Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Đột phá khu vực nông thôn

Gõ cửa thị trường
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Đột phá khu vực nông thôn

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) đã khẳng định, các chương trình kích cầu lớn được triển khai từ cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” trong năm qua đã phát huy hiệu ứng tích cực, tạo sức cạnh tranh cho hàng Việt trên sân nhà. Người tiêu dùng đã chọn hàng Việt vì xuất xứ, chất lượng, giá cả rõ ràng, hợp lý. Xu hướng chọn hàng ngoại đã giảm…

Giò chả Vissan, một thương hiệu Việt được người tiêu dùng chọn dùng trong ngày tết. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Giò chả Vissan, một thương hiệu Việt được người tiêu dùng chọn dùng trong ngày tết. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Gõ cửa thị trường

Đến nay, đã có 17 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” được Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức thành công tại 10 tỉnh. Điều đó chứng tỏ, thị trường nông thôn nay không còn bị bỏ ngỏ.

Nhiều người gọi những phiên chợ hàng Việt này là hoạt động “Dựng phòng tuyến cho hàng Việt”. Các DN thì cho rằng chương trình này là “cánh tay dài” giúp họ đến gần hơn với người tiêu dùng nông thôn.

Theo chị Thiên Thủy, phụ trách truyền thông của BSA, đích đến của chương trình được xác lập ngay từ đầu, không nhằm tìm kiếm doanh số, lợi nhuận tức thì hoặc nhằm thanh lý hàng tồn kho, mà từng bước xây dựng, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt ở nông thôn, nơi chiếm đến 70% dân số cả nước.

Tuy nhiên, sau nhiều lần tham gia chương trình, doanh số nhiều DN đã phát triển mạnh, tăng từ 2 đến 3 lần. Sau 4 tháng tham gia hội chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, anh Nguyễn Hiền Sang, Quản lý kinh doanh Công ty TNHH DV-TM-SX Việt Sin phấn khởi khoe: “Không ngờ sau hội chợ có rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng hàng của công ty. Nhờ đó, công ty có thêm nhiều đại lý cấp 2, 3 tại các tỉnh Bến Tre, An Giang, Đồng Nai. Doanh số tăng 200% so với năm ngoái. Không ngờ thị trường các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông lại nhiều tiềm năng đến vậy. Do người tiêu dùng tại các tỉnh thích hàng Việt Sin nên chúng tôi chủ động giảm giá 3%-5%. Bán hàng về nông thôn mặc dù lợi nhuận thấp và tốn công hơn các TP  lớn nhưng vui hơn!”.

Qua các hội chợ “Hàng Việt về nông thôn”, nhiều nhà sản xuất trong nước đã hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn và chỗ đứng của hàng hóa của mình.

Theo anh Trần Hữu Đức, Giám đốc đối ngoại Công ty Nutifood đây là chương trình “gõ cửa thị trường”. Anh cho biết: Nếu DN xem đây là chương trình marketing thực thụ sẽ nhận thấy sự thành công. Các DN đã phát hiện được nhiều thị trường tiềm năng và thấy được tầm quan trọng của các nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương để từ đó hình thành hệ thống phân phối chuyên nghiệp hàng Việt tại thị trường nông thôn.

Đặc biệt, nhiều DN còn xem các hội chợ “Hàng Việt về nông thôn” là dịp để chống lại hàng gian, hàng giả.

Chị Lương Thị Mỹ Tiên, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH SX-TM Nhựa Chí Thành cho rằng, trước tình trạng nón bảo hiểm giả tràn lan, những hội chợ và các chương trình kích cầu hàng trong nước đã giúp các DN khẳng lại giá trị sản phẩm của mình. Tại các hội chợ hàng Việt, nhà tổ chức đã trình bày 2 sản phẩm thật và giả, sau đó hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt. Nhận định về các chương trình kích cầu cho hàng Việt trong năm qua, 100% DN trong nước cho rằng, điều này đã có hiệu ứng tích cực, giúp DN tăng thị phần từ 5% đến 30%.

Để hàng Việt bám rễ

Điều khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là kinh phí. Nếu như các tập đoàn lớn của nước ngoài có nhiều ngân sách quảng bá trên các kênh truyền thông, DN trong nước hầu như không có.

Chính vì thế, về lâu dài, để hàng Việt bám rễ tại các thị trường tiềm năng vùng sâu vùng xa, các DN mong muốn nhà nước hỗ trợ nhiều hơn về mặt truyền thông và quảng cáo để người dân am hiểu và dùng hàng Việt mạnh hơn.

Theo báo cáo tổng kết chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, trung tâm BSA cùng nhiều tỉnh thành sẽ tiếp tục hành trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Để thiết lập thành công hệ thống phân phối khu vực nông thôn và tạo thêm giá trị gia tăng cho hàng Việt “Hàng Việt về nông thôn” rất cần sự tham gia, đồng lòng của các DN và sự hợp tác hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan chức năng để dựng nên một phòng tuyến cho hàng Việt trước sự xâm lấn của hàng ngoại.

Mai Thi – Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục