng.
Cũng theo bác sĩ Hạnh, khi bị mất ngủ, người bệnh sẽ có các dấu hiệu rối loạn đầu giấc, khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ và khó quay lại giấc ngủ. Những người trẻ tuổi khi thu xếp giấc ngủ không tốt, về lâu dài thành “bệnh” mà không phải ai cũng nhận ra. Nếu mất ngủ ở mức độ nhẹ mà không được điều trị kịp thời sẽ dễ chuyển sang mất ngủ mạn tính, rất khó chữa dứt điểm. Bệnh mất ngủ gây ra nhiều hậu quả. Nhẹ thì giảm năng suất lao động, chất lượng học tập, giảm chất lượng cuộc sống; nặng thì có thể dẫn tới các tai nạn giao thông, tai nạn lao động khi người có triệu chứng mất ngủ tham gia vào các hoạt động trên.
Thông thường, khi bị chứng mất ngủ, rất nhiều người có thói quen ra cửa hàng thuốc tây để mua thuốc ngủ, thuốc an thần. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, các loại sản phẩm này có chất gây nghiện, tức là sử dụng nhiều sẽ thành ghiền, không uống thì không thể ngủ được. Hậu quả của việc lạm dụng thuốc ngủ sẽ khiến người dùng luôn có cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi, tốc độ phản ứng chậm chạp và giảm trí tuệ, sự tập trung trong công việc, thậm chí gây rối loạn tâm thần. Các chuyên gia cũng khuyến cáo những ai đang có những dấu hiệu của bệnh RLGN cần có lối sống lành mạnh, không dùng chất kích thích, thu xếp giấc ngủ tốt, ăn những thực phẩm có lợi cho giấc ngủ như rau xanh có nhiều chất kẽm, magie để tạo ra những hóc môn có lợi sức khỏe. Đồng thời, nên tập thể thao nhiều, bởi khi hoạt động, cơ thể người sẽ tiết ra những nội tiết tố giúp giấc ngủ sâu hơn.